Một làng cổ ở Nam Định ra đời từ thời vua Hùng thứ 12, đặt bài vị thờ Hoàng hậu Dương Vân Nga

Tưởng nhớ công lao của các vị tổ về vùng đất quê hương khai canh, lập ấp, nhân dân đã đặt bài vị thờ tại đền làng Bách Cốc (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Cùng với thờ phụng các vị tổ lập làng, Đền Bách Cốc còn thờ Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thái phó Bình Quận công Bùi Ư Đài.

Làng Bách Cốc, xã Thành Lợi (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là vùng đất cổ. Đến nay, làng vẫn giữ được phong tục truyền thống, các di tích lịch sử – văn hóa cùng hệ thống các di vật phong phú như: Lăng mộ, bia chân dung, văn bia, trống đồng, đồ đá, đạo sắc phong…

Theo các tài liệu lịch sử và thần phả địa phương, vào thời vua Hùng có 12 gia đình xuôi thuyền theo dòng sông Hồng từ vùng Bạch Hạc (nay là Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) về cửa biển Côi Sơn khai khẩn bãi hoang bên dòng sông Cốc lập thành làng.

Tưởng nhớ công lao của các vị tổ về vùng đất quê hương khai canh, lập ấp, nhân dân đã đặt bài vị thờ tại đền làng Bách Cốc. Cùng với thờ phụng các vị tổ lập làng, Đền Bách Cốc còn thờ Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thái phó Bình Quận công Bùi Ư Đài.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngôi đền bị bom đạn của giặc tàn phá chỉ còn lại khu cung cấm. Với quyết tâm gìn giữ di sản văn hoá của cha ông, năm 1990, dân làng cho tôn tạo phần trung đường với ba gian dựng bằng gỗ lim, lợp ngói nam.

Năm 1994, nhân dân địa phương tiếp tục hưng công xây dựng khu tiền đường, tôn tạo thêm phần sân, cổng và cảnh quan xung quanh đền; năm 1999, xây dựng Chùa Bách Cốc ở cạnh đền.

Hiện nay, tại Đền – Chùa Bách Cốc còn lưu giữ nhiều di vật như: Nhang án, tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga, bia đá hình trụ thời Lê… Với việc lưu giữ nhiều di vật lịch sử tiêu biểu, năm 2005, Đền – Chùa Bách Cốc được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Đền Bách Cốc trong quần thể di tích lịch sử – văn hóa Đền – Chùa Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cùng với thờ phụng các vị tổ lập làng, Đền Bách Cốc còn thờ Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thái phó Bình Quận công Bùi Ư Đài.

Bên cạnh các di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng, làng Bách Cốc còn lưu giữ được hệ thống các từ đường, lăng mộ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa; tiêu biểu như các từ đường: họ Bùi Huy, họ Nguyễn Đình, họ Nguyễn Tài, họ Vũ, họ Bùi Doãn, họ Nguyễn Công.

Từ đường họ Bùi Huy có niên đại từ thời Minh Mạng thứ 20 (1840). Trong từ đường còn gia phả ghi lại sự phát triển của dòng họ khoảng 400 năm. Bên cạnh từ đường là mộ Tướng công Bùi Huy Phan xây năm Đinh Mão thời Tự Đức thứ 20 (1867) và bia đá do Hoàng giáp Phạm Văn Nghị soạn ghi rõ công lao, sự nghiệp của tướng công.

Từ đường Nguyễn Công lưu giữ nhiều di vật bằng đá được điêu khắc nghệ thuật như: Khám long đình, chân dung chạm đá của bà Bùi Thị Lư (mẹ Phương Quận công Nguyễn Công Triều).

Là vùng đất cổ, nên làng Bách Cốc hiện còn 28 văn bia có niên đại từ thế kỷ thứ XVI đến XVIII. Điểm đặc biệt, các văn bia cổ ở làng Bách Cốc đa dạng về loại như: Bia 2 mặt hình chữ nhật ở các từ đường họ; bia 4 mặt, khối trụ vuông 4 cạnh đều ở đền Đông; bia khối trụ tròn…

Các văn bia cổ ở làng Bách Cốc là kho kiến thức cổ ghi chép lại các sự kiện, thuần phong mỹ tục của làng hay công lao của nhân vật lịch sử nên có tác dụng giáo dục truyền thống cho các thế hệ ở địa phương.

