Bài phát biểu của ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tại Hội thảo phát triển và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca

Kính thưa Quý vị đại biểu, Quý vị khách quý,

Trân trọng cảm ơn Quý vị đã tới tham dự buổi hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng cây giống Mắc Ca” ngày hôm nay.

Mắc Ca là loại cây lâm nghiệp đa mục đích, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng. Đồng thời, việc trồng Mắc ca cũng là trồng lại rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện lại mội trường thiên nhiên đang bị suy giảm.

Mắc Ca là cây lâu năm nên việc người trồng sử dụng cây giống có chất lượng tốt là yếu tố quyết định đến việc thành công của các vườn trồng Mắc Ca. Nếu mua phải cây giống không đạt chất lượng thì phải đến 5-6 năm sau mới biết được kết quả, vì vậy tạo nên tổn thất rất lớn về vật chất và tinh thần cho người trồng.

Mục tiêu của Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam đề ra trong những năm sắp tới, mỗi năm Việt Nam sẽ trồng được trên 3 (ba) triệu cây mới. Với tình hình hiện tại, khi mà người nông dân ở Tây Bắc, Tây Nguyên và nhiều nơi khác đang phân vân chưa biết trồng loại cây gì, vì những cây truyền thống đang trồng như cao su, cà phê, hồ tiêu…cho hiệu quả kinh tế không cao và  dễ bị dịch bệnh. Với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tuyên truyền của các cơ quan truyền thông và HHMCVN, rất nhiều nông dân và doanh nghiệp ở những nơi thích hợp với việc sinh trưởng của cây Mắc Ca đang mong muốn tăng trưởng diện tích trồng cây Mắc Ca vì những lợi ích về kinh tế, môi trường và sức khỏe do cây Mắc Ca mang lại.

Ông Dương Công Minh phát biểu tại Hội thảo

Trước tình hình đó, Lãnh đạo Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam tin tưởng rằng, mục tiêu tăng thêm 3 triệu cây mới mỗi năm là có thể dễ dàng đạt được trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang đối diện với một vấn đề rất cấp bách là cây giống Mắc Ca có chất lượng tốt đang thiếu một cách nghiêm trọng và có một số lượng cây giống đã, đang và sẽ được trồng có chất lượng kém xuất phát từ các vườn ươm tự phát của người dân hoặc một số doanh nghiệp nhỏ. Những vườn ươm này không có nguồn cây đầu dòng đúng chuẩn và được cấp phép bởi cơ quan quản lý nhà nước. Chất lượng của các cây giống xuất phát từ các vườn tự phát này là không thể kiểm soát được và hiện tại số lượng cũng không thể thống kê được. Một số người tự làm cây thực sinh để bán, một số khác dùng cây thực sinh được ươm lên, sau đó cắt ngọn và ghép trở lại chính nó, giống như cây được ghép từ loại mắt ghép tốt. Người dân không biết và mua phải giống cây không đảm bảo chất lượng này về trồng thì tổn thất sẽ rất lớn cho bản thân người trồng, đồng thời làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến một chính sách rất đúng đắn là phát triển nền công nghiệp Mắc Ca của Việt Nam nhằm mang lại cuộc sống no ấm cho người dân vì cây Mắc Ca được Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam xác định là cây làm giàu, mang đến cho xã hội những sản phẩm tốt cho sức khỏe và góp phần phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường thiên nhiên tốt hơn.

Theo thống kê của Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam, số lượng cây giống xuất vườn từ những vườn ươm có quy mô lớn và có nguồn cây đầu dòng đạt chuẩn như Công ty Him Lam Mắc Ca, Công ty Vinamacca, Vườn ươm Ba Vì, Vườn 05-06 ở Sơn La… thì tổng số lượng cây giống xuất vườn của các vườn ươm này trong năm 2019 cũng chỉ đạt khoảng 800.000 cây. Vì vậy, để đủ số lượng cây giống cho những năm tới thì chúng ta cần phải tăng công suất của các vườn hiện hữu và phải phát triển thêm các vườn ươm mới.

