Những năm gần đây, cây tre lục trúc được trồng ở nhiều bờ bãi, đồng ruộng của huyện Tân Yên (Bắc Giang) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người có công giúp cây tre lục trúc bén rễ nơi này là bà Dương Thị Luyện (SN 1967), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu.
Nữ giám đốc trồng tre ở Bắc Giang
- 04/07/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 268
“Bà đỡ” của nông dân
Hai bên đường vào trang trại của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu tại thôn Trại Mới là những vạt tre nối dài. Tiết trời nắng nóng đầu hè như dịu lại bởi màu xanh và bóng mát của những rặng tre lục trúc. Những ngày này, khu nhà xưởng của HTX nhộn nhịp, tấp nập bởi bắt đầu vào mùa thu hoạch, chế biến măng. Hàng chục công nhân luôn tay gọt vỏ, thái măng, đưa sản phẩm vào thùng xốp và ướp đá đóng gói, thỉnh thoảng lại có xe ô tô đến chuyển hàng.
Nữ giám đốc Dương Thị Luyện vừa về đến nhà sau chuyến đi đặt mua máy thái, sấy măng. Bà giải thích: Hằng ngày, các hộ nông dân mang măng đến bán tại HTX với số lượng lớn, khoảng 2-5 tấn/ngày trong khi măng cần sơ chế ngay sau thu hái để bảo đảm chất lượng. Vì vậy, việc thái thủ công không xuể. Để tăng năng suất, HTX đầu tư các loại máy móc đáp ứng yêu cầu thu hoạch, chế biến măng trong những ngày cao điểm sắp tới.
Dáng vóc khỏe khoắn, nhanh nhẹn, nét mặt tươi vui, vừa trò chuyện, bà Luyện vừa mời chúng tôi thưởng thức loại măng đặc sản. Cầm củ măng đã được rửa sạch, bà cắt từng khoanh đưa cho khách ăn sống và hào hứng khoe: “Một số phân tích khoa học cho thấy, loại măng này có hàm lượng tinh bột, chất xơ và dinh dưỡng cao, không độc tố. Tại nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại, chúng tôi đã giới thiệu, mời mọi người ăn và đều được khen ngợi”. Quả nhiên, măng lục trúc không ngái, đắng như thường thấy ở những loại măng khác mà giòn, ngọt thơm; vị mát gần giống củ đậu nhưng đậm đà hơn.
Nữ Giám đốc HTX trải lòng về cơ duyên đưa cây lục trúc bén rễ xanh tươi trên đồng đất Tân Yên. Trước kia, bà Luyện đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn để phát triển kinh tế. Năm 2017, đàn lợn bị chết bởi dịch bệnh dẫn tới thua lỗ. Tay trắng, bà đành chuyển hướng buôn bán măng. Khi đi khắp các vùng, bà Luyện biết đến loại măng lục trúc ngon ngọt được nhiều người ưa thích, bán với giá cao. Thấy đồng đất Tân Yên phù hợp với loại cây này, bà Luyện quyết định về quê trồng tre lấy măng.
“Tôi nhớ hơn 20 năm trước từng có dự án trồng thử nghiệm giống tre lục trúc tại xã Ngọc Châu. Bố và em trai tôi cũng tham gia và được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nhưng sau không duy trì được vì thiếu liên kết sản xuất. Tôi bèn về tìm lại những khóm lục trúc còn sót lại trong vườn nhà và nhờ em trai hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc, nhân giống trên hơn một mẫu đất vườn của gia đình” – Bà Luyện kể.
Loài tre vốn dễ trồng, khi về nơi này nhờ hợp chất đất, khí hậu nên nhanh cho ra lứa măng đầu tiên. Vụ đó, gia đình bà thu về hơn 100 triệu đồng. Phấn khởi, bà cùng em trai tiếp tục cải tạo vườn bãi, trồng hơn một nghìn gốc; đồng thời mày mò nghiên cứu, rút kinh nghiệm chọn lựa cây giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch măng sao cho đạt sản lượng và chất lượng cao. Để quảng bá, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2018, được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, bà Luyện thành lập HTX với 8 thành viên, trồng hơn 20 ha trong toàn xã.
HTX quan tâm nhân rộng mô hình trồng lục trúc lấy măng với việc cung cấp cho nông dân cây giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Người trồng không phải bán lẻ mà mang đến điểm thu mua của HTX đặt tại các xã. Hiện măng chưa sơ chế được bán với giá 35-40 nghìn đồng/kg.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng tre lục trúc lấy măng, từ năm 2020, nhiều hộ trong và ngoài xã nhân rộng cây trồng này. Riêng ở thôn Trại Mới đến nay có gần 30 hộ trồng tre lục trúc, nhiều gia đình thu mỗi năm 200-300 triệu đồng. Mang măng đến điểm thu mua, ông Phùng Thanh Xuân, thôn Tân Trung cho hay: “Từ năm 2020, gia đình tôi đầu tư trồng 200 gốc tre lục trúc và hai năm nay đã được thu hoạch. Mỗi năm, từ bán măng và cây giống, gia đình tôi thu hàng trăm triệu đồng nên có điều kiện mua sắm các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, nâng cấp nhà cửa khang trang. Gia đình tôi vừa trồng thêm 300 gốc nữa”.
