Cảm nhận về chuyến khảo sát cây Mắc ca tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc

Qua đợt khảo sát cây Mắc ca tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cùng với Đoàn công tác của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, từ ngày 16-26/4/2019, cảm nhận đầu tiên của tôi là, về quan điểm, Trung Quốc thống nhất trong việc nhận định, đánh giá cây Mắc ca là cây trồng đa mục tiêu, vừa là cây trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở những vùng núi cao tỉnh Vân Nam trên 1.000 m so với mặt nước biển; đồng thời xác định cây Mắc ca là cây hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng; là cây trồng góp phần nâng cao đời sống cho người trực tiếp trồng mắc ca ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi cao như Nam San, Lâm Thượng…

Một góc khu vực trồng Mắc ca tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Đặt chân đến Trung Quốc, đầu tiên, Đoàn công tác được mời tham dự Hội thảo và Hội chợ hạt khô (trong đó có Mắc ca) tại Thượng Hải. Hội thảo và Hội chợ hạt khô đã giới thiệu về công nghệ sản suất, thị trường các loại hạt khô trên thế giới và tại Trung Quốc. Riêng đối với hạt Mắc ca tại Trung Quốc, thông tin tại Hội thảo cho biết nguồn cung nội địa chất lượng cao mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nội địa, do đó, nguồn hạt Mắc ca vẫn phải nhập khẩu về từ Úc và Nam Phi.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tại Hội thảo và Hội chợ hạt khô ở Thượng Hải, Trung Quốc

Kết thúc Hội thảo và tham quan Hội chợ hạt khô, chúng tôi di chuyển đến tỉnh Vân Nam để thăm quan khu vực canh tác và sản xuất Mắc ca lớn nhất tại Trung Quốc. Làm việc với Hiệp hội Mắc ca tỉnh Vân Nam, chúng tôi được Hiệp hội giới thiệu về chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cây Mắc ca một cách cơ bản, đồng bộ, từ việc đầu tư làm đường giao thông bằng bê tông trên các sườn đồi, hệ thống điện lưới, hệ thống nước tưới đến tận vùng trồng mắc ca trên đồi núi cao cho đến vùng thấp… trải rộng trên 170 nghìn hecta Mắc ca tại khu vực Nam Sơn, Lâm Thượng.

Đoàn công tác của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam làm việc với Hiệp hội Mắc ca Vân Nam, Trung Quốc

Hiệp hội thông tin thêm, Bộ nông nghiệp Trung Quốc đã đầu tư xây dựng Viện khoa học chuyên về cây trồng Mắc ca tại Lâm Thượng, Vân Nam. Viện này có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu thử nghiệm, vận dụng tiến bộ khoa học một cách đồng bộ từ khâu làm giống, làm đất, phân bón, tạo cành, cho đến tạo cây ra hoa, kết trái đúng thời vụ. Viện còn nghiên cứu về sâu bệnh của cây mắc ca, sản xuất ra các loại thuốc đặc trị sâu bệnh… Viện xây dựng vùng Mắc ca thực nghiệm hàng trăm hecta cho việc làm vườn ươm, trồng cây đầu dòng và trồng Mắc ca trên đồi núi cao. Tôi rất quan tâm và thích thú nhất là đề án trồng cây mắc ca trên đất dốc, núi cao để chống xói mòn.

Trồng Mắc ca trên đất dốc tại Trung Quốc

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho phép thành lập Công ty Yun Ao Da để xây dựng nhà máy chế biến mắc ca với công suất trên 10.000 tấn/năm tại thị trấn Nam San, Lâm Thượng. Nhà máy sản xuất ra nhiều sản phẩm, như bánh, kẹo, sữa tắm, dầu gội đầu, dầu ăn, thực phẩm chức năng… nhiều sản phẩm đã được chào hàng khắp nơi trong nước và bước đầu xuất khẩu ra các nước bạn trong khu vực Châu Á. Nhà máy cũng có vùng đất để trồng cây mắc ca trên hàng trăm hecta nhằm chủ động nguồn hàng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Một số sản phẩm Mắc ca trưng bày tại Hiệp hội Mắc ca Vân Nam, Trung Quốc

Hiệp hội cho biết thêm, Nhà nước Trung Quốc thống nhất trong việc lập quy hoạch vùng trồng Mắc ca trọng tâm, trọng điểm, tập trung ở vùng đất cụ thể. Nhà nước tôn trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội Mắc ca hoạt động có hiệu quả. Hiệp hội độc lập về mặt tài chính, do nguồn kinh phí đóng góp của hội viên và sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế, không lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Tại Lâm Thượng, ông Chi cục trưởng Kiểm lâm đồng thời là Hội trưởng hội Mắc ca Lâm Thượng, Chính vì vậy, Hiệp hội đã thành công trong việc tổ chức Hội chợ và triển lãm, và tổ chức Đại hội lần thứ VII Hiệp hội Mắc ca thế giới tại Lâm Thượng, Vân Nam năm 2018, đã tạo nên một dấu ấn lịch sử cho đất nước Trung Quốc.

