Người cha Họ Dương

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình…”, lời bài hát vang vọng giữa khuôn viên tĩnh lặng, trời không nắng gắt, gió cũng nhẹ nhàng, nén hương đã tàn đi một phần, ba tôi ngồi cạnh mộ của ông nội tôi, rít lấy một hơi thuốc lá rồi thở nhẹ nhàng, khói thuốc hòa vào khói hương theo gió bay vút lên. Ông tôi đã về nghĩa trang này từ hồi bà nội tôi vẫn còn sống, tôi chỉ nhớ khi còn bé khoảng chừng 7 hay 8 tuổi gì đó. Vào một trưa hè, tôi đang ngồi chơi cùng lũ bạn trong xóm thì có mấy chú bộ đội vào nhà gặp bà nội tôi và nói rằng “chúng em đưa được anh Bảy về rồi chị ơi!”. Lúc ấy trong nhà chỉ có tôi và bà (năm đó bà tôi cũng đã hơn 70 tuổi) bà bước lom khom ra kêu tôi: “Út ơi! chạy ra kêu ba mày về chở bà nội đi đón ông nội”. Mãi về sau này tôi mới biết, ngày hôm ấy các chú bộ đội ấy mang hài cốt của ông tôi về từ Campuchia.

Tôi rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có cả ba và mẹ. Đó là điều mà bà nội tôi vẫn thường hay nói với tôi lúc tôi còn nhỏ. Thật vậy, bà tôi kể hồi còn hoạt động cách mạng, ông và bà công tác tại Liên đoàn Việt kiều cứu quốc tỉnh Kandal – Campuchia, ông tôi là trung đội trưởng còn bà là giao liên của khu. Có với nhau 3 mặt con nhưng thời chinh chiến ác liệt, mỗi lần bà vượt cạn thì ông lại đi công tác cùng đơn vị. Giữa tháng 5 năm 1952, đơn vị làm nhiệm vụ trở về nhưng ông tôi thì đã nằm lại trận địa, các đồng đội cố gắng lên trận địa hết lần này đến lần khác vẫn chưa thể mang di hài của ông tôi về để an táng, khi ấy bà đang mang thai, đến đầu tháng 10 năm ấy ba tôi chào đời giữa mưa bom, bão đạn nơi chiến trường và thiếu đi bóng dáng người cha của mình. Không lâu khi ông tôi được về an nghỉ tại nghĩa trang thành phố thì bà tôi cũng đi xa, sum họp chẳng được bao lâu thì ông và bà lại chia xa, bà tôi được an táng tại nghĩa trang khác cách xa nơi ông, hai người ở hai đầu thành phố.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng giữa nơi đất khách quê người nên từ nhỏ ba tôi đã được các chú, các bác là đồng đội của ông bà tôi dạy bảo và sớm tham gia cách mạng trong vai trò quân báo nhân dân hoạt động khắp các nơi ở trong nước. Mỗi khi tôi học các trận đánh lớn của quân đội ta từ năm 1970 thì ba tôi có thể kể tường tận cho tôi hình dung về sự hùng tráng và ác liệt của các trận đánh ấy, và đó là một phần của lịch sử, lịch sử mà ông đã tận mắt chứng kiến. Sau giải phóng, ba tôi gặp mẹ tôi nhưng lúc này trong nước vẫn còn các mầm mống phản động khắp các nơi, ba tôi lại lên đường. Mẹ tôi thường hay kể rằng: “Ba mày đi suốt, một năm có được mấy ngày ở nhà đâu, mà hay lắm, cứ mẹ gần sinh là ổng lại tự động về”.

“Sao ba không tiếp tục công tác?” – tôi hỏi ba tôi khi nén hương sắp tàn hết. Ba tôi cầm sấp vàng mã lên vừa đốt vừa nói: “Năm đó sắp sinh con thì tình hình cũng ổn định rồi con, ba xin mấy bác cho ba về nhà từ trước rồi, xong nhiệm vụ ba về tới nhà thì tối đó con chào đời, cũng vừa kịp”. Khi đó tôi cũng không nghĩ gì nhiều, cho đến ngày giỗ bà nội tôi mới nhớ đến lời bà tôi từng nói rằng tôi may mắn khi sinh ra đã có ba và mẹ. Tôi cũng là con út trong gia đình có 3 anh chị em, ba tôi cũng là út nhưng ba tôi chưa một lần được gặp mặt ông nội, chưa được nghe tiếng cũng như chưa gọi được tiếng “Ba” nào trọn vẹn, tất cả những gì ba tôi biết về ông nội chỉ qua lời bà nội kể, các đồng đội và nhân dân kể lại và một tấm di ảnh được vẽ lại được bà tôi cất giữ cẩn thận và tới giờ bức ảnh ông tôi vẫn trang nghiêm trên tủ thờ.

Có lẽ một gia đình với đủ thành viên là điều quá đỗi bình thường đối với chúng ta ngày nay, nhưng với những thế hệ trước thì thật sự là một điều ước khó thành sự thật, bởi lẽ đã hiểu thấu nỗi niềm đó nên ba tôi chưa một lần vắng mặt khi anh em chúng tôi chào đời. Thế hệ đi trước đã đánh đổi quá nhiều thứ để có lấy hòa bình, độc lập cho chúng ta ngày nay. Những ngày hè tháng 5 năm 1952 quá đỗi thương tâm với nhiều người, trong đó có bà tôi và cả ba tôi.

Tháng 5 năm 2011, một lần nữa những hình ảnh hào hùng lịch sử lại hiện ra trước mắt tôi khi giai điệu “Tiến quân ca” và “Quốc tế ca” vang lên trong buổi lễ kết nạp Đảng viên đầy trang trọng, tôi cùng các đồng đội hô vang “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Dòng máu nóng vẫn sục sôi trong tôi tiếp tục cống hiến dưới Đảng kỳ, quốc kỳ và quân kỳ, xin cảm ơn những anh hùng đã nằm xuống, xin cảm ơn những chiến sỹ vô danh chưa thể về nhà. Và hơn tất cả, xin cảm ơn Ba đã hy sinh để chúng con có một tuổi thơ đầy đủ tình thương.

Dương Trương Quang Khương

(Bài đạt giải Nhì Cuộc thi viết “Câu chuyện Họ Dương tôi”)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com