Anh Dương Quốc Cảnh phát triển kinh tế từ trồng sầu riêng hữu cơ
- 09/07/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 512
Nhờ trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, anh Dương Quốc Cảnh, một nông dân ở “thủ phủ sầu riêng” miền Tây, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã có nguồn thu nhập khá hơn hẳn so với trồng sầu riêng truyền thống. Đặc biệt, sầu riêng hữu cơ từ vườn của anh được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cũng giống như nhiều gia đình ở vùng đất cù lao này, gia đình anh Dương Quốc Cảnh đã trồng sầu riêng trong nhiều năm qua. Trước đây, gia đình anh trồng sầu riêng theo phương pháp truyền thống nên dùng nhiều phân, thuốc hóa học, hệ lụy làm cho cây hay bị nấm, xì mủ, chết cành. Năm 2020, sau đợt hạn mặn kỷ lục xâm nhập, nhiều diện tích sầu riêng của người nông dân nơi đây bị chết.
Trước thực tế đó, anh Cảnh suy nghĩ cần phải có một hướng đi mới để cây trồng có thể phát triển tốt trong điều kiện thiên nhiên không thuận lợi. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, anh Cảnh thuyết phục gia đình chuyển dần 7 công đất trong sầu riêng truyền thống sang trồng sầu riêng hữu cơ. Lúc bắt đầu, anh trồng thử nghiệm 5 gốc, rồi tăng dần số lượng, đến giờ là 20 gốc.
Sau 2 năm trồng, hững cây sầu riêng trồng hữu cơ của anh Cảnh đang phát triển xanh tốt, cho trái sai trĩu cành. Anh Cảnh cho biết, trồng sầu riêng hữu cơ tiết kiệm được khá nhiều công lao động, bởi không phải canh thuốc, phân. Tuy nhiên, thời gian đầu trồng sầu riêng hữu cơ phải dùng nhiều phân hữu cơ để cải tạo đất nên tốn khá nhiều chi phí. Bù lại, sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ có sức đề kháng cao hơn, khả năng chống chịu mặn tốt hơn so với sầu riêng trồng truyền thống.
Cũng theo anh Minh, sầu riêng trồng theo phương pháp hữu cơ khi bị sâu bệnh sẽ khó xử lý hơn, bởi không dùng thuốc hóa học phun xịt như đối với trồng sầu riêng truyền thống.
Để có được những cây sầu riêng xanh tốt, không bị sâu bệnh cần bọc trái ngay từ khi mới ra, nhưng cách này khá tốn chi phí. Lúc mới bắt tay vào trồng sầu riêng hữu cơ, anh Cảnh gặp khá nhiều khó khăn do chưa nắm được quy trồng. Nhưng anh đã không ngần ngại học hỏi từ sách báo, mạng internet và dần dần đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Việc thu hoạch sầu riêng hữu cơ cũng khác với thu hoạch sầu riêng trồng truyền thống bởi sẽ thu hoạch dần theo độ chín chứ không thu hoạch đồng loạt. So với sầu riêng trồng theo cách truyền thống, sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ có giá trị cao hơn. Hiện sầu riêng thường được thu mua tại vườn với giá 40.000 đồng/kg trong khi sầu riêng sạch của anh Cảnh được bán với giá 60.000 – 70.000 đồng/kg. Người tiêu dùng ngày càng chuộng sầu riêng sạch nên vườn của anh không đủ bán cho khách.
Trong tương lai, anh Cảnh dự định sẽ mở rộng hết vườn sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký mã vùng trồng để mở rộng đầu ra cho trái sầu riêng sạch…
Dương Diệp