Những Tướng người Họ Dương Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng
- 29/11/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 2606
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, phá tan mưu đồ “đồng hóa” – một chính sách đặc trưng nổi bật của Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta. Để có được chiến thắng lịch sử này nhất định cần kể đến những vị tướng lĩnh tài ba người Họ Dương Việt Nam.
1. Người kết liễu tên tướng giặc Hoằng Tháo là Bình Vương Dương Tam Kha
Hoằng Tháo (có sách chép là Hoằng Thao, Hoành Thao, Hồng Tháo…) là Thái tử, con Lưu Cung – Vua sáng lập ra nhà Nam Hán, một trong những nước thời Ngũ đại thập quốc ở phương Bắc.
Khi Hoằng Tháo hùng hổ dẫn quân theo đường thủy tiến vào nước ta, Ngô Quyền đã bố trí sẵn trận địa cọc ngầm ở sông Bạch Đằng, “lúc nước thủy triều dâng lên mới sai quân dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến mà giả vờ thua. Hoằng Tháo đuổi theo.
Lúc ấy nước thủy triều rút xuống, cọc bày ra, Hoằng Tháo chống trả túi bụi, rồi thì nước chảy rất mạnh vào hết các thuyền đang vướng mắc nơi cọc. Ngô Quyền ra sức đánh phá dữ dội. Quân Nam Hán chết đuối đến quá nửa, giết được Hoằng Tháo” (Đại Việt sử lược),Trong sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, để chứng minh Dương Tam Kha là người giết Hoằng Tháo, PGS-TS Nguyễn Minh Tường dẫn ra 3 căn cứ. Căn cứ thứ nhất là vào bài thơ Quá Bình Vương cựu trạch từ (Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương) của TS Lê Tung, trong có câu:
“Thực thung giang khẩu thiết kỳ mưu
Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu”
Dịch nghĩa:
Cắm cọc xuống sông, khéo bày mưu lạ
Chém đầu Hoằng Tháo nhà Hán rửa hận cho cha.
Dựa vào 2 câu thơ này, nhà sử học Nguyễn Minh Tường kết luận: “Lê Tung khẳng định Dương Tam Kha là người chém chết Hoằng Tháo” (trang 26).
Bột Hải Hoàng đế – Bình Vương Dương Tam Kha tại Đền thờ
Căn cứ thứ hai của PGS-TS Nguyễn Minh Tường là dẫn đôi câu đối tại đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở thị trấn Cổ Lễ (Nam Định):
“Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang, thiên thu hách trạc
Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong”
Dịch nghĩa:
Dốc phù Ngô chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách
Chém chết Hoằng Tháo, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.
Căn cứ thứ ba mà nhà sử học đưa ra là dựa vào Thần tích đền Cổ Lễ và gia phả họ Dương. Tuy nhiên PGS-TS Nguyễn Minh Tường không nêu cụ thể niên đại của gia phả họ Dương và nội dung bản Thần tích đền Cổ Lễ.
“Tam Kha xuất bản bộ binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoàng Tháo”
Dịch nghĩa:
Tam Kha dẫn quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Thao.
Chính từ công trạng đó mà tại Đền thờ Dương Tam Kha tại Cổ Lễ có câu đối:
Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc,
Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong
Dịch nghĩa:
Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách,
Chém chết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.
Một số tài liệu khác cũng cho biết điều này, trong bài “Quá Bình Vương cựu trạch từ” (Qua đền trên nền nhà cũ của Bình Vương) của Thượng thư Lê Tung nhà Hậu Lê được chép trong bộ Thiên gia thi vựng tuyển cũng có câu:
“Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu”
Dịch nghĩa:
Chém Hoằng Tháo người Hán trả thù cho cha
Có thể thấy những gì trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, viết Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo là hoàn toàn dựa vào những tư liệu từ dân gian, chứ không hề có trong chính sử. Bình luận về điều này, PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng: “Theo tôi chưa nên đưa Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo vào sách Lịch sử Việt Nam phổ thông. Vì nếu là một sự kiện lịch sử chính xác thì hãy đưa vào những sách phổ biến có tính chất giáo dục truyền thống, còn chưa thực sự chính xác thì người ta hay dùng từ tương truyền”, trong bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) có đoạn viết: “Dương Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống…”.
