Mùa Lễ Vu Lan báo hiếu 2019
- 13/08/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 5629
Lễ Vu Lan có lịch sử từ rất lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo văn hóa truyền thống của người Việt, ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm có hai lễ lớn là Xá tội vong nhân và Vu Lan báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên hai tập tục này khác nhau hoàn toàn về ý nghĩa, nguồn gốc và bản chất. Trong đó, lễ Xá tội vong nhân là để cầu siêu, tưởng nhớ cho những vong hồn Lang thang, không nơi nương tựa còn trọng tâm của lễ Vu Lan báo biếu là giáo dục Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và đền ơn các đấng sinh thành.
Do vậy, Lễ Vu Lan báo hiếu chính là đạo hiếu tỏ lòng biết ơn người đã sinh ra mình. Đạo hiếu như là một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ, cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước. Lễ Vu Lan ngợi ca đạo hiếu đã thấm sâu vào nếp sống của người Việt Nam và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của nước ta. Thật là diệu dụng, ngày Lễ Vu Lan xưa cũng như nay đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, ngày càng được bồi đắp dày thêm tạo thành những vỉa văn hóa, góp phần làm sáng đạo lý thờ mẹ kính cha của dân tộc. Bởi một lẽ giản đơn, ai sinh ra cũng có cội nguồn. Cha mẹ kính yêu cho ta hình hài, vóc dáng. Còn quê hương, đất nước nuôi dưỡng ta tâm hồn, giọng nói mang bóng hình xứ sở. Bởi vậy, cùng với nghĩa tri ân công lao, sự hy sinh sánh ngang biển trời của cha mẹ, mỗi người con của dân tộc hàng năm vào Rằm tháng Bảy lại cùng nhau làm Lễ cúi đầu bày tỏ lòng tri ân với người mẹ đã sinh ra mình cũng như đất mẹ Việt Nam. Hạnh hiếu đền ơn đẹp nhất là ân cha mẹ hòa với cùng ân nặng xã tắc giang sơn.
Lễ Vu Lan hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy là một trong những hoạt động văn hoá truyền thống, tập quán tốt đẹp nhất nhằm tỏ lòng báo hiếu, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người thân đã khuất, để cầu siêu cho những nghĩa sĩ đã hy sinh vì nghĩa; cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình… thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và vì thế được mọi người trong cộng đồng tự giác tham gia.
Cũng vào dịp này, theo truyền thống của người Việt Nam thì ngày Rằm tháng Bảy âm lịch là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng lễ nên còn được gọi là “ngày xá tội vong nhân”. Theo cách hiểu của văn hóa tín ngưỡng, xá tội vong nhân là để cầu cúng cho những vong linh không được thờ cúng ở nơi nào, Lang thang vất vưởng. Giá trị nhân văn của lễ này thể hiện sự thương cảm sâu sắc với các vong linh đã chết bỏ mạng ở nơi đất khách quê người, nơi trận mạc, chết vì tai bay vạ gió, những người thân phận hèn kém không nơi nương tựa…
Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu ở Việt Nam mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp nhân văn của văn hóa của dân tộc “Thương người như thể thương thân”. Đôi khi hai lễ này thường được hòa làm một. Mục đích đều thể hiện nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện lòng thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le khác nhau mà không được thờ cúng.
Ai cũng biết rằng cha mẹ đã cả đời gian lao vất vả vì hạnh phúc, an lạc của con cái. Công đức của cha mẹ lớn lao không sao kể xiết, cho nên con cái muốn báo hiếu cho cha mẹ thì phải biết nghe lời cha mẹ; anh em trong gia đình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; không làm việc gì trái với đạo lý Dòng tộc và pháp luật của nhà nước mà ảnh hưởng đến nền nếp gia phong; không làm việc ác, năng làm việc thiện; tu dưỡng, học tập, rèn luyện đạo đức để nên người làm cho ông bà, cha mẹ yên tâm, phấn khởi.
Nếu làm được những điều lành thì Tâm sẽ chân thành, thiện khí sẽ ngưng tụ; thực hành hạnh hiếu thì trời đất cảm thông, Phật Thánh phù hộ. Đó chính là Phúc. Phúc do Tâm tạo. Tâm là Phật. Phật tại Tâm! Vì vậy mà phải luôn luôn làm điều thiện lành, tu phúc để báo hiếu cha mẹ và để lại cho con cháu mai sau. Sống trong đời, ai cũng hiểu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thật là sâu nặng nhưng cũng có không ít người chưa thấy hết được ân đức cao dày của cha mẹ đã dành cho mình. Từ xưa tới nay, cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con mình vô bờ bến. Cha mẹ luôn mong muốn cho con nên người… Nhưng nếu chẳng may mà gặp phải những đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch, nghiện ngập thì cha mẹ cũng phải cam chịu cảnh bất hạnh, ngậm đắng, nuốt cay.
