Anh Dương Đình Hợp làm giàu từ lá

Với mùi thơm đặc trưng, dai và lên màu đẹp lá giang, lá mai, lá diễn… được ưa chuộng để gói một số loại bánh truyền thống. Và loại lá cây này đã mang lại nguồn thu nhập cho không ít các hộ gia đình tại một số địa phương ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Một trong những người đi đầu trong việc phát triển kinh tế từ loại lá cây này là anh Dương Đình Hợp ở khu 8, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng.

Nhận thấy khả năng thu nhập là loại lá cây này mang lại, anh Dương Đình Hợp đã mở xưởng thu mua, chế biến lá giang. Đoan Hùng vốn là cùng đất của các loại cây giang, diễn, mai, tre bát độ… những loài cây cùng họ với tre, nên nguồn nguyên liệu rất dồi dào. Ngoài mọc tự nhiên, hiện nay người dân còn trồng tập trung các loại cây này ở nhiều nơi trong xã. Mặt khác, việc khai thác lá không ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại cây tre, bương, giang… mà ngược lại còn kích thích chúng phát triển tốt hơn.

Công nhân đang phân loại lá tại xưởng

Từ khi có xưởng chế biến lá giang của anh Dương Đình Hợp, các hộ trồng các loại cây này trong xã còn tìm hiểu cách chăm sóc để cây cho nhiều lá hơn, lá to đẹp hơn để hái bán cho xưởng chế biến. Để cây có tán rộng, lá dày và khỏe, người dân sẽ cắt ngọn khi cây còn non khiến cây tập trung phát triển lá. Kết thúc vụ sẽ chặt tỉa những cây già, tạo đà cho cây con phát triển thuận lợi.

Với giá bán lá giang, diễn… tươi khoảng 12.000 đồng/1kg, nhiều gia đình trồng cây lấy lá cho thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/sào/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ những loại lá này.

Để có được những chiếc lá thành phẩm xuất bán ra thị trưởng, anh Hợp thu mua lá tươi từ các hộ dân, sau đó lá được sấy khô, phân loại thành từng tép tuỳ vào kích cỡ và chất lượng để định giá thành. Lá dùng để chế biến phải là lá có bản to, trung bình chiều dài từ 35cm trở lên, chiều ngang khoảng 8cm, không bị rách, tươi xanh và phải được chuyển đến xưởng chế biến trong ngày sau khi hái.

Sau khi lá tươi được gom về sẽ chia tép lá, xếp vào sọt, rồi đưa vào lò sấy ở nhiệt độ 70 độ C, trong thời gian khoảng 20 tiếng. Trong quá trình sấy lá, công nhân luôn trực canh lò, đảm bảo nhiệt độ luôn duy trì ổn định. Nếu nhiệt độ lò sấy cao quá sẽ làm cho lá bị quắt, héo không sử dụng được, còn nhiệt độ thấp thì thời gian sấy lâu hơn. Lá sau khi được sây đủ thời gian sẽ chuyển ra khu vực để nguội, sau đó tiến hành đóng kiện.

Lá được chế biến chuẩn bị xuất xưởng

Từ khi mở xưởng chế biến lá giang, anh Dương Đình Hợp không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm, tại thêm thu nhập cho nhiều người dân tại địa phương. Ngoài mấy chục công nhân làm việc trực tiếp tại xưởng, người dân địa phương còn có thêm thu nhập từ việc hái lá bán cho xưởng. Với thu nhập của nhân công tại xưởng dao động khoảng từ 100 – 150 nghìn đồng/ngày, công việc lại khá đơn giản, nhàn hạ, không phải dầm mưa dãi nắng, người lao động có nguồn thu nhập tương đối ổn định hơn so với làm nông nghiệp.

Dương Diệp Quần

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com