Họ Dương huyện Tân Uyên và thanh niên Họ Dương Bình Dương thăm di tích nhà cổ 200 tuổi Dương Văn Hổ
- 24/03/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 330
Ngày 12/3 vừa qua, theo kế hoạch sinh hoạt và kết nối Dòng tộc Họ Dương, Đoàn Họ Dương Tân Uyên và thanh niên Họ Dương Bình Dương đã có buổi sinh hoạt gặp mặt chia sẽ thường kỳ và tổ chức chuyến thăm ý nghĩa tại di tích nhà cổ 200 tuổi Dương Văn Hổ, nằm ở cù lao Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, Bình Dương.
Chuyến đi lần này có anh Dương Văn Thắng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Họ Dương thị xã Tân Uyên, cùng đại diện khối thanh niên Họ Dương Bình Dương là kiến trúc sư Dương Tấn Lộc. Cuộc gặp được sự đón tiếp của ông Dương Tấn Lợi, Dương Hồng Điệp và ông Dương Tấn Hòa – hiện đang là những người con cháu ruột của ông Dương Văn Hổ – người đã để lại nhà cổ có giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc trưng từ hàng trăm năm trước với bảng tự chính “Dương Đường Phủ” nằm ở giữa ngôi nhà cổ.
Trong cuộc gặp được chia sẻ từ những người anh, người bác Họ Dương sống trên mảnh đất Bạch Đằng này, mọi người tham gia chuyến đi đã được biết thêm những đóng góp giá trị mà các tiền bối Họ Dương ở đây đã làm được. Theo thời gian, người Họ Dương ở Bạch Đằng đã sinh sống và tham gia các hoạt động văn hóa chính trị qua nhiều thời kỳ lịch sử, có những ghi nhận của địa phương, những câu chuyện giai thoại và những chứng tích hiện hữu còn lưu lại. Với sự thân thiện và tình thân của Dòng tộc, cuộc gặp mặt trở nên ý nghĩa khi được chia sẻ sự gắn kết của ban kết nối Dòng tộc Họ Dương và những người Họ Dương sinh sống tại Bạch Đằng, hứa hẹn sẽ kết nối mở rộng để có được thông tin bà con Họ Dương tại Bạch Đằng đầy đủ hơn và chi tiết hơn, đồng thời giới thiệu và mời gọi người Họ Dương cả nước ghé tham quan di tích nhà cổ Dương Văn Hổ.
Nhà cổ Dương Văn Hổ là một ngôi nhà gỗ bề thế nằm yên bình, tĩnh lặng trong khu vườn đầy cây trái trên vùng đất cù lao Bạch Đằng. Ngôi nhà do ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) xây dựng trong vòng 4 năm (từ năm 1911 đến năm 1914). Quá trình xây dựng ngôi nhà vô cùng công phu và tốn kém tiền của, được thi công bởi các nhóm thợ mộc nổi tiếng khéo tay từ miền Trung vào như thợ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, Bình Định (thường gọi chung là thợ Huế). Chủ nhân ngôi nhà đã “rước” thợ về xây nhà và nuôi nhóm thợ trong nhà hàng năm để chạm khắc và trang trí cho ngôi nhà. Đến nay, nhà cổ Dương Văn Hổ đã trải qua ba đời giữ gìn và bảo quản. Đời thứ nhất là ông Dương Văn Hổ và bà Trần Thị Xíu, đời thứ hai là ông Dương Văn Bảnh (con trai ông Dương Văn Hổ) và đời thứ ba là ông Dương Tấn Hòa (cháu nội ông Dương Văn Hổ).
Theo lời kể của ông Dương Hồng Điệp và ông Dương Tấn Hòa (cháu nội ông Dương Văn Hổ) thì ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) là một thương lái nổi tiếng tại vùng đất Biên Hòa lúc bấy giờ, làm nghề buôn bán cá từ các tỉnh miền Tây lên Bình Dương, Đồng Nai bằng ghe, tàu rồi dần trở nên giàu có. Năm 1911, ông Nhâm đã khởi công xây dựng ngôi nhà gỗ 5 gian trên vùng đất cù lao Bạch Đằng bằng toàn gỗ quý như gõ, lim, căm xe… dùng làm nơi ở, đồng thời mở rộng việc buôn bán của gia đình. Đến năm 1914, ngôi nhà được hoàn thành, sau đó không lâu ông dành ngôi nhà làm của hồi môn cho con gái là bà Trần Thị Xíu kết duyên cùng ông Dương Văn Hổ – một người có xuất thân trong một gia đình giàu có ở vùng đất cù lao này.
Khuôn viên di tích bên trong trồng nhiều loại cây kiểng và cây ăn trái, trong đó nổi bật là cây mai cổ thụ (có tuổi thọ tương đương với ngôi nhà), vừa giúp tạo không khí mát mẻ, trong lành, vừa tạo nét cổ kính, thanh bình cho ngôi nhà.
