Anh Dương Văn Quang – người gìn giữ nghề làm giấy dó của người Cao Lan

Từng được ưa chuộng một thời, nhưng giờ đây nghề làm giấy dó của đồng bào Cao Lan ở ban Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang dần bị mai một. Trước nguy cơ mất đi những tinh hoa của cha ông, những người  yêu  nghề truyền thống đang cố gắng gìn giữ bằng tất cả đam mê. Một trong số những người ít ỏi còn gắn bó để giữ nghề đó là anh Dương Văn Quang.

Người Cao Lan ở Khe Nghè nắm giữ trong tay những bí quyết riêng để tạo nên thương hiệu giấy dó Cao Lan. Thời hoàng kim của nghề, khắp bản nhà nhà, người người đều làm giấy dó.

Với đặc tính xốp, nhẹ, bền, dai, không bị nhòe khi viết, không bị giòn gãy, ẩm nát, ít bị mối mọt nên trước đây giấy dó được ưa chuộng, sử dụng phổ biến. Chữ viết, tranh vẽ, tranh thờ, in dập các văn tự cổ, ghi chép gia phả của các dòng họ, gia đình… đều được lưu giữ nhờ giấy dó.

Dù ở Việt Nam có nhiều làng nghề làm giấy dó nhưng kỹ thuật là giấy dó của người Cao Lan ở Khe Nghè có nhiều điểm khác biệt. Người Cao Lan seo đổ bột giấy lên khuôn tráng có căng lớp vải để thoát nước chứ không seo giấy trong bể seo. Khuôn tráng giấy dó được dựng nghiêng để phơi cho đến khi tách được tờ giấy ra…

Anh Dương Văn Quang học nghề làm giấy dó rất sớm. Vì yêu nghề truyền thống của dân tộc mà anh kiên trì theo học nghề từ cụ Tống Văn Xạch, người giỏi nghề nhất vùng. Nay Cụ Xạch đã mất, điều anh Quang mong muốn là tìm được những người trẻ để truyền nghề, nhằm gìn giữ nghề của cha ông.

Để làm ra tờ giấy dó, theo anh Quang, điều quan trọng đầu tiên là trộn bột với hồ, nếu khâu này làm tốt sẽ cho ra những tờ giấy dó đạt chất lượng, phẳng, mịn. Cách duy nhất để trộn đúng tỉ lệ hồ và bột là cảm nhận chứ không thể đong đếm theo tỉ lệ được. Anh Quang đã từng thử đong tỉ lệ bằng ca nhưng không thành công, bởi khi cây hồ non hoặc già thì tỉ lệ sẽ không giống nhau. Vì vậy, cách duy nhất là pha xuống khung, rồi sờ tay xuống để cảm nhận. Lúc mới học, việc này là không dễ dàng nhưng sau một thời gian, anh Quang đã có kinh nghiệm, chỉ sờ, cảm nhận bằng tay là biết được lượng hồ và bột như nào là đủ. Khi đã trộn được bột và hồ thì khâu tráng giấy cũng phải thật đều tay để giấy không bị chỗ mỏng chỗ dày và thật phẳng. Nhờ kiên trì, dần dần anh Quang đã làm ra sản phẩm chất lượng

Nguyên liệu để làm giấy dó của người Cao Lan là cây cây vợt pạ và dây hau pau (cây dưỡng). Đây là hai loại cây và dây này chỉ mọc trên những ngọn núi, khu rừng cao nên để tìm được người Cao Lan phải trèo đèo, lội suối lên rừng, lên núi. Anh Dương Văn Quang cho biết: “Hau pau được dùng để làm thành bột giấy, còn vạt pạ được ngâm để lấy nước, tạo thành chất hồ của giấy”.

Cây hau pau sau khi lấy về sẽ được làm sạch vỏ, ngâm với nước vôi trong và ninh cùng nước hòa tro bếp. Cây hau pau dễ bóc vỏ, nhất là khoảng tháng 3 và tháng 7. Vỏ cây hau pau sẽ tiếp tục được làm sạch tro bám. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, không thể nóng vội để tạo được độ sáng trắng của giấy. Hau pau sau khi được ninh nhừ sẽ được đem đi giã hoặc đập dập.

Còn cây vợt pạ phải tách lấy vỏ, cạo sạch lớp vỏ lụa ngoài màu nâu, bó thành cuộn rồi ngâm vào chậu nước sạch một đêm. Sáng hôm sau, mớ vỏ được vớt ra, người làm sẽ thu được một chậu keo có màu trong vắt. Cuối cùng phần vỏ được đập nát sẽ được mang xuống bể khuấy đều để ra một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Trong quá trình khuấy trộn cùng nước ngâm vạt pạ để giấy khi vào khung sẽ không bị dính.

Anh Dương Văn Quang giới thiệu cho học sinh về các công đoạn làm giấy dó

Người Cao Lan cũng tự sáng chế khung làm giấy dó giống như những vùng khác. Khung được ghép vuông bằng bốn thanh gỗ, ở giữa căng vải màn hay vải xô, độ dày mỏng của vải căng quyết định độ dày, mỏng của giấy dó. Ngoài ra, còn có một nồi nấu chất liệu giấy và một chậu đựng nước pha bột giấy…

Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng, tìm nơi sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều nắng gió để phơi giấy cho khô. Khi phơi cũng phải đặt khuôn phẳng mặt thì tờ giấy mới mịn đều. Lấy giấy khô cần gỡ mép trước, sau đó lột cả tờ giấy lên. Sản phẩm cuối cùng, giấy dó có màu trắng, giấy dày đều, phẳng và dai.

Giờ đây, những người làm giấy dó ở Khe Nghè như anh Quang chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Điều anh Quang trăn trở là làm thế nào để giữ gìn được nghề truyền thống của đồng bào Cao Lan, khi những người trong bản biết làm giấy dó còn lại rất ít. Vốn là sản phẩm thủ công, nên dù dai và bền nhưng giá thành không thể rẻ như giấy được sản xuất công nghiệp, mẫu mã và sự thông dụng cũng không bằng. Để giới thiệu, bảo tồn nghề truyền thống, nhiều lần Bảo tàng tình Bắc Giang đã mời anh Quang tham gia trình diễn làm giấy dó. Tuy nhiên, để tìm được người trẻ tâm huyết để truyền nghề cho đến lúc này với anh Quang vẫn là điều khó khăn. Điều anh Quang mong mỏi nhất là có những bạn trẻ đam mê, yêu thích nghề làm giấy dó, sẵn sàng học với tất cả tâm huyết để bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Dương Thùy Dịu

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com