Anh Dương Văn Thành: Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tuần hoàn
- 10/07/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 286
Hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, nhiều hộ nông dân tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Mô hình kinh tế chăn nuôi tuần của gia đình anh Dương Văn Thành, ở thôn Lũng, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là một trong những điển hình như thế.
Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm, ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Nhận thức được điều đó, anh Thành đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi tuần hoàn không chất thải. Để tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình, anh Thành đã tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi bò, gà và nuôi trùn quế tại tỉnh Phú Thọ. Sau khi nắm được kỹ thuật, năm 2018, anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích 800m2 và mua 50 con bò về nuôi vỗ béo. Anh Thành chia sẻ, để đàn bò phát triển khoẻ mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, hợp vệ sinh. Đồng thời, trước khi nuôi nhốt, anh còn thực hiện tẩy ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ cho đàn bò. Ngoài ra, để chủ động về nguồn thức ăn trong chăn nuôi bò, ngoài rơm khô dự trữ, gia đình anh Thành còn trồng hơn 1 ha cỏ voi, VA06…
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường, anh Thành còn đầu tư phát triển chăn nuôi trùn quế với diện tích lên đến 1000m2. Nhờ đó, nguồn phế phẩm trong quá trình chăn nuôi bò được tận dụng, giảm thiểu những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Phân của trùn quế được anh Thắng dùng để làm phân bón cho diện tích cỏ trồng của gia đình, đồng thời còn bán ra thị trường với giá 1.700 đồng/kg. Còn giun trùn quế thì được anh dùng làm thức ăn cho 200 con gà thịt. Nhờ tận dụng trùn quế để làm thức ăn cho gà, nên đảm bảo nguồn thức ăn sạch, dinh dưỡng, cộng với tiêm phòng cho gà đầy đủ nên đàn gà của gia đình anh nhanh lớn, không bị dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay, gia đình anh Thắng đang chăn nuôi 60 con bò thịt vỗ béo/lứa nuôi, trong đó bao gồm giống bò lai Sind và bò 3B. Mỗi năm gia đình anh nuôi được 2 lứa, sau 5 tháng bò được đưa vào vỗ béo tăng trọng trung bình đạt 150kg/con, giá bán bò hơi là 85.000 đồng/kg. Còn phân trùn quế mỗi năm anh cho xuất bán 4 đợt, mỗi đợt bán được khoảng 8 tấn. Qua 4 năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi của gia đình anh Thành phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, môi trường sản xuất được bảo đảm an toàn, sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Doanh thu của gia đình anh đạt hơn 1 tỉ đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của anh Dương Văn Thắng đã giảm được nhiều chi phí, tạo được nguồn nguyên liệu luôn sẵn có, ngoài ra còn giảm được ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Dương Huyền