Bên cạnh gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể, nhân dân làng Bách Cốc còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Ở di tích Đền – Chùa Bách Cốc, hàng năm dân làng tổ chức lễ hội theo tiết xuân, hạ, thu, đông và ngày kỵ các vị thờ phụng như: tế lễ giỗ quan Thái phó, lễ cơm mới…

Lễ hội chính tại Đền Bách Cốc diễn ra trong ba ngày 13, 14, 15 tháng 2 âm và cứ ba năm mới tổ chức lễ hội lớn một lần (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu). Sau nhiều năm bị gián đoạn, năm 2015 làng đã khôi phục được lễ hội truyền thống với đầy đủ phần lễ và hội. Ngày 13 tháng 2, làng cho kéo lá cờ đại và tổng duyệt các nghi thức tế lễ.

Ngày 14, dân làng và khách thập phương đã tề tựu đông đủ tại đền từ sáng sớm làm lễ dâng hương. Sáng ngày 15, làng rước kiệu bát cống và song hành từ làng ra Đám Hát (nay thuộc xóm A). Tương truyền sau khi kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Thái phó Bùi Ư Đài đã về làng mở hội mừng chiến thắng.

Ông cho tổ chức vui chơi, ca hát trước dinh cư, sau này dân làng hàng năm mở hội vui chơi tại đó nên gọi là Đám Hát. Vì vậy, đền và Đám Hát là hai địa điểm chính diễn ra các sinh hoạt văn hoá của nhân dân Bách Cốc trong mỗi kỳ lễ hội. Tại đây các cụ già 60 tuổi trở lên đã tập trung đông đủ. Khi đám rước về đến đền, dân làng tổ chức tế yến lão và khao lão.

Đây là một mỹ tục trong xuất phát từ đạo hiếu, nên được nhân dân Bách Cốc gìn giữ từ bao đời nay. Ngoài các nghi lễ thiêng liêng, lễ hội làng Bách Cốc còn có nhiều trò vui dân gian đặc sắc diễn ra tại sân đền và Đám Hát như: Võ vật, đấu cờ, múa sư tử, hát chèo…

Làng Bách Cốc có truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ đạt cao. Để khích lệ con em phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, hiện nay, cả 5 xóm của làng Bách Cốc gồm các xóm: A, B, C, C Áp Phú, Trại Nội đều có chi hội khuyến học và ban khuyến học các dòng họ.

Chi hội khuyến học xóm C Áp Phú hiện duy trì quỹ với số tiền từ 4-5 triệu đồng. Hàng năm, vào đầu năm học mới, chi hội khuyến học xóm cùng ban khuyến học các dòng họ tổ chức trao thưởng cho các em học sinh có thành tích trong học tập tại nhà văn hóa xóm. Bên cạnh đó, vào các ngày kỵ, tế tổ ở các từ đường, những học sinh có thành tích trong học tập đều được vinh danh, báo công.

Quá trình đô thị hoá nông thôn diễn ra nhanh chóng khiến cho nhiều giá trị văn hoá truyền thống ở các làng quê bị mai một. Ở một số nơi, lối sống thực dụng đã phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn, xóm…

Trước tình hình đó, cả 5 xóm của làng Bách Cốc đã triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hoá. Các xóm từ việc kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ đã tiến hành sửa đổi, bổ sung thành những quy ước nếp sống văn hoá lành mạnh.

Trong thực hiện xây dựng làng văn hóa, Chi Đoàn Thanh niên, Chi Hội Phụ nữ các xóm đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực tham gia hưởng ứng, gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt việc tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh.

Trong tiêu chuẩn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa ở các xóm có cam kết nội dung không vi phạm các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, để giữ gìn không gian văn hóa truyền thống, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các xóm đều vận động nhân dân hạn chế việc chặt cây xanh, giữ nguyên trạng các di vật, di tích lịch sử – văn hóa.

Cùng với không gian văn hóa, dân làng Bách Cốc còn gìn giữ dấu ấn văn hóa bằng cách duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình – dòng họ. Cư dân sinh sống trong làng tuân thủ các quy định cụ thể về giữ gìn thuần phong mỹ tục qua việc thực hiện quy ước nếp sống văn hóa.

Những yếu tố đó đã làm nên sự gắn bó và cấu kết bền chặt cộng đồng dân cư trong làng, hình thành nên những nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt, ứng xử, tín ngưỡng tâm linh.

Việc bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa và những giá trị văn hóa phi vật thể ở làng Bách Cốc đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Các hoạt động văn hóa tâm linh, tri ân công đức các vị nhân thần có công với làng đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tăng cường tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Nguồn: Báo Dân Việt

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com