Nông dân Dương Văn Hiệp áp dụng công nghệ 4.0 và sản xuất nông nghiệp
- 25/03/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 130
Thời gian qua, để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số cho nông dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… giúp người nông dân tiến gần hơn với nền nông nghiệp thông minh. Nhiều trang trại, nông hộ đã biết bắt kịp với xu thế chung và nắm bắt những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế hộ, trong đó có gia đình ông Dương Văn Hiệp, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Dương Văn Hiệp, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bên vườn nho của gia đình.
Hiểu rõ nho là giống cây đòi hỏi việc chăm sóc tỉ mỉ và phải có hệ thống mái che, có lượng nước tưới phù hợp cây mới phát triển tốt nên ngay khi bắt tay vào xây dựng mô hình, ông Dương Văn Hiệp, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa giúp tiết kiệm công lao động, vừa dễ điều chỉnh lượng nước và thời gian tưới, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Ông Hiệp cho biết: Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm từ 30 – 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Với hệ thống này, người dân vừa có thể đưa nước, phân bón đến đúng vị trí cây trồng với liều lượng vừa đủ thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm, được kết nối và điều khiển qua hệ thống máy tính kiểm soát. Đặc biệt hơn, nhờ có đầu cảm ứng cắm vào đất và lắp đặt chung với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng sẽ hấp thu tối đa lượng nước được cấp; còn người dân sẽ tiết kiệm được điện năng, chi phí bảo trì hệ thống; năng suất, chất lượng cây trồng tăng.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vườn nho của ông Hiệp đã sinh trưởng tốt, từng chùm quả sai trĩu cành, nhìn đẹp mắt và vô cùng hấp dẫn.
Theo tính toán sơ bộ của ông Hiệp, sản lượng quả thu được sẽ đạt khoảng 500kg. Với mức giá trung bình thương lái đang chào mua tại vườn từ 150 – 160 nghìn đồng/kg, gia đình ông sẽ thu về trên 70 triệu đồng. Với mức đầu tư ban đầu hết 60 triệu đồng thì đây là cây trồng hứa hẹn nhiều triển vọng. Đây cũng là động lực để gia đình ông Hiệp tiếp tục mở rộng quy mô thêm diệm tích trồng nho.
Ông Hiệp cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng giống nho mới này cho bà con xã Trung Mỹ, giúp đỡ mọi người phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa. Ông cho biết: Để thành công với mô hình trồng nho người dân cần phải có vốn đầu tư, đảm bảo hạ tầng, tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật trong quá trình trồng. Cách chăm sóc cây cũng không quá khó, quan trọng nhất là giàn phải có mái che bằng nylon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ phát triển. Trong đó, đặc biệt chú ý 2 loại chính là bọ trĩ hút nhựa làm lá khô, rụng và sâu ăn lá.
Với chu kỳ sinh trưởng lên đến 20 năm, mỗi năm cây ra quả 2 vụ, thu hoạch vào tháng 6 và khoảng đầu tháng 12. Chính vì vậy, mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng hiệu quả kéo dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí, cho thu nhập ổn định.
Bằng sức lao động cùng với những nỗ lực vươn lên không ngừng, nông dân Dương Văn Hiệp được xem là tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Trung Mỹ cũng như huyện Bình Xuyên.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, công nghệ số không chỉ được áp dụng trong sản xuất mà còn được bà con nông dân ứng dụng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đồng hành cùng người nông dân, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, OCOP, phát triển thương mại điện tử…Tính từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hướng dẫn đăng ký gần 700 tài khoản và đưa thêm 36 sản phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn lên sàn sàn thương mại điện tử.
Hướng tới nền nông nghiệp 4.0, thời gian tới, được biết tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về công nghệ số; nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích chuyển đổi số nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Dương Lương