Ông Dương Văn Viên phát triển kinh tế từ cây sâm nam núi Dành
- 27/04/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 555
Ông Dương Văn Viên (sinh năm 1955) ở thôn Lãn Tranh 2, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã phát triển thành công 6 sào sâm nam núi Dành mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chỉ từ một củ sâm mua từ người quen.
Sinh ra và lớn lên lại vùng núi Dành – nơi có huyền tích về loài dược liệu quý nên ngay từ khi còn nhỏ ông Dương Văn Viên đã thường xuyên được nghe các cụ kể lại những câu chuyện về cây sâm nam chữa bệnh cứu người. Tương truyền rằng có thời kỳ mẹ vua Tự Đức bị lòa mắt, nhiều thuốc thang chữa trị mà vẫn không khỏi, năm đó may nhờ có sâm núi Dành mà mắt bà sáng lại, từ ấy sâm nam núi Dành trở thành sản vật quý tiến Vua hàng năm.
Chính vì vậy, sau khi trở về từ chiến trường Tây Nguyên vào năm 1977, ông Dương Văn Viên vẫn luôn mơ ước có thể trồng một vườn sâm tại chính khu đất của gia đình. Tuy nhiên, do sâm núi Dành thời điểm này khá hiếm nên khó có thể tìm được nguồn giống.
Mãi đến năm 2005, ông Viên đã mua lại được một củ sâm của người quen làng bên và bắt đầu lên kế hoạch thực hiện ước mơ của mình. Với củ sâm đầu tiên, ông trồng trong một góc vườn để cây leo lên hàng rào. Từ đó, một số dây sâm nam bò dưới đất, bật rễ ở các nách lá rồi đâm xuống đất ra củ, ông tách ra đem trồng thử và phát triển thành cây. Vậy là ông làm theo cách lấy các củ con đó giâm vào bầu rồi đưa dần ra vườn.
Trong suốt thời gian đó, ông vừa trồng, vừa nghiên cứu, tìm hiểu về cách chăm sóc sâm nam để mang lại hiệu quả cao nhất. Nhờ sự cần mẫn, chăm chỉ của mình, chỉ từ một củ sâm đến nay ông Viên đã phát triển lên 6 sào với hàng nghìn cây.
Cũng chính khoảng thời gian này, được sự quan tâm của nhà nước, nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về sâm nam núi Dành được các đơn vị tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả cũng như nhiều thông tin quan trọng, hữu ích về giống sâm này trong công tác bảo tồn cũng như phát triển. Qua nghiên cứu cho thấy nhóm chất chính trong loài cây dược liệu này là saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin… Hàm lượng saponin của cây này tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh – loại sâm quý hiếm nhất thế giới.
Cũng nhờ vậy mà sâm nam núi Dành được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ rộng mở hơn. Với 6 sào sâm nam, gia đình ông Viên thu về hàng trăm triệu đồng. Ngoài phát triển số cây trong vườn, ông Viên cũng chia sẻ, giúp đỡ bà con trong khu vực cách nhân giống, trồng và chăm sóc sâm nam, giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển cuộc sống.
Hồng Anh