Để đạt được mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng cây giống, trong buổi hội thảo hôm nay, tôi đề nghị chúng ta cùng tập trung thảo luận các vấn đề trọng yếu sau:

— Các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng, số lượng sản xuất cây giống Mắc Ca, giảm giá thành, chi phí sản xuất;

— Các phương pháp phòng trừ sâu bệnh cho các vườn ươm giống Mắc Ca;

— Phương pháp tổ chức sản xuất, quản lý lao động, hệ thống phân phối… để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho các vườn ươm, nhằm giúp giảm giá bán cây giống ra thị trường;

— Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin giữa các Doanh nghiệp sản xuất giống, giữa các doanh nghiệp sản xuất giống mới thành lập và các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm;

— Các biện pháp giúp Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam tham gia quản lý, giám sát chất lượng cây giống như: ban hành các quy trình, quy chuẩn về xây dựng vườn ươm; quy trình làm giống Mắc Ca; Ban hành các tiêu chuẩn về cây giống xuất vườn;

— Các biện pháp giúp Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam thống kê, dự báo được sản lượng cây giống mỗi năm, nhằm cân đối được giữa cung và cầu;

— Các dòng Mắc Ca khác nhau, khi ghép sẽ có tỷ lệ thành công khác nhau và giá thành sản xuất sẽ khác nhau. Vậy, cần bàn bạc để đưa ra mức giá bán tham chiếu cho cây giống của các dòng Mắc Ca khác nhau. Mặt khác, ở mỗi vùng địa lý sẽ phù hợp với một số dòng Mắc Ca nhất định (đây là một đề tài rất lớn mà Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam sẽ cùng với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Viện nghiên cứu sẽ nghiên cứu trong một thời gian ngắn để đưa ra một kết quả chính xác). Trước mắt, nên xây dựng vườn ươm ở các vùng khác nhau, các vườn ươm này sẽ tuyển chọn những cây đầu dòng xuất sắc ở vùng đó hoặc vùng lân cận và đã được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận. Như vậy thì độ phù hợp của cây giống ở vườn ươm này cho những vùng trồng ở địa phương đó và vùng lân cận sẽ cao hơn;

— Các đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ việc sản xuất cây giống và các chế tài nhằm hạn chế sự lan tràn các loại cây giống kém chất lượng trên thị trường. Thực trạng này không riêng gì cho cây giống Mắc Ca mà các loại cấy giống khác đều bị như vậy. Mong muốn cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc một cách quyết liệt hơn nhằm chấn chỉnh lại chất lượng của các loại cây giống nói chung;

— Các biện pháp tuyên truyền cho người dân kiến thức về cây giống, đặc biệt là tác hại của việc trồng phải cây giống Mắc Ca kém chất lượng.

Qua đây, tôi cũng xin nhắn nhủ đến tất cả những người định trồng Mắc Ca là: nếu chúng ta chưa mua được cây giống có chất lượng thì nên chờ đợi, chứ đừng cố mua những cây giống không có xuất xứ rõ ràng và chất lượng để trồng thì hậu quả sau này sẽ vô cùng lớn.

Hội thảo này cũng là một cơ hội để các Doanh nghiệp, người trồng Mắc Ca, doanh nghiệp chế biến, các doanh nghiệp sản xuất giống đã hoạt động lâu năm cũng như những doanh nghiệp sẽ bước vào lĩnh vực làm giống Mắc Ca ngồi lại với nhau để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cùng bắt tay để đưa bộ giống Mác Ca tốt nhất ra phục vụ bà con trồng Mác Ca.

Vì những người nông dân nghèo khó của chúng ta, vì một đất nước Việt Nam hùng mạnh và trường tồn, tôi mong muốn các anh chị ngồi ở đây, chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm… để cùng nhau phát triển một nên công nghiệp Mắc Ca bền vững cho đất nước.

“Để có một ngành Mắc Ca thịnh vượng và bền vững, tất cả xuất phát từ vườn ươm”

Tôi xin gửi đến tất cả quý vị đại biểu, quý vị khách quý lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

          Xin trân trọng cảm ơn.

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com