Trước tiên phải kể đến tên hộ nuôi ếch trong vèo thành công nhất là 3 anh em họ Dương (Dương Văn Cường, Dương Văn Tân và Dương Hoài Định) ở phường Thới An Đông, quận Bình Thuỷ (TP. Cần Thơ). Họ đã vay 60 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH, cùng số tiền gom góp của gia đình, bè bạn được trên 200 triệu đồng, các anh đã đầu tư vào nuôi ếch Thái. Anh Cương cho biết: Trước đây cũng làm nhiều nghề, nuôi nhiều con nhưng thất bại nhiều hơn thành công bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó: chủ yếu là thiếu vốn, không có kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Kể từ năm 2010, sau khi được tập huấn, tham quan các mô hình điểm do Hội Nông dân tổ chức và Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa bàn bình xét được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, 3 anh em đã bàn nhau hợp tác nuôi ếch Thái trong vèo thì gia đình anh mới vươn lên khá giả, cuộc sống bớt khó khăn hơn trước. Hiện cả 3 người đang thả nuôi trên 35 vèo (kích thước 4 x 10m), mỗi vèo 5 nghìn con, giống ếch Thái Lan với trên 1 triệu con.
Theo anh Tân, 1 thành viên trong 3 anh em họ Dương, nuôi ếch Thái ở đây thì có người nuôi trong bể xi măng, người nuôi ao, tốt nhất là nuôi trong vèo vừa ít tốn kém, vừa tránh hao hụt. Lợi thế lớn nhất là các vèo được bố trí đều khắp, trên mặt nước rộng, ao lại cạnh bờ sông nên môi trường vệ sinh, khá an toàn. Người nuôi ếch Thái trong vèo nếu biết cách sử dụng tiền vốn vay, công sức và kỹ thuật hợp lý vào các khâu chọn lọc giống tốt, khoẻ mạnh, lượng thức ăn đủ, giàu dinh dưỡng và cách bố trí ao, vèo đúng quy cách, đảm bảo an toàn vệ sinh thì mỗi năm có thể thả nuôi từ 2 – 3 vụ ếch. Với cách sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, trong đợt thu hoạch gần đây nhất 3 anh em họ Dương đã xuất bán 25 tấn ếch thương phẩm. Sau khi trừ hết các chi phí còn lời 130 triệu đồng. Khả năng vụ ếch cuối năm nay sẽ lãi hơn gần 400 triệu đồng/35 vèo ếch. Nếu so với cá trê, cá lóc, nuôi ếch Thái trong vèo vẫn lời cao gấp bội và tỷ lệ rủi ro cũng thấp hơn so với nuôi các loại thủy sản khác. Đây cũng là con đường thoát nghèo nhanh, bền vững, vươn lên có cuộc sống khá giả.
Ở liền kề nhà 3 anh em họ Dương có ông Út Hiệp (Tăng Văn Hiệp) cũng sử dụng 20 triệu đồng vốn ay ưu đãi từ NHCSXH đầu tư mang lại hiệu quả cao mô hình nuôi tôm hầm đất.
Từng là người tham gia làm ruộng từ thời trai trẻ, đến năm 2011, tình cờ qua những buổi tập huấn, ông Út Hiệp đã quyết định vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH chuyển từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm – lúa. Ông Hiệp quan niệm, muốn nuôi thành công còn gì cũng phải hiểu rõ đặc tính của chúng là phải chủ động về tiền vốn mua con giống, thức ăn, xây dựng cơ sở chuồng trại… Vì vậy, ông không ngại “tầm sư học đạo”. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, lại vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời, ông đã áp dụng mô hình nuôi tôm hầm đất. Từ nguốn vốn vay đó, ông Hiệp đi mua tôm giống về thả vào ao vèo, dịp đầu năm ở kênh rạch trước nhà chưa có nước mặn, ông Hiệp còn dùng cả tiền vay của ngân hàng thuê thuyền ghe chở nước từ biển vào để xử lý cho nước đạt tiêu chuẩn rồi thả tôm giống vào nuôi. “Tôm giống sau khi mua về được nuôi trong vèo đặt trong hầm đất khoảng 1 tháng trước khi thả ra vuông nuôi. Lúc này tôm đã to gần bằng đầu đũa nên ít bị hao hụt, nếu môi trường nuôi tốt sau 2 tháng nuôi là thu hoạch được” – ông Út Hiệp cho hay.
Với sự tiếp sức của nguồn vốn vay ưu đãi, mỗi năm hai đợt tôm giống, ông Út Hiệp đưa vào vèo trong hầm đất, vừa để đáp ứng nhu cầu nuôi của gia đình, vừa bán cho bà con chung quanh có nhu cầu nuôi tôm hầm đất. Chỉ riêng lợi nhuận từ bán tôm nuôi trong hầm đất đã đủ chi phí cho cả vụ nuôi của gia đình. Vì vậy, đến nay gia đình ông Tăng Văn Hiệp đã thoát nghèo, trả hết nợ vay ngân hàng trước thời hạn và trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của TP. Cần Thơ. Ông còn được bà con tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng nông dân bởi có tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ, chăm lo đến sản xuất đời sống của mọi người.