Ông Dương Văn Dũng: Triệu phú nông dân ở khe Thặt Lặt
03/05/2022
Ban Thông tin truyền thông
328
Được cán bộ xã Xá Lượng làm “hoa tiêu” dẫn đường, chúng tôi vượt cung đường ngoằn nghèo, mấp mô đôi chỗ lầy lội, trơn trượt sình bùn để đến với trang trại của lão nông Dương Văn Dũng, 63 tuổi, ở khe Thặt Lặt thuộc bản Na Bè 2, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Không hẹn trước nên khi chúng tôi ghé thăm, ông Dũng vẫn say sưa với chiếc máy cắt cỏ trên khoảnh đồi phía trên cao. Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng Nguyễn Đình Hiền phải gọi mấy lần, ông Dũng mới nghe thấy và buông máy chạy xuống đón khách. Người đàn ông có khuôn mặt sạm nắng gió nở nụ cười đôn hậu: “Anh chị đi đường chắc vất vả lắm, nhưng thế này là dễ đi rồi đấy, hồi vợ chồng tôi mới lên đây khai hoang cách đây 20 năm, đường vẫn là mòn chỉ lọt bánh xe máy thôi”. Nói rồi, với những bước đi thoăn thoắt, ông Dũng dẫn khách đi một vòng tham quan trang trại.
Vốn là lính Phòng không Không quân, quê gốc ở Hưng Nguyên, sau khi ra quân, năm 1990, ông Dũng lên Tương Dương lập nghiệp, lấy vợ, sinh con. Cuộc sống vất vả, nên 2002 vợ chồng ông quyết định vào khe Thặt Lặt khai hoang, mở đất. Mới đầu vốn ít hai vợ chồng xuôi Anh Sơn mua gà lỡ tầm 2-3 lạng về nuôi, mỗi đợt khoảng vài trăm con. Nghe ông anh ở dưới Vinh nói có ông bạn ở xã Hưng Hòa chăn nuôi cả vạn con gà, ông Dũng quyết tâm khăn gói đi “tầm sư học đạo”, xin ở trong nhà người ta một tuần để học nuôi gà.
Ông còn tự mày mò chế tạo thuốc chữa bệnh cho gà. Sau khi kinh tế ổn định hơn một chút, vợ chồng ông Dũng chuyển sang nuôi thêm dê, nuôi bò quy mô lớn, rồi mày mò học kinh nghiệm trên mạng và vay vốn ngân hàng để tiến công vào lĩnh vực cây ăn quả.
Đất không phụ công người, hiện trang trại của ông Dũng có 27 con bò, 400 trăm con gà, 200 gốc cam, 500 gốc na. Ngoài ra còn có 300 gốc xoan chuẩn bị cho thu hoạch và các loại cây ăn quả khác như mít, bưởi, xoài mỗi loại vài chục gốc trở lên. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, song song với việc chăn nuôi và trồng cây ăn quả, vợ chồng ông Dũng trồng rất nhiều loài rau củ (mùa nào thức nấy) quanh trang trại.
Bác áp dụng Kiến thức KHKT cho cây trồng như thế nào, giống cây ăn quả lấy ở đâu? Nghe chúng tôi hỏi, ông Dũng cười lớn: “Giờ là thời đại 4.0 mà cô chú, cái gì không biết, không hiểu thì gõ Google. Tôi tra trên mạng sau đó kết nối với Viện Nông nghiệp nhờ họ tư vấn, hướng dẫn cụ thể, chuyển giống cây phù hợp vào tận nơi rồi mình chuyển khoản thôi. Nhưng đã làm trang trại thì phải bám đất, bám cây, không rời ra được. Hai vợ chồng tôi làm không biết mệt, ngoài cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi ra, một năm chúng tôi còn làm hơn 4 tấn lúa rẫy…”.
Nguồn thu nhập ổn định giúp vợ chồng ông Dũng nuôi 3 đứa con ăn học, 2 cô con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, đi làm, con gái út đang học lớp 11 Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Từ hai bàn tay trắng, nay đã thuộc diện có “của ăn, của để” nhưng vợ chồng ông Dương Văn Dũng vẫn hăng say lao động.
“Hiện vợ chồng tôi đang vay Ngân hàng chính sách 100 triệu để mở rộng diện tích cây ăn quả, không có lao động nên cứ làm dần từng ít một, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm thôi”, vùng khe Thặt Lặt có tiềm năng đất đai đa dạng, phong phú phù hợp cho phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi, không nên để lãng phí…”, lão nông Dương Văn Dũng đã hào sảng chia sẻ như thế khi tiễn chúng tôi rời trang trại.
Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com