TS. Dương Thị Thùy Vân: ‘Chọn đúng ngành là chìa khóa để thành công’
- 07/09/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 117
Dương Thị Thùy Vân – Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam nhận được bằng sáng chế của tổ chức Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO).
Sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau nhưng niềm đam mê công nghệ vẫn luôn làm động lực để cô dành tâm sức cho nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, TS. Vân đã có hàng chục công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
TS Dương Thị Thùy Vân tại Triển lãm Robot của nhóm nghiên cứu.
Duyên với công nghệ thông tin từ sự cố Y2K
Cũng như nhiều học sinh tốt nghiệp THPT khác, Dương Thị Thùy Vân cũng đã từng bối rối trước những luồng tư vấn khác nhau, thậm chí trái chiều nhau về việc chọn ngành khi vào đại học. Với kết quả tốt nghiệp THPT loại xuất sắc, được tuyển thẳng vào nhiều đại học và với khả năng tốt về các môn tự nhiên, cô xác định sẽ chọn một ngành công nghệ nào đó để phù hợp với sở trường của mình, nhưng giữa nhiều ngành công nghệ hấp dẫn, đâu là chọn lựa đúng đắn nhất?
TS Vân làm giám khảo Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka.
Tốt nghiệp THPT năm 2000, đúng vào dịp sự cố Y2K nổi lên như một thách thức đối với giới công nghệ toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực máy tính. Vân bắt đầu chú ý nhiều hơn đến công nghệ thông tin, và nhận ra rằng đây là một ngành có ứng dụng rất rộng, là nền tảng cho nhiều ngành nghề khác. Lúc ấy, những khái niệm về “chuyển đổi số” vẫn chưa xuất hiện, ngành công nghệ thông tin đã qua giai đoạn “hot” của hơn 5 năm trước. Internet lúc ấy cũng còn khá mới ở Việt Nam, chưa có mạng băng rộng. Vân còn nhớ ở Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông năm ấy, gần 40 máy tính tự quản của sinh viên được kết nối Internet chung qua 1 kết nối dial-up trên đường dây điện thoại với tốc độ tối đa 56kbps, ngồi chờ mở một bức thư điện tử từ Yahoo mất chừng 30 phút, ý tưởng về việc xem một đoạn video từ Internet là một ý tưởng khá xa vời.
Nhưng niềm đam mê công nghệ vẫn là động lực chính giúp cô sinh viên ngành công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông tiếp tục hăng say trong học tập.
Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, Vân đầu quân về khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) để làm công tác giảng dạy.
Năm 2010, Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ ngành CNTT vào năm 2015. Chuyên ngành mà Vân theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Khi bảo vệ luận án tiến sĩ, Vân đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus, một kết quả ít ai ngờ tới đối với nữ nghiên cứu sinh trong ngành CNTT tại Việt Nam.
Sau khi nhận bằng Tiến sĩ 2 năm, Vân và nhóm nghiên cứu của mình đã tạo sự chú ý của giới nghiên cứu bằng việc nhận Bằng sáng chế do Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ cấp với nội dung nghiên cứu là hệ thống điều hòa thông minh, cụ thể là một hệ thống điều hòa có thể cung cấp một nhiệt độ cụ thể cho một giường cụ thể trong một phòng chung có nhiều giường. Có thể nói, đây là lần đầu tiên một nữ tiến sĩ CNTT ở Việt Nam làm được chuyện này.
Đề tài được triển khai từ chỗ quan sát, lưu ý, rồi tìm hiểu và nhận biết được nhu cầu thực tế rằng: “mỗi người thích nghi với một phạm vi nhiệt độ khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, tâm lý, quốc tịch, giới tính…”. Nhiệt độ phù hợp nhất sẽ tạo ra môi trường phục hồi tối ưu cho bệnh nhân. Hiện nay tại các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, trung tâm dưỡng lão,… mỗi phòng thường có nhiều bệnh nhân khác nhau; và họ đang phải chịu cùng nhiệt độ chung của phòng. Do đó, sẽ có bệnh nhân cảm thấy thoải mái, nhưng có bệnh nhân cảm thấy nóng hoặc lạnh quá. Nhóm của TS Thùy Vân quyết định nghiên cứu và đề xuất giải pháp thiết lập nhiệt độ cụ thể khác nhau cho mỗi giường bệnh trong cùng một phòng.
Quá trình nghiên cứu trải qua khoảng 01 năm để hoàn thiện từ ý tưởng đến giả pháp, thử nghiệm giải pháp. Khi đã có kết quả thử nghiệm, chúng tôi viết hồ sơ đăng ký Bằng sáng chế (Patent) gửi Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO). Quá trình phản biện (review) hồ sơ được USPTO thực hiện rất nghiêm ngặt. Sau gần 1 năm nữa, USPTO Hoa Kỳ đã đồng ý cấp Bằng sáng chế công nghệ cho Nhóm chúng tôi”
– TS. Dương Thị Thùy Vân chia sẻ
Vinh dự và trách nhiệm cũng đồng thời là động lực để Vân tiếp tục với các đề tài nghiên cứu khác. Tính đến nay, Vân đã tham gia với vai trò là chủ nhiệm đề tài, trưởng nhóm nghiên cứu của hàng chục dự án công nghệ thông tin.
