Từ nông dân trở thành “Vua lò sấy”
- 05/08/2015
- Ban Thông tin truyền thông
- 1301
Từ nông dân trở thành “Vua lò sấy”
Dương Xuân Quả (Năm Nhã)
Họ Dương An Giang
Sinh 1957, năm 1974 đang học lớp 9 trường Thánh địa Hòa Hảo, tôi phải nghỉ học giữa chừng vì đã gần tuổi 18 – tuổi phải thi hành quân dịch.
Từ đó đến 2002 tôi đã trải qua rất nhiều nghề và vị trí khác nhau như làm ruộng, bơm nước lúa thuê, Tập đoàn trưởng tập đoàn sản xuất lúa 2 vụ vùng sâu xã Phú Xuân, nuôi vịt đẻ lấy trứng ấp vịt con bán, mua máy hàn điện tự tập hàn, lên TPHCM học nghề nhôm sắt, làm thợ nhôm sắt cho Nhà máy Dệt Hoàng Đế, Long An, nấu rượu, mở tiệm cơ khí “Năm Nước”, … Dù lăn lộn vất vả, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Hai thứ được lớn nhất trong thời gian này đó là nhận thức vai trò của tự học (khi làm lò ấp vịt, tỷ lệ nở vịt con của tôi cao hơn hẳn bà con trong vùng nhờ đọc và làm theo nội dung hướng dẫn trong sách “Chăn thả Vịt, Ngỗng” của Nhà xuất bản Hà Nội) và sau những năm lao động tôi đã có tay nghề thợ hàn khá cao.
Tháng 10 năm 2002, được anh ruột hỗ trợ thiết bị mở xưởng cơ khí nhỏ tại quê nhà. Thông qua thực tế sửa chữa, hàn quạt lò sấy gió cho bà con, tôi nhận thấy cấu tạo quạt lò còn nhiều chỗ chưa hợp lý làm giảm hiệu suất máy, nếu cải tiến một số chi tiết có thể nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm hao phí điện khoảng 15%. Quê hương tôi là vùng sản xuất lúa trọng điểm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Hàng năm sản xuất một lượng lớn lúa thương phẩm.
“Vua lò sấy” Năm Nhã
“Vua lò sấy” nhận giải thưởng Nhà sáng chế 2014
Trong trí óc tôi, từ nhỏ, luôn ám ảnh bởi hình ảnh rất xót xa khi phải bất lực nhìn các núi lúa đã thu hoạch, dần biến thành phân bón vì ẩm mốc, thối rữa vào những năm thời tiết không thuận lợi. Tuy không có được thông tin về tổn hao nông sản sau thu hoạch như hiện nay (khoảng 20%), nhưng tôi đã nhận thấy bảo quản nông sản sau thu hoạch là nhu cầu rất lớn, nếu đi sâu vào lĩnh vực này, có thể vừa làm giàu cho bản thân, vừa giúp bà con trong vùng nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm được tổn thất các nông sản sau thu hoạch.
Từ suy nghĩ đó, tôi nẩy sinh ý tưởng mở lò sấy tại nhà, nghiên cứu và nhận sửa chữa thêm các lò sấy hiện có trong vùng để có điều kiện tiếp cận thực tế. Qua đó, dự kiến kế hoạch tự thiết kế một lò sấy theo riêng ý mình trên cơ sở cải tiến, khắc phục những hạn chế của các lò sấy hiện đang hoạt động. Tuy nhiên trước khi triển khai, qua trà đạo cùng anh em bạn, nhiều ý cho rằng đã bao nhà sáng chế được ăn học, đầy bằng cấp để làm ra nó, mình chưa học xong phổ thông làm sao nổi, không khéo sạt nghiệp. Bị tác động của các lời khuyên đó, tôi rất phân vân, sau nhiều đêm đắn đo, tôi thấy mình đã có thực tế, có tay nghề, có bài học ấp vịt qua sách, có sự giúp đỡ của bạn bè, anh em nên quyết tâm triển khai dự án.
Việc đầu tiên, tôi đã tự tìm mua các sách kỹ thuật liên quan, nghiên cứu cánh bơm của tàu Mỹ và các máy sấy các loại khác cùng công suất, thông báo với anh em bạn quyết tâm của mình, đề nghị mọi người ủng hộ giúp đỡ và bắt tay vào công việc. Trải qua biết bao lần làm đi, làm lại và thử nghiệm thủ công, quạt đã đáp ứng được yêu cầu về lượng gió và chỉ tiêu giảm tiêu hao năng lượng.