2. Dương Thục Phi quê ở Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) vốn là gia tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ
Khi Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán và tự xưng là Tiết độ sứ nắm quyền điều hành chính sự trong cả nước và đóng trị sở ở thành Đại La (thuộc Hà Nội ngày nay) thì Dương Thục Phi vẫn ở lại Ái Châu làm tướng cho con trai Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha.
Tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết chết để cướp quyền.
Con trai Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha, con rể ông là Ngô Quyền cùng Dương Thục Phi và các gia tướng khác tức tốc hợp binh kéo ra Bắc hạ thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn và tổ chức trận địa cọc ở sông Bạch Đằng để chờ giặc đến. Dương Thục Phi là một trong những vị tướng được giao nhiệm vụ chỉ huy quân dân chặt gỗ, vót nhọn rồi đóng cọc xuống sông.
Sau trận đại thắng, với công trạng của mình, Dương Thục Phi được Ngô Quyền phong làm Đại tướng quân sau khi triều Ngô được thành lập. Tuy nhiên những thông tin, dữ kiện về Dương Thục Phi sau đó không được nhắc đến nên chúng ta không biết thêm gì hơn về ông.
Ban Nghiên cứu Lịch sử Họ Dương thành phố Hà Nội điền dã tại Đền thờ Dương Tam Kha tại bến Chương Dương
3. Dương Cát Lợi, gia tướng của Dương Đình Nghệ
Năm Đinh Dậu (937) Kiều Công Tiễn giết chết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ rồi thần phục Nam Hán, vua Nam Hán là Lưu Cung sai con là Hoằng Thao, đem quân theo đường biển ào ạt qua xâm lăng nước ta.
Dương Cát Lợi báo hung tin cho Ngô Quyền. Ngô Quyền được tin liền nói:
“Thù trong ngỗ nghịch không tha,
Giặc ngoài đánh đuổi, nước nhà mới yên”
Sau đó Dương Cát Lợi theo Ngô Quyền đem quân diệt trừ Kiều Công Tiễn và được lệnh chỉ huy việc đóng cọc, phá giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Khi triều Ngô thành lập, Dương Cát Lợi được phong chức Chỉ huy sứ.
Năm Giáp Thìn (944), vua Ngô Quyền mất, em vợ vua là Dương Tam Kha do các con của Ngô Quyền còn nhỏ, trong nước diễn biến phức tạp và yếu tố lịch sử để lại Dương Tam Kha xưng Dương Bình Vương.
Đến năm Canh Tuất (950), Dương Cát Lợi cùng Ngô Xương Văn và Đỗ Cảnh Thạc lật đổ Dương Tam Kha, khôi phục triều đại nhà Ngô.
Trên đây là một số nhân vật tiêu biểu Họ Dương được sử sách nhắc đến, họ chính là những người có vai trò lớn trong việc thiết lập hệ thống trận địa cọc ngầm, tạo dựng lên một “cái bẫy” hoàn hảo để quân xâm lược sa vào đó không có đường tẩu thoát.
Từ đó lịch sử ghi một dấu ấn chói lọi về một chiến thắng thể hiện trí thông minh tuyệt đỉnh, lòng dũng cảm vô song kết thúc “đêm dài Bắc thuộc”, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Các vị thần thời Ngô Quyền đến Tiền Lê -NXB Quân đội nhân dân, 2011
2. Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn hóa thông tin, 2006
3. Đại Việt sử lược- NXB Thuận Hóa, 2005
4. Đại Việt sử ký tiền biên – NXB Văn hóa thông tin, 2011
5. Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn hóa thông tin, 2006
6. Kể chuyện lịch sử nước nhà thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý– NXB Trẻ, NXB Giáo dục, 2009
7. Lịch triều hiến chương loại chí – NXB Trẻ, 2014
8. Nhân vật lịch sử văn hóa Hà Nam – NXB Hội nhà văn, 2000
9. Thần tích Việt Nam – NXB Thanh niên, 2007
10. Dương Tộc Kỷ Sử – Dương Đình Tiến ( 1058) – Dương Văn San dịch 1975
11. Làng Chương Dương qua di sản Hán Nôm – NXB Văn hóa dân tộc, 2004
Dương Minh Khải (Số điện thoại 0946922599) – Sưu tầm