Sau một thời gian làm giảng viên, Vân được điều chuyển sang làm công tác quản lý, từ Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng, đến Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Dù ở vị trí nào, tố chất “công nghệ” đã trở thành máu thịt, Vân luôn dành thời gian cho các dự án nghiên cứu về công nghệ thông tin,
với sản phẩm là hàng chục đề tài được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp, địa phương và hàng chục bài báo khoa học quốc tế được xuất bản trên các tạp chí ISI. Càng dấn thân vào công việc, Vân càng thấy rằng nhận thức của mình về nghề nghiệp từ những ngày đầu vào đại học của mình là chính xác: công nghệ thông tin là ngành nền tảng cho nhiều ngành khác. Có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực tiễn về công nghệ thông tin là một trong những kỹ năng quan trọng để thành công trong thời đại công nghệ ngày nay.
TS Dương Thị Thùy Vân (giữa) chấm giải Hội thi “An ninh sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số”.
Hạnh phúc khi được chia sẻ với cộng đồng
Dương Thị Thùy Vân chia sẻ, một trong những điều làm cho cô luôn cảm thấy tràn đầy năng lực khi bắt tay vào các dự án khoa học chính là niềm hạnh phúc khi được chia sẻ với cộng đồng. Mùa dịch kinh hoàng năm 2021, khi xã hội hoang mang với sự nguy hiểm quá bất thường của COVID-19, Vân cùng các động nghiệp đã kiên nhẫn mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo thành công robot khử khuẩn. Thiết bị này có ý nghĩa cộng đồng lớn lao khi nó có thể thay thế con người thực hiện các công việc trong môi trường nhiều rủi ro ở bệnh viện, khu cách ly y tế.
Dương Thị Thùy Vân (thứ 3 từ phải qua) bàn giao Robot khử khuẩn cho Trung tâm cách ly thuộc Ký túc xá ĐHQG TPHCM (năm 2020).
Vân cho biết, làm việc trong những ngày giãn cách xã hội không hề thú vị, đi ra đường phải có giấy công tác, mặt mũi luôn bịt kín bởi lớp khẩu trang dày và bên mình luôn kè kè chai cồn xịt khuẩn, nhưng khát vọng làm ra một sản phẩm gì đó để chia sẻ với cộng đồng trong lúc khó khăn là nguồn động viên vô giá giúp Vân và đồng nghiệp hoàn thành công việc. Trong suốt hành trình 20 năm làm việc của mình, các dự án cộng đồng luôn được Vân quan tâm và dành nhiều thời gian, như Hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng, Hệ thống WebGIS quảng bá thông tin xúc tiến đầu tư, Hệ thống nuôi trồng sâm non bằng phương pháp khí canh,…
Nhiều người vẫn có tâm lý e ngại khi thấy phụ nữ chọn nghề trong lĩnh vực công nghệ. Vân chia sẻ, điều đó cũng có thể đúng đối với các ngành nghề đặc thù khác, nhưng theo trải nghiệm gần 20 năm qua của Vân, thì điều đó không là trở ngại đối với lĩnh vực công nghệ thông tin. Bởi lẽ, trong một ngành có chức năng hỗ trợ cho nhiều ngành khác, luôn có những vị trí, những công việc cụ thể phù hợp cho nữ giới, thậm chí, chính những đặc tính riêng của nữ cũng sẽ góp phần làm nên sự thành công riêng biệt của từng người.
Tình yêu công việc sẽ giúp vượt qua tất cả những trở ngại thường ngày, và nhiều khi, những khó khăn đó là “gia vị” cho cuộc sống thêm sinh động. Việc thức khuya hay bật dậy lúc nửa đêm để thực hiện một ý tưởng sáng tạo vừa lóe lên trong tâm trí không phải hiếm…”
– TS. Dương Thị Thùy Vân chia sẻ:
Vân nhắn gửi đến các bạn trẻ rằng, việc hình thành nên sự thành công trong nghề nghiệp phụ thuộc nhiều yếu tố, và việc chọn đúng ngành là yếu tố quan trọng, bởi vì nó đóng vai trò khởi đầu. Nếu ngành chọn phù hợp với thế mạnh của bản thân sẽ là thuận lợi nhất, vì nó là bệ phóng giúp việc học hành thuận lợi hơn.
Niềm đam mê giúp tăng cường quyết tâm, và khi làm việc gì với sự quyết tâm cao thì kết quả chắn chắn sẽ là mỹ mãn. Chọn ngành “hot” hay theo “trend” thực ra không giúp ích gì, ngược lại còn tự gây khó cho mình vì tự mình đặt vào cuộc đua với tỉ lệ chọi cao hơn. Ngành “hot” chưa chắc đã phù hợp với thế mạnh của mình, và như thế việc học cũng khó mà thuận lợi”
– TS. Dương Thị Thùy Vân nhắn gửi
Theo Khoahocphothong.vn