Hiện nay, HTX đã có 26 thành viên tham gia. 6 điểm thu mua, sơ chế măng của HTX tạo việc làm cho khoảng 50 lao động với thu nhập từ 9-15 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, HTX cung ứng cây giống miễn phí cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong huyện và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ngọt giòn măng lục trúc Ngọc Châu
Lục trúc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và đã được trồng rộng rãi trên đảo Đài Loan (Trung Quốc) nên thường được gọi là tre Đài Loan. Loài cây này ưa khí hậu nhiệt đới, đất ẩm, tốc độ phát triển nhanh, nhân giống bằng hom thân. Khoảng 5 năm nay, loài cây “thân gầy guộc lá mong manh” đã bén rễ xanh tươi tại nhiều khu vườn bãi của Tân Yên, cho người trồng những củ măng thơm ngon, giòn ngọt.
Măng lục trúc hiện được HTX chế biến 3 sản phẩm chính gồm: Măng tươi, măng khô, măng ngâm ớt. Măng tươi và măng khô được sử dụng làm các món luộc, xào, nộm, ninh xương. Sản phẩm được cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, TP khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm, bà Luyện thường mang đến các hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại hoặc các siêu thị, nhà hàng để giới thiệu, quảng bá. Vì thế nhiều đơn vị, siêu thị, nhà hàng đăng ký nhập số lượng lớn. HTX chủ động ươm cây giống để cung ứng ra thị trường. Từ năm 2019 đến nay, sản phẩm của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh; được công nhận OCOP 4 sao…
Hiện giá bán măng tươi thành phẩm 120 nghìn đồng/kg, măng khô 2,5 triệu đồng/kg, măng ngâm ớt 100 nghìn đồng/hộp 2kg. Bà Luyện cho biết: Mỗi năm HTX tiêu thụ hàng trăm tấn măng tươi, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2022, HTX thu hoạch hơn 800 tấn măng tươi, trị giá 28 tỷ đồng; xuất tại vườn 50 nghìn gốc tre giống, mang lại lợi nhuận khá.
Về trang trại của HTX những ngày này bắt gặp cảnh người người tất bật thu hoạch, chế biến sản phẩm. Mùa khai thác măng lục trúc kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch. Nếu chăm sóc tốt, cây có thể cho khai thác tới 20 năm. Bình quân, mỗi gốc tre năm thứ hai cho từ 40 – 50 kg măng. Một ha tre lục trúc sẽ cho sản lượng từ 50-60 tấn/năm, với giá bán hiện nay có thể thu lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Câu chuyện giữa chúng tôi với bà Luyện nhiều lần gián đoạn bởi những cuộc điện thoại của đối tác, khách hàng ở khắp các tỉnh, TP. Không chỉ liên hệ đặt hàng, nhiều người nghe tiếng về HTX và cây trồng có hiệu quả nên mời bà Luyện về hướng dẫn kỹ thuật hoặc “thăm đất” xem có phù hợp không. Nhiều người ở các huyện, tỉnh lân cận cũng tìm đến HTX tìm hiểu về loài măng tre đặc sản để mua giống về trồng.
Từ lối đi riêng để phát triển kinh tế gia đình của người phụ nữ năng động, dám nghĩ dám làm, nay cây trồng này lại tạo cơ hội cho nông dân địa phương làm giàu. Câu chuyện về loài tre lấy măng trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên tự hào khẳng định. Toàn huyện hiện có gần 70 ha tre lục trúc.
Loại cây này dễ trồng, chi phí không cao và mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân trong huyện. Măng tre lục trúc là sản phẩm hữu cơ đầu tiên của địa phương. Từ nay đến năm 2025, huyện chủ trương mở rộng diện tích tre lục trúc lên 100 ha. Để tiếp sức cho HTX, huyện đã hỗ trợ HTX sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để loại cây này phát triển bền vững. Đồng thời khuyến khích HTX tiếp tục nghiên cứu nhằm đa dạng sản phẩm, tăng sản lượng và chất lượng, đổi mới mẫu mã, hướng tới xuất khẩu.
Đi dưới những hàng tre xanh mướt trải dài, chứng kiến người nông dân cần cù chăm sóc, thu hoạch, sơ chế măng và thấy được đời sống những hộ làm vườn ngày càng khấm khá, chúng tôi mừng cho thành công của nữ Giám đốc HTX Dương Thị Luyện. Bà đang tiếp tục tâm huyết nhân rộng những rặng tre xanh trên đồng đất quê hương và đưa sản phẩm vươn xa.
Nguồn: Báo Bắc Giang