Ngôi nhà được xây dựng theo dạng chữ Đinh (丁), đây là kiểu nhà truyền thống của người Việt, mái lợp ngói âm dương, có ba gian, hai chái, cửa ngôi nhà chính (nhà trên) trổ ra phía trước nhà, cửa ngôi nhà phụ (nhà dưới) trổ ra đầu hồi của ngôi nhà.
Điểm nổi bật và giá trị trong kiến trúc nhà cổ Dương Văn Hổ phải kể đến các kết cấu gỗ của khung nhà. Hệ thống 50 cột gỗ (chia làm 5 hàng cột), xây dựng theo lối xuyên tâm các cặp vì kèo, đòn tay… tạo nên một không gian cổ kính.
Tại ba gian giữa bố trí 2 tủ đựng vật dụng gia đình hai bên (phần trên 2 tủ cẩn xà cừ) và gian giữa là bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gồm tủ thờ, bên trên là đồ ngũ sự (gồm lưu nhang, hai chò gỗ, hai dĩa gốm, bình gốm, hai chân đèn), bài vị bằng gỗ, hai bên chạm khắc câu đối bằng chữ Hán sơn son thếp vàng:
Chữ Hán: 百 代 孝 慈 高 仰 止; 萬 年 枝 派 永 流 通
Phiên âm:Bách đại hiếu từ cao ngưỡng chỉ; Vạn niên chi phái vĩnh lưu thông
Tạm dịch: Trăm đời hiếu hiền được tôn kính; Vạn năm dòng họ mãi lưu truyền
Phía trên áp theo hàng cột (của ba gian) được thiết trí các bao lam gian giữa khác hai gian hai bên chạm khắc lộng ở giữa là hình cuốn thư nối với các chủ đề về phụng, kỳ lân, nai, sóc, hoa sen, hoa cúc, dây lá nho, mai, lan, cúc, trúc, sen,… và kết nối liên ba gồm nhiều con tiện và 12 ô hộc (hình chữ nhật, hình vuông với chủ đề trang trí); tiếp theo phía trên gian giữa là tấm hoành phi ghi:
楊 府 堂 Phiên âm: Dương Phủ Đường, Tạm dịch: Phủ đường họ Dương (xem hình khảo tả, bảng vẽ chi tiết bao lam – cửa võng)
Tiếp theo vị trí phía trên của hai gian kế gian giữa được thiết trí bao lam, cửa võng (cả hai gian giống nhau về trang trí, khác gian giữa), mỗi bên gồm 11 ô trang trí (hình chữ nhật, hình vuông) kỹ thuật chạm – khắc – lộng bằng gỗ rất khéo léo, bố trí cân xứng; tiếp phía trên bố trí bức hoành phi bằng chữ Hán, niên đại cùng thời với ngôi nhà, có nội dung như sau:
+ Gian bên trái:
光 世 澤 Phiên âm: Quang Thế Trạch.
Tạm dịch: Ân trạch (của tổ tiên) sáng muôn đời.
+ Gian bên phải:
杏 林 春 Phiên âm: Hạnh Lâm Xuân,
Tạm dịch: Rừng hạnh mùa xuân.
Những tấm hoành phi được thể hiện bằng gỗ với chữ hán khắc lõm, trang trí xung quanh hoa dây, sơn son thép vàng. Tổng thể nhìn chung tại lòng căn
trong cùng được chủ nhà trọng tâm bày trí những mảng hoa văn trang trí thể hiện kỹ thuật chạm – khắc- lộng trên gỗ đạt đến nghệ thuật tinh xảo, cụ thể đến từng chi tiết nhỏ nhất, thể hiện được sự khéo léo tài tình của lớp nghệ nhân điêu khắc gỗ thời bấy giờ.
Đặc biệt, trên thân 4 thanh vì kèo của ngôi nhà chính được chạm khắc theo lối ô hộc, chủ đề thể hiện tứ quý (4 mùa trong năm): Mùa xuân chạm khắc hình hoa mai là chủ đạo, mùa hạ hình tượng là cây cúc, mùa thu lấy hình tượng là cây trúc và mùa đông với hình tượng là cây tùng.
Nhà chính (nhà trên)
Nhà chính có mái hiên ở phía trước, mái lợp ngói âm dương, với hàng cột hiên được thiết kế bằng bê tông, hình vuông (mỗi cạnh dài 25cm, cao 1,6m), quét vôi màu vàng. Khu vực này bố trí bốn bậc tam cấp bằng bê tông để bước vào nhà, bao gồm hai lối ở chính diện, hai lối ở hai bên hiên nhà.