Lễ Vu Lan là một hình thức biểu hiện cụ thể của triết lý nhân sinh Phật giáo, có ý nghĩa giáo dục trong mọi thời đại. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi xã hội loài người đang phải đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, phẩm giá thì Lễ Vu Lan là một liệu pháp tinh thần chữa trị căn bệnh đó. Trong bối cảnh đời sống đô thị hóa mà con người chạy theo những cám dỗ vật chất bởi dục vọng tầm thường, lao vào những tham vọng cá nhân: ham tiền tài, của cải, danh vọng, sắc dục… Những sự toan tính đó dẫn con người đến tội lỗi, xa lánh cha mẹ, gia đình. Chắc chắn vẫn còn những người chưa hiểu hết ý nghĩa của Lễ Vu Lan nên những năm gần đây có không ít người vẫn làm những việc chưa đúng với thuần phong mỹ tục. Có gia đình đốt vàng mã vô tội vạ, đua nhau sắm các loại hàng mã như: nhà lầu, ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy bay, tàu thủy, laptop, thẻ ATM… để đốt cho người thân ở “thế giới bên kia” với suy nghĩ “trần sao âm vậy”. Họ nghĩ là phải sắm thật nhiều thứ vàng mã đốt cho người ở cõi âm thì ông bà, cha mẹ, tổ tiên mới phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra… Việc đốt vàng mã là tập quán lâu đời của người Việt Nam nhưng nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng, không nên làm cho nó trở thành tốn kém, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường…
Lễ Vu Lan đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, lòng yêu nước, tính cộng đồng… hướng con người làm việc thiện, ngăn chặn điều ác. Từ xa xưa cho đến ngày nay, người Việt Nam nói chung và Dòng tộc Họ Dương ta đã phát huy những nét tích cực phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc, đáng trân trọng giữ gìn; gạn lọc khơi trong, bỏ đi những phần mê tín dị đoan ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống.
Có thể khẳng định rằng, Vu Lan Báo hiếu luôn là nét đẹp nhân văn của truyền thống dân tộc Việt Nam và đã trở thành trách nhiệm, bổn phận của đạo làm con. Đây cũng là một nét đẹp trong văn hoá ứng xử góp phần duy trì, củng cố những đạo lý tốt đẹp trong gia đình, dòng họ và xã hội; trở thành tiêu chuẩn quan trọng đánh giá đạo đức con người. Dù xã hội có văn minh và phát triển đến đâu thì nét đẹp báo hiếu luôn được đề cao và mãi mãi trường tồn. Vì thế, ngay khi cha mẹ còn sống, con cái nên biết trân trọng từng ngày. Còn cha mẹ để được chăm sóc là hạnh phúc, may mắn của đời người nên ta phải biết ơn cha mẹ. Nhờ cha mẹ mà ta mới có mặt ở trên thế gian này. Còn ta lớn khôn lên được là do cha mẹ nuôi nấng, dưỡng dục. Cha mẹ chính là nơi nương tựa vững chắc và bình an nhất khi ta còn thơ. Điều đó, khi ta có con rồi thì ta mới thấm thía được sự hy sinh lớn lao của cha mẹ đối với mình. Bởi thế, nếu ai đó đã có phúc duyên báo hiếu cho cha mẹ rồi thì càng nên cố tạo nhiều cơ duyên hơn nữa để báo hiếu cho cha mẹ luôn được vui lòng. Sống trong gia đình, chúng ta cần phải chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau bệnh tật, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Sống phải luôn hướng thiện, làm việc tốt để rạng danh ông bà, cha mẹ. Ta cũng phải biết luôn tưởng nhớ công ơn của tổ tiên; cầu an lạc cho cha mẹ hiện còn sống… Đối với đất nước cần góp phần vào các hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước, gia đình cách mạng, những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật và tham gia các lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của chúng ta ngày nay.
Hòa trong tâm thành hướng về mùa Vu Lan báo hiếu 2019, nhiều Hội đồng Họ Dương đã tổ chức Lễ Vu Lan đầm ấm, trang trọng. Toàn thể con cháu Họ Dương chúng ta xin chắp tay dành tặng những bông hoa đạo hiếu đẹp nhất tri ân đến tất cả những người mẹ trong cuộc đời, chúc cho cha mẹ sống mãi với chúng con, tiếp tục dạy chúng con làm người. Những ai còn đầy đủ cha mẹ hãy biết trân trọng những giây phút thiêng liêng của Lễ Vu Lan báo hiếu này mà chăm nom cha mẹ, hãy làm cho cha mẹ vui lòng khi còn được hưởng niềm vui bên cạnh cha mẹ. Đừng để hối hận vì không sống trọn đạo làm con, làm người.
Thuấn Dương