Di tích lịch sử-văn hóa Căn cứ Dương Minh Châu
- 17/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 7973
Căn cứ Dương Minh Châu, tọa lạc tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia, tại Quyết định số: 61/1999/QĐ-BVHTT, ngày 13/9/1999 của Bộ Văn hóa Thông tin.
Dương Minh Châu là tên gọi của đồng chí Chủ tịch Uỷ ban hành chánh tỉnh Tây Ninh đầu tiên anh dũng hy sinh trong trận càn của Pháp vào căn cứ bến Cây Chò (nay thuộc xóm Mía, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ngày 7 tháng 2 năm 1947, để khắc ghi công ơn và tưởng nhớ đồng chí, tỉnh đã lấy tên Dương Minh Châu đặt tên cho căn cứ.
Ảnh: Xe tăng của Mỹ bị quân giải phóng tiêu diệt trong trận càn Junctioncity vào căn cứ
Căn cứ Dương Minh Châu có vị trí địa thế được đánh giá là chiến lược quan trọng, hội tụ các tính chất của ba vùng chiến lược, trong đó vùng rừng núi chiếm vị trí đặc biệt, có thế liên hoàn ở phía sau, là một vùng rừng già rộng lớn ăn thông lên biên giới Campuchia, liên quan mật thiết với chiến khu D. Vùng rừng núi này đủ điều kiện “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thuận lợi cho ta xây dựng căn cứ kháng chiến và cả hệ thống căn cứ vệ tinh, xa, gần, tạo thế trận hậu phương chiến lược, vừa thuận lợi với việc chỉ huy, chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn miền.
Ảnh: Đại hội chiến sĩ thi đua dũng sĩ lần thứ nhất được tổ chức tại Căn cứ Dương Minh Châu.
Chủ trương xây dựng căn cứ, nơi đứng chân xây dựng căn cứ lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài đã được tỉnh Tây Ninh đặt ra khá sớm, từ những ngày đầu chuẩn bị khởi nghĩa Nam kỳ. Đến năm 1948, do yêu cầu của cuộc kháng chiến tỉnh quyết định chọn vùng Trà Vong làm căn cứ địa của tỉnh bao gồm khu 4 và khu 6 và thêm phần đất của các xã Ninh Thạnh, Hảo Đước và Hòa Hiệp. Bắt đầu từ thời kỳ này, căn cứ được xây dựng và phát triển toàn diện các hội nghị, Đại hội đại biểu đảng bộ Tây Ninh năm 1949 – 1950 đều tổ chức tại đây.
Ảnh: Các chiến sĩ chuẩn bị đón tết tại Căn cứ Dương Minh Châu, năm 1967.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trước tình hình mới nhiệm vụ của cách mạng, địa bàn căn cứ Dương Minh Châu tiếp tục được mở rộng, vượt qua khỏi phạm vi cũ trong kháng chiến chống Pháp. Phát triển rộng về phía Tây Bắc và phía Bắc biên giới Campuchia. Sau chiến thắng Tua Hai và nhiều nơi ở Tây Ninh, huyện căn cứ Dương Minh Châu trở thành một hậu cứ liên hoàn với các căn cứ Bắc Tây Ninh, căn cứ Bời Lời, Bến Đình, căn cứ Rừng Nhum, căn cứ Hòa Hội, Bến Dược (Củ Chi), tạo thế vững chắc làm bàn đạp đánh địch có ý nghĩa với nhiều vùng chiến lược.
Căn cứ Dương Minh Châu như một cái gai đâm vào mắt kể thù. Địch rắp tâm “bình định”, “tiêu diệt” còn ta quyết tâm bảo vệ, giữ vững vùng “Đất thánh”, huyện căn cứ Dương Minh Châu và các vùng căn cứ liên hoàn vừa là hậu phương vừa là chiến lược nóng bỏng giằng co ác liệt giữa ta và địch suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ chiến tranh đặc biệt (1960 – 1965), đến chiến tranh cục bộ (1966 – 1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973). Địch tìm đủ mọi biện pháp, mọi thủ đoạn cả về chính trị, quân sự, kinh tế và tập trung đủ loại phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng hàng triệu tấn bom, đạn và chất độc hóa học nhằm hủy diệt căn cứ. Áp dụng chính sách gom dân, lập ấp chiến lược để kiểm soát…Từng có hàng trăm cuộc càn lớn nhỏ vào căn cứ.
Mở đầu cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai là cuộc hành quân At-ton-bơ-rơ, từ ngày 14/9/1966 đến ngày 12/11/1966 với ý định tìm diệt Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 quân giải phóng đóng tại đây, nhưng quân Mỹ – Ngụy bị thiệt hại nặng ở Bàu Gòn, Khe Đon, Tà Đạt….Đến ngày 24/11/1966, tướng Oat-mo-len phải ra lệnh kết thúc cuộc hành quân At-ton-bơ-rơ của 22.000 quân Mỹ – Ngụy. Sau 72 ngày đêm đã bị bộ đội chủ lực, du kích và tự vệ cơ quan diệt 1.700 tên Mỹ và 2.800 tên Ngụy, 65 máy bay bị bắn rơi, diệt 5.000 xe tăng và xe bọc thép, tên tướng Mỹ Đơ-xốt-xuya bị cách chức tại trận.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, căn cứ Dương Minh Châu là một trong những nơi tập kết của quân chủ lực tiến công giải phóng Sài Gòn. Trên thế tiến công thần tốc quân dân Dương Minh Châu cùng với quân dân Tây Ninh tự giải phóng mình, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975.
Căn cứ Dương Minh Châu đã tồn tại và phát triển giữa lòng người miền Nam trong sự vây bủa của quân thù trở thành một biểu tượng tinh thần cách mạng, không những động viên quân dân căn cứ Dương Minh Châu mà còn ảnh hưởng chính trị rộng lớn, trở thành ánh sáng niền tin của nhân dân yêu nước trong các vùng bị địch tạm chiếm.
Căn cứ Dương Minh Châu là một căn cứ địa cách mạng có vị trí quân sự khá đặc biệt, gắn liền với hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, và trở thành căn cứ nổi tiếng ở miền Đông Nam bộ, Xứ ủy Nam bộ, Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phân khu miền Đông, tỉnh ủy Gia Định Ninh, lấy nơi đây làm căn cứ kháng chiến trong những năm chống Pháp và Mỹ, căn cứ Dương Minh Châu là nơi tập kết, huấn luyện và ra đời các đơn vị chủ lực của miền Đông. Với vị trí, địa thế khá quan trọng nên căn cứ Dương Minh Châu là nơi mọi kẻ thù tập trung đánh phá ác liệt nhằm “Tiêu diệt và bình định” căn cứ cách mạng quân chủ lực ở đây. Với tinh thần sáng tạo trong đường lối chiến tranh, quân dân căn cứ Dương Minh Châu và quân chủ lực đã đập tan mọi mưu đồ của địch, căn cứ vẫn được giữ vững, bảo vệ các lực lượng cách mạng, đứng chân an toàn đến ngày cách mạng thành công.
Sự tồn tại, phát triển đóng góp của căn cứ Dương Minh Châu trong kháng chiến đã góp phần làm sáng tỏ đường lối quân sự của Đảng ta về vấn đề xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương trực tiếp và tại chỗ.
Năm tháng sẽ qua đi nhưng căn cứ Dương Minh Châu mãi mãi lưu lại những hình ảnh về cuộc sống và chiến đấu, mồ hôi và xương máu của hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã từng lăn lộn chiến đấu trên vùng đất này, giành lại sự độc lập cho đất nước.
(Nghệ Hà sưu tầm)