Bà Dương Thị Chi Mai, CEO Công ty TNHH ELI: Chọn con đường ít dấu chân
- 21/07/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 11260
Con đường ít dấu chân
Đa phần người khởi nghiệp hay chọn cho mình mô hình có sẵn hoặc theo chân những thành công hiện hữu để học hỏi. Nhưng Dương Thị Chi Mai thì khác. Khi quyết định đưa STEM vào trường học, Chi Mai đã xác định chọn con đường ít dấu chân người đi.
Thời điểm đó ở Việt Nam, STEM vẫn là một khái niệm khá mới và khá chuyên ngành. STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
CEO Dương Thị Mai
Việc ứng dụng STEM đang dừng lại ở một số thử nghiệm. Nhưng STEM cũng có nghĩa là cái cây, sẽ không thể lớn lên, không thể thực hiện được nếu không có một môi trường phù hợp, với sự tham gia của nhiều người, nhiều ngành.
Một cách dễ hiểu nhất, để học được STEM, người học phải tích hợp được các môn học liên quan tới vật lý, hóa học, sinh học hay các môn học khác để giải quyết một vấn đề. Những công cụ mà STEM dùng giúp các học sinh hiểu biết về sinh học, kỹ thuật hay lập trình và đặc biệt, khi học môn này, học sinh sẽ thấy được ý nghĩa, mục đích, ứng dụng, chứ không học rời rạc từng phần.
Tóm lại, đây là mô hình giáo dục khác biệt khá lớn so với những mô hình hiện tại ở Việt Nam, đòi hỏi học sinh và giáo viên phải dạy và học thông qua thực hành. Chi Mai nhớ lại, những năm 2010, để hiểu căn kẽ về STEM ở Việt Nam không dễ, vì thiếu cả khái niệm lẫn sách vở.
“Thực ra, tôi biết đến STEM trong quá trình đi tìm chương trình dạy làm rô-bốt để khởi nghiệp ở Việt Nam, sau khi lấy bằng thạc sỹ ở nước ngoài. Lúc đó, tôi cũng định thành lập một trung tâm ngoại ngữ – vốn là thế mạnh của mình. Nhưng cơ may thế nào tôi lại tìm ra STEM. Chương trình này rất phát triển ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Thế là tôi quyết định đi học làm STEM”, Chi Mai kể.
Học, làm và say mê, chị không chỉ đi học khắp nơi, mà quyết định khởi nghiệp bằng việc đưa STEM về Việt Nam, thay vì ý định thành lập một trung tâm ngoại ngữ trước đó. Chị Mai quyết định mua chương trình sản phẩm từ Hàn Quốc, rồi sau đó biên soạn cho phù hợp với trẻ em Việt Nam.
Tháng 10/2012, Công ty TNHH ELI do CEO Dương Thị Chi Mai sáng lập và điều hành chính thức ra mắt, với hoạt động chính là mở trung tâm dạy trẻ em học làm STEM. Nhưng cũng vì con đường ít dấu chân, nên gập ghềnh và chông gai không ít. Chi Mai kể, khó khăn đến mức đã có lúc chị muốn từ bỏ ước mơ STEM. Do STEM mới quá, nên nhà quản lý nghi ngờ, phụ huynh và học sinh chưa tin tưởng…
“Khi trung tâm đầu tiên được thành lập, vốn liếng ít nên phải kêu gọi đối tác cùng thực hiện. Thời gian đầu không có học sinh theo học, đối tác quyết định rút vốn, vậy là một mình đi xoay đồng vốn bằng việc vay mượn. Thực sự khi đó, nếu không vay được vốn, thì tôi đành phải từ bỏ giấc mơ này, nhưng cuối cùng thì sự kiên trì đã giúp tôi thành công”, Chi Mai kể.
Đặt chân vào trường học
Bây giờ thì CEO Dương Thị Chi Mai đã có thể nói rằng, may mắn đã đến với Công ty ELI vì sau một thời gian đi vào hoạt động, trung tâm STEM của ELI đã thu hút được sự quan tâm của xã hội. Từ chỗ thưa thớt một vài học sinh, thực ra đều là con cháu của bạn bè, nay số lượng học sinh đã tăng lên vài trăm. Từ vài lớp cho trẻ em, nay đã có lớp dạy STEM cho người lớn.
Đặc biệt, sau khi trung tâm đầu tiên được mở tại quận Tân Bình, chị tiếp tục tìm được các đối tác mới vì họ thấy tiềm năng phát triển của môn học này với cuộc sống và sự phát triển của đất nước sẽ gắn với nhu cầu phát triển khoa học. Từ đó, chị cùng đối tác mở cơ sở tại Huế, nơi chị sinh ra và lớn lên. Rồi những cơ sở tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng được chị thành lập trong năm 2014 và 2015.
Tính đến nay, ElI đã có 4 trung tâm dạy STEM trên khắp cả nước và tự hào là trung tâm đầu tiên và duy nhất dạy STEM bài bản ở Việt Nam. Sau một thời gian phát triển, Chi Mai cho biết, trong năm 2015, Công ty ELI đã đạt mức tăng trưởng khoảng 250%, đó là tín hiệu rất đáng mừng. Năm 2015 đã đánh dấu một bước đi mới của Công ty khi chính thức kỷ niệm 3 năm thành lập. Hiện tại, có nhiều đối tác muốn bắt tay cùng ELI mở thêm đại lý tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Dự kiến trong năm 2016, Công ty sẽ mở rộng sản phẩm bằng cách triển khai tại các trường mầm non. Với việc thực hiện các thí nghiệm khoa học cũng như lắp ráp rô-bốt mới của Hàn Quốc, các bé sẽ học những điều mới mẻ. Đơn giản như việc một con sâu bướm sẽ phát triển thế nào, nhưng sẽ có những thí nghiệm và vật dụng để các bé có thể thực hiện một thí nghiệm khoa học cũng như lắp ráp quá trình sâu bướm hình thành và phát triển.
Cũng trong năm 2015, để STEM phát triển hơn trong môi trường giáo dục trường học, Chi Mai tìm tới tận những tỉnh xa xôi như Kiên Giang, hay những tỉnh vùng núi phía Bắc để dạy STEM miễn phí cho trẻ em. Đặc biệt, chị đã dần đưa STEM vào các trường học của thành phố trong các buổi học ngoại khóa.
“Việc đưa STEM vào trường học là mơ ước và khát vọng duy nhất của tôi, bởi muốn STEM phát triển được thì phải bắt đầu từ trường học. Đặc biệt, đất nước đang phát triển thì môn khoa học cũng cần phát triển theo. Tuy nhiên, mong muốn này vẫn còn quá nhiều chông gai vì học phí và chi phí công cụ để học môn này còn quá cao, do phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài”, Chi Mai chia sẻ.
Nhưng năm nay, con đường của CEO Dương Thị Chi Mai đã rộng rãi và thuận lợi hơn rất nhiều. Mới đây nhất, trong cuộc làm việc với Sở Giáo dục TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu đưa STEM vào trường học để giảng dạy như môn học kỹ thuật công nghệ. Năm nay, STEM đã có lòng tin từ phụ huynh và các trường học cùng sự phát triển của những đối tác.
“ELI chắc chắn sẽ phát triển, sẽ mở rộng mô hình này ra khắp cả nước để STEM phát triển hơn nữa trong giáo dục Việt Nam”, CEO Chi Mai tự đặt kế hoạch cho mình.