Anh Dương Văn Tú và mô hình nuôi giun quế ở Thanh Chương
- 16/05/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 256
Mỗi năm thu về khoảng tỉ đồng, anh Dương Văn Tú là một trong những nông dân thành công khi đưa mô hình nuôi giun quế đem lại hiệu quả cao ở Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An.
Quyết định rời quê hương Bắc Giang để vào Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An để lập nghiệp, khi tham quan và tìm hiểu thực tế về địa phương, anh Dương Văn Tú nhận thấy có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng chất thải từ vật nuôi lại khá lớn và chưa có trang trại nào xử lý triệt để nguồn chất thải theo hướng mang lại lợi ích kinh tế.
Vì vậy, anh Dương Văn Tú đã hợp tác với một trang trại lợn quy mô lớn hơn 5.000 con tại xã Thanh Lâm, Thanh Chương để nuôi giun quế. Trang trại lợn cung cấp nguồn chất thải và hạ tầng (bao gồm đất và chuồng trại), trong khi anh Dương Văn Tú đảm nhận công việc và kỹ thuật, và lợi nhuận sẽ được chia đều giữa hai bên.
Năm 2020, dự án của anh Dương Văn Tú bắt đầu đi vào hoạt động. Trang trại đã đầu tư xây dựng bể lắng và chuồng nuôi giun trên diện tích 2.000m2. Toàn bộ chất thải hàng ngày từ đàn lợn được hòa tan trong nước và sử dụng làm thức ăn cho giun. Sau khi thu gom và lọc, chất thải sẽ được chuyển đến bể ngâm ủ để xử lý axit và vi khuẩn gây hại. Chất thải của lợn sau khi đã được xử lý sẽ được bơm trực tiếp cho giun ăn. Tiếp đến, khoảng 30 – 45 ngày, giun quế sẽ được thu hoạch. Trung bình, trang trại sản xuất khoảng 10 tấn giun và 300 tấn phân bón mỗi năm.
Trang trại sử dụng sản phẩm giun và phân giun để làm thức ăn cho các loại chăn nuôi như lợn, gà, cá và cũng chế biến thành dịch giun quế để dùng trộn vào thức ăn cho chăn nuôi, cũng như làm phân bón lá phun cho cây trồng. Ngoài ra, sản phẩm này cũng được bán cho các trang trại nuôi lươn và trồng cây ăn quả trên địa bàn. Với giá bán 50.000 đồng/kg giun và 3.500 đồng/kg phân, mỗi năm, trang trại thu được khoảng 1 tỉ đồng từ giun quế.
Nhờ triển khai mô hình xử lý phân thải bằng nuôi giun quế, hạn chế về môi trường của trại chăn nuôi lợn đã được khắc phục.
Việc áp dụng mô hình nuôi giun quế từ chất thải gia súc, gia cầm sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời tạo ra nguồn thực phẩm cho các loài động vật khác của anh Dương Văn Tú được chính quyền địa phương ở Thanh Lâm đánh giá cao. Hơn nữa, theo đó anh Dương Văn Tú còn rất tích cực chuyển giao kỹ thuật từ các trang trại lớn sang cho nông dân địa phương cũng là một bước đi quan trọng để phát triển kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi bền vững.
Dương Hạnh