Sau 18 tháng, chiếc lò sấy đầu tiên do tôi tự chế tạo đã hoàn thành, lò sấy cải tiến sấy 12 Tấn/mẻ thời gian bằng lò 10 tấn/mẻ, nhưng nhẹ dầu hơn 10%, đáp ứng được yêu cầu như ý tưởng đề ra.
Tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các chủ lò sấy và rút kinh nghiệm, thay sửa không ngừng, lò sấy được đánh giá cao, được bà con quanh vùng tín nhiệm, máy hoạt động tốt. Nhưng vì chỉ bản thân và anh em cùng làm biết, nên không thể sản xuất đại trà, không có được hiệu quả kinh tế. Khi đó, vấn đề là phải đưa được phát minh của mình vào thị trường. Qua tìm hiểu, được biết nông trường Cờ Đỏ – Cần Thơ đang có nhiều máy sấy lúa, có thể đến tiếp thị, khi nêu ý tưởng, vợ nói mơ mộng viển vông, khuyên nên ở nhà chí thú mần ăn. Sau tính qua tính lại, tôi quyết định tự đến nông trường. Tới cổng rụt rè xin gặp Trưởng phòng kỹ thuật trình bày cải tiến, xin được nhận hợp đồng cải tiến 48 lò sấy đang hoạt động với cam kết, sau cải tiến, lò sấy lúa để giống phải đạt một số yêu cầu gồm: Không gãy gạo, không hôi khói, không trở mẻ, không lên tro đen lúa, giảm tổn thất điện 15 đến 20%, giảm tổn hao chất đốt 15% và quan trọng nhất là điều khoản nếu làm xong sấy ra y như cam kết thì trả tiền không như cam kết đừng trả tiền.
Tự tin vào kiến thức đã có, những kết quả đã thực hiện, tôi đồng ý ký hợp đồng và bắt tay triển khai, dồn toàn bộ tâm trí, tiền của vào công việc. Thời gian đó trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ thường trực đó là lò sấy. Nhiều lúc chỉ vì một chi tiết chưa đạt yêu cầu mà trằn trọc nhiều đêm.
Đoàn công tác Bộ khoa học và công nghệ đến thăm DNTN máy sấy lúa Năm Nhã
Cùng với thời gian, lần lượt các máy được cải tiến. Những ngày sắp nghiệm thu, dù rất tự tin nhưng không thể tránh khỏi những hồi hộp, vì hiểu rằng đây sẽ là bước ngoặt trong cuộc đời của mình, hoặc sẽ khánh kiệt gia sản, hoặc sẽ mở trang mới trong thực hiện các ý tưởng thiết kế các lò sấy nông sản khác mà tôi vẫn ấp ủ. Kết quả nghiệm thu thật mỹ mãn, máy sau cải tiến hoạt động rất tốt, đạt tất cả các yêu cầu như hợp đồng, sau 8 mẻ sấy kiểm tra, nông trường đồng ý thanh toán đầy đủ tiền theo hợp đồng. Tuy nhiên vì không đăng kí kinh doanh nên phải chạy lui chạy tới nhiều lần mới hoàn tất được thủ tục thanh toán, từ đó tôi quyết tâm phải mở xưởng đăng ký đàng hoàng.
Công việc đột nhiên thuận lợi khi phóng viên Truyền hình An Giang đến phỏng vấn và phát hình về cải tiến của tôi. Kết quả sau đó, hợp đồng của khách hàng tăng chóng mặt.
Tiếp đà thắng lợi, Năm Nhã tiếp thị và nhận cải tiến nhiều máy khác, đến nay đã làm mới thêm 6 lò sấy lúa giống và 63 lò sấy lúa thương phẩm.
Biết thị trường không chỉ có nhu cầu sấy lúa, mà còn rất nhiều nông sản khác đang có nhu cầu sấy bảo quản sau thu hoạch, tôi đã tự tìm tòi, cải tiến lò sấy cho phù hợp. Kết quả :
Năm 2008 nghiên cứu thành công sấy vỏ dứa (khóm)
Năm 2009 sấy vỏ đầu tôm suất khẩu và ngô (bắp), sắn (củ mì).
