Chữ Dương gắn với những địa danh và Danh tướng ở Thái Bình
- 10/05/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 419
Đơn vị hành chính tỉnh Thái Bình mới xuất hiện cách đây trên 130 năm, nhưng lịch sử, truyền thống của mảnh đất và con người nơi đây đã có từ hàng ngàn năm và luôn gắn chặt với lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Để hiểu thêm được quá trình hội cư của nhiều luồng dân cư phải nghiên cứu các dòng họ. Lịch sử các dòng họ ở Thái Bình cũng là lịch sử mở đất Thái Bình, lịch sử hình thành nên những làng mạc trù phú, trong đó có những tên làng, tên xã mang chữ Dương, tên danh tướng dòng Họ Dương, cùng với các dòng họ văn hiến tạo nên truyền thống văn hóa, văn hiến của người Thái Bình.
Thái Bình hiện có hơn 80 tên họ (đơn và kép) xếp theo vần A, B, C có các họ: An, Bạch, Bùi, Cao, Chu, Chử, Dương, Diệp, Doãn, Dư, Đàm, Đào, Đậu, Đặng, Đặng Chu, Đặng Doãn, Đinh, Đoàn, Đỗ, Đồng, Giang, Hà, Hán, Hoa, Hoàng, Hồ, Hứa, Huỳnh, Kiều, Khiêm, Khiếu, Khổng, Khúc, Khương, Lã, Lại, Lâm, Lê, Lều, Lộ, Luân, Lưu, Lương, Lý, Mã, Mai, Mạc, Ninh, Nhâm, Nhữ, Ngọ, Ngô, Nguỵ, Nghiêm, Nguyễn, Phạm, Phan, Phí, Phùng, Phó, Quản, Quách, Tạ, Tăng, Tiến, Tề, Tô, Tống, Từ, Tưởng, Thái, Thanh, Trần, Triệu, Trình, Trịnh, Trương, Uông, Vi, Võ, Vũ, Vương… Với số lượng trên, Thái Bình là tỉnh có nhiều tên họ.
Họ ở Thái Bình có từ thời Hùng vương và phát triển suốt trong quá trình dựng nước và giữ nước. Lịch sử của các dòng họ dài ngắn khác nhau, có họ có lịch sử hàng ngàn năm. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay hoạt động gia tộc, dòng họ đã được khôi phục, có ban liên lạc từ Trung ương đến tỉnh huyện, cơ sở.
* Về địa danh tên làng tên xã gắn với chữ Dương ở Thái Bình: Xét theo địa danh và thần tích thì Họ Dương xuất hiện ở Thái Bình có lịch sử hơn 10 thế kỷ, tên làng tên xã có: Làng Dương Xá gồm thôn Lê, thôn Trung, thôn Thượng, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà; Dương Khê, xã Thái Hưng, Hưng Hà; Dương Xuyên, xã Đông Lĩnh (nay là xã Đông Quan) huyện Đông Hưng; Dương Đường (Dương Thanh), xã Thụy Dương (nay mới sáp nhập thành xã Dương Phúc), huyện Thái Thụy; làng Dương Liễu, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương…
* Những vị thần Họ Dương ở Thái Bình: DƯƠNG QUỐC MINH LANG- Thành hoàng làng Đoan Túc (nay là phường Tiền Phong, Thành phố Thái Bình). Cách đây, khoảng hơn 1000 năm (đầu thế kỷ X) vùng đất Đoan Túc này còn là bãi biển, do phù sa của các sông lớn bồi đắp nên, một vùng bùn lầy nước mặn, sú vẹt, lau sậy mọc đầy. Bọn giặc thường lấy nơi này làm sào huyệt ẩn náu, cướp bóc những thuyền buôn của thương nhân qua lại và nhũng nhiễu dân chài lưới sống bằng nghề đánh bắt cá lưu động rải rác ở ven sông, ven biển. Thời ấy Dương Đình Nghệ (có sách như Việt Nam sử lược ghi là Dương Diên Nghệ) trị vì đất nước, ông sai một vị quan Lang có tài từ Hồng Châu (nay là Hải Dương) đi đường thủy đến vùng này để giết giặc. Vị quan Lang đó có duệ hiệu là Dương Quốc Minh Lang (không rõ tên thực) tức là Đức Thành Hoàng làng Đoan Túc, mà Nhân dân địa phương ở Thái Bình đã bao đời tôn thờ.