Qua khỏi hiên nhà sẽ dẫn vào nội thất của nhà chính, có 5 cửa ra vào, được bố trí dọc theo chiều dài ngôi nhà. Nội thất nhà trên rộng 137.6m2, với 5 hàng cột gỗ, mỗi hàng có 4 cột, tổng cộng 20 cột. Tất cả các cột đều được kê trên đá táng (cột được đặt trên những tảng đá đẽo tròn). Trên mỗi cặp cột theo chiều ngang ngôi nhà đỡ một vì kèo. Có những cặp cột đấm, cột quyết đỡ chịu lực hai mái nhà phía dưới. Những cây đấm nối từ đầu những cây cột thẳng ra mái nhà trước, những cặp quyết nằm một đầu trên cây cột và có chức năng đỡ ở góc chỗ tiếp giáp giữa mái nhà và chái nhà (có tổng cộng tám đấm, tám quyết). Ngôi nhà có các bộ vì kèo được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ với các đề tài chạm trổ theo mô típ truyền thống như: long, phụng, tứ quý, chim muông, hoa lá, bát bảo… Các đầu kèo và đuôi kèo được chạm khắc, chạm nổi hình đầu đao, lá cúc, lá dung cách điệu.
Nhà phụ (nhà dưới)
Nhà phụ (nhà dưới) là một căn nhà ngang, nối liền với ngôi nhà chính được làm bằng gỗ nhưng kiến trúc, hoa văn trang trí đơn giản hơn nhiều so với ngôi nhà chính. Nhà phụ có diện tích 91.1m2, dùng làm nơi sinh hoạt thường nhật của gia đình và cũng là nơi cả nhà thường gặp gỡ trao đổi, bàn công việc, nơi học hành cho con cái, cũng là nơi tiếp khách thường ngày.
Nhà phụ nằm vuông góc, theo hướng bên trái của ngôi nhà chính, gồm có ba gian: gian thứ nhất (ở phía đầu hồi đi vào) dùng làm nơi sinh hoạt và tiếp khách, gian giữa là nơi sinh hoạt thường ngày và gian dưới là buồng ngủ của con cái, phía sau là nhà bếp. Ngôi nhà phụ được giới hạn bởi một bên là vách ván để ngăn cách với gian thờ tự nơi ngôi nhà chính, một bên là tường bao bọc bên ngoài, đồng thời cũng là nơi chứa vật dụng gia đình, dụng cụ lao động, chứa củi hoặc tạo vách ngăn với phòng ngủ.
Ngoài ra, ngôi nhà này có một hành lang bao bọc quanh ngôi nhà trên, được giới hạn bởi một bên là vách ván ngăn phần thờ tự với hành lang ấy, một bên là tường bao bọc bên ngoài. Hành lang này giúp sự liên lạc giữa nhà khách và những phòng phía sau nhà không phải đi ngang qua phần thờ phụng, bên cạnh đó, gia chủ có thể bố trí hành lang dùng làm nơi chứa vật dụng gia đình, dụng cụ lao động, chứa củi hoặc tạo vách ngăn làm phòng ngủ.
Nhà cổ Dương Văn Hổ có kiến trúc dạng chữ Đinh, kiểu nhà rội – một kiểu nhà phổ biến của người Việt ở Nam Bộ. Toàn bộ kết cấu ngôi nhà đều bằng gỗ, với nhiều loại gỗ quý, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu đỏ. Khung nhà được lắp ghép với nhau bằng mộng gỗ. Ngôi nhà vừa là công trình kiến trúc tài hoa, vừa chứa đựng những tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn mỹ thuật Nam Bộ. Các họa tiết trang trí trong nhà đều được thể hiện rất tinh xảo, nhất là nhà trên (nhà chính). Các vì kèo được được trang trí, chạm khắc cầu kỳ và tỉ mĩ, phong phú và đa dạng về đề tài, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc theo lối ô hộc (nghệ thuật tạo hình trang trí phổ biến thời kỳ nhà Nguyễn) với chủ đề “tứ quý” (bốn mùa trong năm). Các bao lam được chạm thủng, chạm lộng. Các hoành phi, liễn đối thể hiện bằng chữ Hán, sơn son thếp vàng, được thiết trí trên các cột của gian thờ, đã góp phần tạo được sự uy nghi, nghiêm trang, cổ kính của ngôi nhà. Đó chính là các tác phẩm nghệ thuật, góp phần minh chứng cho trình độ tay nghề về kỹ thuật và tư duy về mỹ thuật của người đương thời.
Nhà cổ Dương Văn Hổ thuộc ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai, ngôi nhà cổ nằm ở phía Nam thị xã Tân Uyên, cách trung tâm thị xã khoảng 5km và cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về hướng Đông, được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 2430 ngày 25/8/2020.
Dương Tuấn Trực