Anh Dương Văn Ngà: Làm giàu từ mô hình nuôi lợn rừng lai
- 02/11/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 306
Nhận thấy thị trường thịt lợn rừng lai đang được ưa chuộng, anh Dương Văn Ngà ở ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, đã mạnh dạn chuyển hướng kinh tế sang đầu tư mô hình chăn nuôi lợn rừng lai trên chính đất vườn nhà.
Trước khi bén duyên với nghề nuôi lợn rừng lai, anh Ngà từng nuôi cá tra với quy mô khá lớn. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, anh làm ăn thua lỗ hàng trăm triệu đồng khiến cho cuốc sống gia đình anh thời điểm đó rơi vào tình trạng khó khăn. Với mong muốn tìm kiếm một hướng đi mới để phát triển kinh tế vững mạnh hơn cùng quyết tâm không cam chịu đói nghèo, sau nhiều đêm trăn trở, anh Ngà quyết định đầu tư nuôi lợn rừng lai.
Dám nghĩ, dám làm, anh Ngà gom hết tiền bạc để mua 11 con lợn giống, trong đó có 10 con lợn cái, 1 con lợn đực của một công ty tại tỉnh Đồng Tháp với số vốn bỏ ra là 50 triệu đồng. Thời gian đầu, anh Ngà chịu khó học hỏi cách nuôi lợn rừng từ những người đi trước, tìm tòi học thêm kinh nghiệm kỹ thuật qua mạng internet, đồng thời tìm hiểu kỹ đặc tính, bản năng của loài động vật hoang dã này. Vì vậy trong quá trình chăn nuôi, anh khá yên tâm. Thành quả đạt được là đàn lợn của anh phát triển tốt và cho xuất bán lứa lợn đầu tiên. Nhờ đó, anh Ngà đã thu hồi được số vốn bỏ ra ban đầu, thậm chí còn có thêm một ít lợi nhuận.
Nhờ chăm sóc tốt, từ 11 con giống ban đầu, sau 2 năm, anh Ngà đã xuất bán gần 200 con lợn giống với giá bán bình quân 2 triệu đồng/con. Đồng thời, trong chuồng hiện đang còn 80 con, trong đó có 30 con sắp xuất bán.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lợn rừng, anh Ngà cho biết, lợn rừng là loại động vật dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, không tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Nguồn thức ăn cho lợn thường sẵn có như bẹ chuối, cỏ voi, bắp, khoai mì, ngoài ra còn có thể tận dụng từ nguồn phế phẩm, thức ăn dư thừa của gia đình. Điều cần chú ý trong quá trình nuôi và chăm sóc lợn rừng đó là phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Trung bình, mỗi năm một con lợn rừng đẻ 2 lứa, mỗi lừa từ 6 – 9 con. Sau khoảng 5 – 6 tháng chăm sóc là có thể xuất chuồng, với cân nặng từ 20 – 30kg/con nên lợi nhuận từ việc nuôi lợn rừng cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bình quân 1 con lợn giống cho lợi nhuận 20 triệu đồng/năm. Đầu ra của gia đình anh Ngà cũng không đáng lo ngại bởi có một công ty tại tỉnh Đồng Tháp đã bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý.
Để có thêm nguồn thu nhập, gia đình anh còn nuôi thêm chồn hương và cá tra bột. Hiện các mô hình này đều mang về thu nhập khá tốt. Bình quân sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình Ngà có lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Nhờ chịu khó trong lao động sản xuất và ý chí vượt lên khó khăn, anh Dương Văn Ngà, đã vươn lên làm giàu chính đáng từ mô hình chăn nuôi lợn rừng lai. Thành công từ mô hình kinh tế của anh Ngà chính là tấm gương cho nhiều người dân học tập và làm theo.
Dương Thủy