Năm 2010 lò sấy ớt. Từ sau 2010, tiếp tục chế thành công lò sấy cho nhiều nông sản khác như sấy hàng thủ công mỹ nghệ bèo tây (lục bình), cây trúc, tiêu, cà phê, dăm gỗ, cây mè tươi, lạc (đậu phộng) trái nhãn …
Thời gian này, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi thiết kế lò sấy ớt. Ban đầu thất bại liên tiếp, làm đi làm lại mấy lần vẫn không đạt yêu cầu, số tiền lỗ lên đến 135 triệu đồng, đã có lúc nản chí định bỏ cuộc. Nhưng tôi tự nhủ, giờ đây, không chỉ còn là vấn đề tài chính đơn thuần, mà đã trở thành tự trọng nghề nghiệp và uy tín thương hiệu. Cứ nghĩ đến đó, tôi lại như được tiếp thêm nghị lực để tiếp tục nghiên cứu. Mày mò nguyên lý trong các tài liệu, tìm hiểu nguyên nhân thất bại, kiên trì làm lại nhiều lần, cuối cùng đã thành công.
Ngoài việc có lãi, qua vụ lò sấy ớt, bản thân tôi cũng trưởng thành rất nhiều, cả về kiến thức và tính kiên trì, đồng thời tự tin hơn trên con đường sáng tạo. Đặc biệt lò đốt than đá, sau khi Năm Nhã cải tiến đã giảm chi phí chất đốt đến 400%, không thể tưởng tượng được trước khi triển khai cải tiến. Đến nay Năm Nhã đã thay cho tháp 21 lò đốt than đá trên địa bàn.
Những sản phẩm liệt kê trên, sấy theo công nghệ Năm Nhã chi phí thấp hơn các lò sấy nguồn gốc sản xuất nơi khác nhiều, được nông dân chấp nhận. Về chất lượng sản phẩm, được đánh giá ngang tầm các máy cùng loại nhập khẩu, nhưng giá thành rẻ hơn nhiều, dễ bảo quản, dễ sử dụng, phụ tùng thay thế chủ động, bảo trì dễ, giảm công lao động và giảm chi phí cho nhiên liệu.
Do những kết quả đạt được, các sản phẩm của tôi đều được cấp thương hiệu “Năm Nhã”. Ngày 06/08/2012, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen và gọi Nhã như bà con thường gọi “Vua lò sấy”; được GCF (Tổ chức hỗ trợ phát minh sáng chế Đan Mạch) tài trợ nghiên cứu mô hình tại phường Bình Đức, Tp. Long Xuyên.
Năm 2013 sản phẩm “Vít tải tự động mini” dự triển lãm hội chợ Hà Nội, phát trên chương trình “7 ngày công nghệ”, được mời dự thi chương trình “Nhà sáng chế” năm 2013, nhưng do mắc công việc không thể nhận lời. Năm 2014, chương trình lại đề nghị, tôi đồng ý dự thi, giành giải nhất và sẽ được dự Gala cuối năm 2014.
Năm 2014 Ban Khuyến nông tỉnh mời tôi làm diễn giả về sấy lúa, bắp 3 huyện với hơn 700 người tham dự.
Tâm tư nguyện vọng: Ước mơ thoát nghèo nay đã đạt; giờ muốn đem hiểu biết cống hiến cho đời sau, cho Quốc gia, cũng có ý phát triển qua các nước bạn. Từ 2005, khi việc làm ăn tiến triển tốt, Năm Nhã đã bắt tay vào làm công tác xã hội đến nay đóng góp.
– Hơn 350.000.000 đ (Ba trăm năm mươi triệu đồng) tiền mặt trong các đợt quyên góp
– Bảo trợ toàn bộ cho 2 đứa cháu ăn học giờ đã ra trường 1 đứa
– Lắp điện kế cho 9 hộ gần máy sấy nhà ở Châu Thành .
– Năm 2014 nâng cấp phủ thờ Họ Dương, cao 1m7 đầu tư hơn 500.000.000 đ (Năm trăm triệu đồng).
Gần đây, được biết HĐHDVN đang hoạt động, Năm Nhã đang cố gắng để được cùng bà con Họ Dương miền Nam tham gia đóng góp cùng Họ Dương cả nước, hướng về cội nguồn, tri ân tổ tiên và cùng làm rạng danh hơn dòng họ.
Năm Nhã chỉ học trường đời, học bằng lỗ tai biết lắng nghe, con mắt ghi nhận, miệng thì hỏi từ người lớn đến trẻ nhỏ chớ chưa có thày, rồi lao vào thực nghiệm bất kể khó khăn vất vả. Năm 2013, mới học cách quản lý do GCF tài trợ.
Bài học lớn mà Năm Nhã rút ra là phải dám làm, phải kiên trì tự học, tự nghiên cứu trên sách vở trên thực tế và quan trọng phải có niềm đam mê công việc.