Anh Dương Công Thành: Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
- 29/03/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 226
Sau hơn 10 năm bôn ba đi làm thuê cho các xưởng gỗ nhưng kinh tế vẫn không khấm khá lên là bao, năm 2011, sau khi tích cóp được ít vốn và kinh nghiệm, anh Dương Công Thành, ở thôn Đống Cao, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định quay về quê hương để thực hiện ý chí làm giàu. Anh đã trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Để có được thành quả như ngày hôm nay thật không đơn giản, phải có tâm huyết và nghị lực bền bỉ anh Thành mới vượt qua được những khó khăn, vươn lên làm giàu. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2000, anh Thành chăm chỉ học nghề mộc rồi sau đó rời quê hương đi lên thành phố làm thuê cho các xưởng mộc. Bước vào nghề với biết bao khó khăn thử thách, nhưng không nản chí, anh dành thời gian vừa làm thuê vừa học hỏi thêm về mẫu mã, kỹ thuật cũng như khảo sát thị trường cho đầu ra sản phẩm. Anh luôn tâm niệm, sẽ có một ngày gây dựng được cơ ngơi cho riêng mình, để gia đình bớt khó khăn.
Dần dần khi đã có kỹ thuật, tay nghề cao anh quyết định trở về quê hương và mạnh dạn vay vốn gây dựng xưởng sản xuất. Năm 2011, anh vay từ ngân hàng hơn 100 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc và nguyên vật liệu. Thời gian đầu, do vốn ít, nên xưởng mộc của anh Thành chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công, mẫu mã đơn giản, giá thành sản phẩm khá thấp. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo, lòng yêu nghề, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, các sản phẩm của anh Thành làm ra ngày càng có chất lượng và tính thầm mỹ cao và được nhiều khách trong và ngoài xã tìm đến đặt hàng. Những mặt hàng xưởng gỗ làm ra rất đa dạng, nhiều sản phẩm như sập gụ, tủ chè, án gian, bàn ghế, giường, tủ quần áo… đã được anh kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với hiện đại. Tính đến nay, anh Thành cũng đã gắn bó với nghề mộc hơn 23 năm và xưởng sản xuất của anh dần dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, là bạn hàng đáng tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, xưởng sản xuất của anh Dương Công Thành còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động, với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 10 – 12 triệu đồng/người.
Để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, ngoài nguồn thu từ xưởng mộc, năm 2018 anh Thành còn đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà siêu trứng Ai Cập với số lượng lên đến 2.000 con. Để có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi gà, anh Thành đã học hỏi thêm kiến thức về chăn nuôi, và đúc rút kinh nghiệm sau mỗi lứa nuôi. Thêm vào đó, anh cũng xây dựng chuồng trại kiên cố, có hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước uống tự động, quạt thông gió hút mùi, đảm bảo vệ sinh, thông thoáng. Nhờ áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong khâu chăm sóc nên đàn gà đẻ cũng như gà hậu bị của gia đình phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, cho năng suất trứng tốt và đảm bảo được yêu cầu phòng dịch. Với 2.000 con gà mái, trung bình mỗi ngày, anh Thành thu về 1.600 – 1.800 quả trứng, với giá bán khoảng 2 nghìn đồng/quả.
Bằng tinh thần tự lực vươn lên anh Dương Công Thành thật xứng đáng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Câu chuyện vượt khó vương lên làm giàu của anh cũng là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng một cuộc sống ấm no từ đôi bàn tay khối óc của mình.
Dương Thủy