– DƯƠNG LỆNH CÔNG – Thành hoàng thôn Nội, xã Bạt Trung, huyện Trực Định (nay thuộc xã Nam Cao, huyện Kiến Xương). Thời 12 sứ quân cát cứ, trời làm đại hạn ba tháng liền, Sứ quân Chánh tướng bèn cho mời Pháp sư Dương Lệnh Công ở Từ Sơn, đạo Kinh Bắc nổi tiếng thánh thần, về lập đàn cầu đảo trời đất, trong giây lát trời đổ mưa ba ngày liền không dứt. Sứ quân Trần Minh Công phong Dương Lệnh Công làm Lệnh doãn huyện Trực Định. Sau Lệnh Doãn lấy con gái xinh đẹp nết na nhà Biểu Công, người khu Hậu Lũ bản huyện. Vợ chồng lấy nhau ba năm mà không sinh nở đành dẫn nhau đến chùa Hương Tích cầu tự. Đêm được Phật báo mộng thiên đình sai Thái Dương Tinh quân làm con để cứu nước cứu dân. Sau đấy phu nhân Lệnh doãn có thai rồi sinh ra một con trai tuấn tú, gọi tên là Thái Dương Minh Quang và một cô gái xinh tươi, quốc sắc thiên hương, tên gọi Mai Nương. Chúa đất muốn lấy Mai Nương làm vợ nhưng không thành, bèn ghép vợ chồng Dương Công vào luật hình mà giết hại, ném xác xuống sông. Về sau chỉ thấy xác Dương Công dạt vào bãi sông tại khu Hậu Lũ. Côn trùng đùn đất thành mộ. Dân làng và súc vật bị ốm chết rất nhiều; Dân trong vùng phải lập miếu thờ và viết bài vị là: Đương cảnh Thành hoàng Trấn Phù Luật Lệnh Uy Nghi Đại Vương, từ đó, dân vật mới được bình an.
– DƯƠNG KHÔNG LỘ là vị thần thờ ở chùa Keo (di tích quốc gia đặc biệt ở Thái Bình). Không Lộ tên thật là Dương Minh Nghiêm, quê huyện Giao Thủy (Nam Định). Ngài sinh vào ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn, Thuận Thiên thứ 17 (1016) đời vua Lý Thái Tổ. Thuở nhỏ ngài làm nghề đăng đó, đánh bắt cá. Năm 29 tuổi ngài bỏ nghề đăng đó đi tu, thường tụng kinh Đà La Ni Môn, quên hết cả mọi sự phiền não ở thế gian. Năm 46 tuổi, Ngài có công lớn dựng chùa Nghiêm Quang, sau đổi là chùa Thần Quang (chùa Keo Thái Bình ngày nay. Hơn 300 năm tồn tại chùa bị hư hỏng, nhiều lần được trùng tu, nhưng các hạng mục chính cơ bản vẫn giữ được kiến trúc cổ truyền triều Lê, tiêu biểu là gác chuông và phần kiến trúc phía trước chùa thờ phật và phần kiến trúc phía sau thờ thánh Dương Không Lộ (楊空路), có tượng đồng mới đúc gần đây, hậu cung có tượng gỗ hương tạc Đức Thánh từ xa xưa.
Toàn cảnh khuôn viên Chùa Keo Thái Bình: Diện tích xây dựng rộng khoảng 5,8ha, gồm 21 công trình lớn nhỏ hơn với 157 không gian, thờ tụng Phật và Thánh tổ Dương Không Lộ .
Chùa Keo (di tích quốc gia đặc biệt ở Thái Bình)
– TRẦN TRIỀU BÙI TƯỚNG CÔNG, NGUYỄN TƯỚNG CÔNG, DƯƠNG TƯỚNG CÔNG – Thành hoàng làng Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, nay là xã Hồng Dũng huyện Thái Thụy. Tên thật của các thần là Bùi Công Bình, Nguyễn Liêu Công, Dương Mãnh Đại, gốc quê Thanh Hóa ra giúp nhà Trần làm binh tướng Long Thành, được vua Trần cử về xây dựng ấp Vạn An và Hành cung Lưu Đồn. Các tiên công chỉ huy binh lính làm ruộng, lập ra nhiều thái ấp gần các cửa sông Thái Bình, sông Hồng để thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”. Hàng năm vào tháng Sáu làm lễ hạ điền tại cánh đồng Soi thuộc cứ địa Lưu Đồn. Trước lễ đàn có các lễ vật: cây trúc tre tiện ông mũ giấy, nhiều hình nhân kết bằng rơm (các âm binh, âm tướng),… Ba tướng công lội xuống ruộng, miệng cầu trời đất, thần linh cho mưa thuận gió hòa.
Dân gian lưu truyền: Trong cuộc chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ 2 (1285), buổi đầu cuộc chiến thế giặc mạnh, quân ta không giữ nổi Long Thành… Từ cứ địa Lưu Đồn, các quan binh tướng làm lễ xuất trận ở cửa Bồ Đề (Bình Lạng) rồi tiến ra đánh, quét sạch quân Nguyên ra khỏi bờ cõi.
Dương Văn Lễ
(Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình) Lược ghi theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Ðức