Hội thảo Mắc ca Quốc tế năm 2018 tại Trung Quốc. (Ảnh: Sưu tầm)

Sau cùng, khi xem thước phim về canh tác Mắc ca tại Việt Nam, ông Lư Sen – chuyên gia đất đai thổ nhưỡng nhận định: Ở Việt Nam, mặc dù cây Mắc ca mới phát triển gần đây, diện tích còn khiêm tốn, nhưng đất trồng ở Việt Nam tốt hơn đất trồng ở Vân Nam chúng tôi nên cây Mắc ca cao, tốt, xanh đều. Nếu ở Việt Nam canh tác bảo đảm phân bón, dinh dưỡng cho cây, đồng thời nếu làm tốt công tác tạo tán cây, vệ sinh đồng ruộng thì chắc chắn rằng Mắc ca Việt Nam sẽ cho ra quả đẹp, tròn, mập, đều, chắc hạt và cho năng suất cao hơn khu vực trồng Mắc ca của chúng tôi.

Ông Dương (tay trái) – Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu cây Mắc ca Vân Nam, Trung Quốc

Kết thúc quá trình thăm quan, tôi trực tiếp đặt câu hỏi với ông Dương – Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu cây Mắc ca Vân Nam, ông Lư – Phó chủ tịch Hiệp hội mắc ca tỉnh Vân Nam đi cùng với đoàn và ông Lư Sen – chuyên gia đất đai thổ nhưỡng cho cây mắc ca: Nếu ở Vân Nam có cây trồng nào giá trị kinh tế cao hơn cây cây mắc ca hiện nay, Vân Nam bỏ cây mắc ca để trồng cây khác không? Tất cả đều trả lời là không. Chúng tôi không thể bỏ cây Mắc ca để theo đuổi cây trồng khác trên mảnh đất này.

Kết thúc chuyến thăm và khảo sát cây Mắc ca tại Trung Quốc, tôi có một vài cảm nhận, suy nghĩ như sau:

(i) Một là, Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện cho ngành hàng Mắc ca phát triển. Cụ thể: Nhà nước tổ chức lập quy hoạch canh tác, sản xuất Mắc ca trên từng khu vực tập trung, diện tích lớn. Nhà nước hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu chuyên ngành về Mắc ca, nhằm giúp đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất Mắc ca. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội Mắc ca tổ chức các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, canh tác Mắc ca.

(ii) Hai là, Hiệp hội Mắc ca đã chủ động được nguồn tài chính, là đầu tàu trong việc hỗ trợ canh tác, sản xuất, thương mại Mắc ca trong và ngoài nước.

(iii) Ba là, về canh tác Mắc ca tại Trung Quốc. Vùng trồng Mắc ca có điều kiện tự nhiên không thuận lợi như Việt Nam, nên cho năng suất không cao, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, diện tích trồng Mắc ca theo thống kê lớn, nhưng qua thăm quan thực tế, nhận thấy phần lớn diện tích là trồng xen và trồng thưa, nên số lượng cây thực tế không nhiều như báo cáo.

(iv) Bốn là, về thị trường Mắc ca tại Trung Quốc. Nguồn cầu về Mắc ca Trung Quốc còn rất lớn, 90% phải nhập khẩu và đến chủ yếu từ Úc, Nam Phi. Đây là cơ hội lớn cho Mắc ca Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh về nhập khẩu Mắc ca sang Trung Quốc so với 02 nước bạn.

Hôm nay, về đến Việt Nam Nam, nhưng trong lòng tôi vẫn nhớ hình ảnh ông Dương – Viện trưởng Viện khoa học mắc ca Vân Nam, một người làm việc tận tụy, nhiệt tình, sôi nổi, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp; hình ảnh ông Lư – Phó chủ tịch Hiệp hội mắcca Vân Nam cùng đi và hướng dẫn đoàn xuyên suốt các điểm khảo sát ở Nam San, Lâm Thượng – người ít nói nhưng rất trách nhiệm với đoàn khảo sát của Việt Nam.

Xin cảm ơn tất cả mọi người trong Đoàn Công tác, nhất là anh Quảng – Trưởng đoàn; anh Trường – phiên dịch và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giúp tôi hoàn thành chuyến đi đầy ấn tượng, nâng cao nhận thức và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho việc phát triển mắc ca ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam chúng tôi.

Dương Thanh Tương 

Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HD Đắk Lắk

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com