Bà Dương Thị Dưỡng: Dành trọn đời cho đất nước
- 01/03/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 572
Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trong chiến đấu, trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Họ luôn là những tấm gương để các thế hệ trẻ học tập, rèn luyện. Và cựu chiến binh Dương Thị Dưỡng ở Khối phố Phong Nhất, phường Điện An, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một trong những điển hình như thế.
Bà Dưỡng sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 13 tuổi, khi còn là một cô gái trẻ tuổi, bà đã xung phong làm giao liên. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, lại mưu trí, nhiều lần bà đã qua mắt bọn địch để mang tài liệu về cho các đồng chí của ta. Hai năm sau, bà quyết định cùng cha và các anh làm du kích, chiến đấu tại quê hương mình. Nhờ thông minh, nhanh nhạy nên cấp trên đã cho bà đi học quân y. Sau một thời gian học tập, từ năm 1968 đến 1971, nữ quân y Dương Thị Dưỡng trở về công tác tại địa phương.
Năm 1971, vào giai đoạn ác liệt nhất trong chiến tranh, chồng bà bị thương nặng, lúc đó bà lại đang mang thai và bị quân địch truy lùng gắt gao, vì thế bà đã không thể cứu chữa cho chồng của mình. Chồng hy sinh, bà bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần yêu nước bất khuất, bọn địch đã không thể buộc tội bà. Sau khi được thả, bà tiếp tục hoạt động cách mạng tại Đà Nẵng cho đến ngày đất nước giải phóng.
Sau chiến tranh, khi đất nước vui niềm vui khải hoàn, mặc dù vẫn mang trên mình bao vết thương của chiến tranh nhưng cựu chiến binh Dương Thị Dưỡng vẫn không cho phép bản thân nghỉ ngơi, luôn cố gắng làm được việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Bà tiếp tục công tác trong ngành y một thời gian, sau đó làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã đến đầu những năm 1990 thì nghỉ hưu. Nhờ được sự yêu mến, tin tưởng của chị em phụ nữ thôn, bà Dưỡng tiếp tục làm chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Phong Nhất. Giờ đây mặc dù tuổi đã cao, bà vẫn dành nhiều thời gian giúp sức cho hội viên phát triển kinh tế khi đứng ra quản lý nguồn vốn vay hơn 1,2 tỉ đồng từ ngân hàng chính sách.
Nặng lòng với những đồng đội đã hy sinh, bà Dưỡng còn tích cực đi tìm kiếm hài cốt đồng đội, liệt sĩ đã hy sinh trên địa bàn, tham gia nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội. Dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, xa hay gần, bất cứ khi nào nhận được đề nghị hỗ trợ bà đều có mặt. Tâm niệm của bà là còn sức khỏe thì vẫn còn rong ruổi trên những nẻo đường để tìm kiếm đồng đội đã khuất, đưa họ về với thân nhân.
Với những chiến công lập được, bà Dương Thị Dưỡng được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều huân huy chương khác.
Dương Hiền