Dương Minh Trung làm kinh tế bằng nghề truyền thống ở Ninh Bình

 Anh Dương Minh Trung được biết đến là một trong  những người thợ lành  nghề đá mỹ nghệ tại Ninh Vân – Hoa Lư, Ninh Bình.

Nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình) đã có từ lâu đời. Theo các cụ cao niên kể lại, vị tổ nghề đá ở Ninh Vân người gốc Thanh Hóa (làng Nhồi) là một thợ chế tác đá tài giỏi thời trẻ di cư ra đây, làm rể của làng, lập nghiệp rồi truyền dạy nghề này cho dân địa phương.

Trải qua bao nhiêu đời, tuy có những giai đoạn tưởng chừng “xóa sổ” nghề này do bối cảnh xã hội nhưng vẫn còn người dân địa phương giữ lại nghề truyền thống và phát huy.

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4607/QĐ-BVHTTDL, ghi danh Nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dù công nghệ máy móc hiện đại nhưng vẫn không thể thiếu bàn tay con người

Đến thăm  xưởng đá mỹ nghệ của doanh nhân trẻ Dương Minh Trung, sinh năm 1998, ở thôn Thượng, xã Ninh Vân. Anh Trung xuất sắc trong cuộc thi “Bàn tay vàng” chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Bình 2020 và đạt giải cao nhất khi mới 22 tuổi.

Anh Dương Minh Trung giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ

Cũng nghỉ học từ khi hết lớp 9, Trung đi theo người anh họ làm nghề đá mỹ nghệ ở làng. Đi làm thuê, thanh niên trẻ không chịu ngồi một chỗ, ban đầu cầm cái búa cũng khó, trong lúc đục đẽo liên tục bị trượt vào tay. Vì nghĩ đến gia đình không có kinh tế nên quyết tâm thoát nghèo, Trung vừa làm thuê vừa đi tìm những người thợ giỏi để học hỏi kinh nghiệm rồi về gia đình mở doanh nghiệp riêng sau đó chỉ vài năm làm thợ.

Đến nay, xưởng đá mỹ nghệ của Anh Trung nhận được rất nhiều đơn hàng từ khắp nơi, luôn bố trí đủ công việc và có thu nhập ổn định cho gia đình anh Trung  và gần chục công nhân.

“Có những ngày tôi phải ở nhà chụp ảnh lại các sản phẩm để nghiên cứu các đường nét mà những thợ giỏi đi trước đã làm ra và làm ra được tác phẩm nào tôi cũng đều chụp lại để tiếp tục nghiên cứu”.

Nét từng góc cạnh Công việc đòi hỏi sự kiên trì

Nghệ nhân bàn tay vàng cho biết, tại cuộc thi năm 2020, đề bài chung mà ban tổ chức đưa ra là bức phù điêu “Bông hoa cúc”. Với sự tham dự của 31 thí sinh, thì trong số này có những người trước đây anh từng làm học trò, nhưng anh khiêm tốn nói về giải cao nhất, cho rằng do tác phẩm của mình có đường nét “có hồn” hơn sau một loạt tiêu chí và đó cũng là thành quả của việc chịu khó tìm tòi, học hỏi nghề.

“Đoạt giải bàn tay vàng ấy, tôi rất tự hào hãnh diện, đó là thành quả của những ngày tháng tìm tòi, học hỏi để có ngày hôm nay“, nghệ nhân trẻ chia sẻ.

Qua cuộc thi chạm khắc đá mỹ nghệ Ninh Bình và đạt giải bàn tay vàng, sản phẩm của anh Trung được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết nhiều đến. Tại xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của anh Trung hiện nay có gần chục công nhân, những sản phẩm nghệ thuật ngoại cỡ ít nơi làm thì xưởng này vẫn có.

“Điều tôi hạnh phúc nhất hiện nay là gia đình thoát nghèo, tạo được công việc có thu nhập ổn định cho nhiều người. Đến ngày nay tôi tự tin đưa sản phẩm của mình đi khắp nước và nước ngoài, đáng trân trọng hơn nữa là giữ nghề truyền thống của cha ông để lại”, Trung trải lòng.

Một trong những tác phẩm rất công phu

Anh Trung chia sẻ thêm, công nghệ đục đẽo chế tác các sản phẩm từ đá hiện nay đã thay đổi rất nhiều do nhờ có máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ bản sắc nghề truyền thống từ lâu đời và phát triển lâu dài thì nhất thiết phải có bàn tay con người mới điều khiển được.

“Máy móc hiện đại cho năng suất cao, ví dụ như vận chuyển, nâng hạ, tạo thô, máy cắt CMC chỉ tạo được các đường cơ bản, nhưng tỉ mỉ từng chi tiết thì nhất thiết phải dùng đến bàn tay con người thì sản phẩm mới thật và mới đẹp mắt”, anh Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho hay, anh Dương Minh Trung đều là những công dân trẻ xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.

Theo ông Diệu, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân được lưu giữ theo kiểu “cha truyền con nối”, nhiều gia đình có đến 6,7 thế hệ làm nghề chế tác đá nhưng đặc biệt đối với Anh Trung thì đều xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên đã tự nghỉ học từ lớp 9 để đi học nghề đá.

Trưởng ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho biết thêm, toàn xã hiện có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ, trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống.

Ninh Vân có khoảng 1.000 lao động chuyên làm nghề, trong đó có khoảng 50 người có trình độ cao. Ngoài ra, làng nghề còn thu hút lực lượng lao động thời vụ từ nhiều địa phương khác.

Theo thống kê, giá trị sản xuất từ nghề đá hàng năm chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất của xã Ninh Vân. Điều này đã cho thấy vai trò to lớn của nghề đá mỹ nghệ với đời sống người dân địa phương.

Thời gian tới, việc thành lập Cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 30 ha sẽ là điều kiện thuận lợi để làng nghề đá Ninh Vân ngày càng phát triển, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo làng xã.

Dương Hiên

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com