Tham quan vườn Mắc ca của gia đình ông Trần Xuân Danh tại Đức Trọng, Lâm Đồng
- 03/03/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 3465
Khí hậu Lâm Đồng mấy hôm nay rất đặc biệt. Tối và sáng chừng 20 độ nhưng trưa phải gần 30 độ. Dưới cái nắng chang chang, trước khi vào Hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca”, đoàn đến thăm hộ gia đình ông Trần Xuân Danh, tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đoàn chúng tôi đứng vây quanh tán lá cây mắc ca để nghe ông kể chuyện về quá trình trồng xen cây mắc ca với cà phê. Ông nhìn chúng tôi, lấy tay chỉ một vòng theo hướng vườn của ông và cười tươi:
– Vườn nhà tôi có diện tích 1,4 ha. Trước đây trồng cà phê. Nhưng cách đây 6 năm, tôi mạnh dạn trồng xen cây mắc ca với 120 cây. Ngừng một lát, ông Danh chỉ lên các cành cây mắc ca, quả trĩu cành, tiếp tục:
– Mắc ca ở Lâm đồng nói chung và Đức Trọng nói riêng mỗi năm ra hoa, kết trái hai vụ. Vườn nhà tôi có 120 cây, tuy là vụ ban đầu nhưng sản lượng bình quân 1.200 kg/năm. Riêng hạt mắc ca, mỗi năm tôi thu hoạch được 120 triệu đồng. Chi phí cho các dịch vụ; Phân, nước, công…thì mỗi năm tôi cũng được 100 triệu…
Nghe vậy, ông Dương Thanh Biểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, nhìn ông Danh hỏi:
– Lâu nay, nói đến Lâm Đồng, Tây Nguyên là người ta thường nói đến xứ sở của cà phê. Vậy nếu so với cây cà phê thì trồng cây mắc ca có lợi như thế nào, thưa ông? Ông Danh không trả lời ngay mà đưa tay chỉ về phía cây cà phê:
– Đây là vụ đầu cây mắc ca ra hoa kết trái tương đối sai. Tuy nhiên so với cây cà phê thì trồng cây mắc ca có lợi thế hơn nhiều. Cụ thể sản lượng và giá trị tăng hơn nhiều so với cà phê. Tuổi thọ cây mắc ca khoảng 70 đến 80 năm trong lúc tuổi đời cây cà phê thì quá ngắn. Ông Dương Thanh Biểu, gật đầu quay sang ông Kim Wilson, chuyên gia mắc ca, người Úc:
– Thưa ông! Là chuyên gia mắc ca, qua giới thiệu và quan sát thực tế vườn mắc ca của ông Danh, ông có nhận xét như thế nào? Ông Kim Wilson nhìn ông Danh và chỉ xuống gốc cây mắc ca, gật đầu nhún vai:
– Tôi thấy đất ở đây rất hợp với cây mắc ca. Vườn mắc ca của ông Danh mới ra quả năm đầu nhưng thế này là khả quan. Tuy nhiên, tôi thấy dưới gốc cây có nhiều quả non rụng xuống đất, điều này cho ta suy nghĩ về độ ẩm của đất đã bảo đảm chưa, phân bón đã phù hợp chưa và đặc biệt giống cây mắc ca này đã thích hợp với thổ nhưỡng ở đây chưa. Đây là nội dung mà các nhà chuyên môn cần suy nghĩ để tư vấn cho bà con.
Chia tay ông Danh, tôi cảm thấy phấn khởi khi bà con nơi đây đã có cây mắc ca – trước đây gọi là cây xóa đói giảm nghèo, ngày nay gọi là cây làm giàu – cho bà con. Tuy nhiên, để làm cho năng xuất, chất lượng cao hơn như lời ông Kim Wilson là các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, hướng dẫn cho bà con về bảo đảm độ ẩm đất, phân bón và đặc biệt là giống. Tôi tin chắc rằng, với sự quan tâm của Hiệp hội mắc ca Việt Nam, cây mắc ca sẽ là cây làm giàu cho người dân, trong đó có nhiều bà con Họ Dương chúng ta.
Ghi chép của Dương Thủy