Bài viết đạt giải Ba “Cuộc thi Tìm hiểu Văn hóa – Lịch sử Họ Dương Việt Nam”: Nhân vật lịch sử Dương Thị Như Ngọc

Em: Thầy ơi! Thầy cho em xin bảng điểm năm học vừa rồi với ạ! Em tên Dương Thị X, sinh viên lớp A-Kinh doanh thương mại.

Thầy đào tạo: Em làm gì mà xin bảng điểm mãi thế X?

Em: Dạ, em xin để nộp để bên họ Dương để xét học bổng ạ!

Thầy đào tạo: (cười) Họ Dương năm nào cũng có học bổng hết nha, chúc mừng em nha!”.

Bốn năm Đại học cứ đến đợt xét học bổng của họ Dương cho những sinh viên có thành tích xuất sắc thì em đều lên Phòng Đạo tạo để xin bảng điểm, lên mãi đến nỗi các thầy cô làm ở Phòng Đào tạo nhớ rõ mặt em luôn. Bạn bè, thầy cô của em ai cũng nói con cháu Họ Dương sướng thật, Họ Dương quan tâm đến công tác khuyến học – khuyến tài thật… Nghe những lời đó làm em thật sự tự hào. Sinh ra trong gia đình Họ Dương, là một người con gái mang Họ Dương chưa bao giờ em không tự hào về dòng họ của mình. Từ những nhân vật trong trong lịch sử cho đến những nhân vật ở thời hiện đại. Những con người luôn luôn cố gắng hết mình vì dòng tộc, luôn luôn tìm mọi cách để xây dựng dòng tộc ngày càng phát triển vững mạnh hơn.

Con nhà võ tài ba theo nghiệp võ

      Gái Họ Dương xây dựng đội nữ binh

            Đã cùng cha đánh giặc chiếm La Thành

      Thu đất nước từ tay quân Nam Hán

               Giúp Ngô Quyền dựng nên cơ nghiệp lớn

                          Dương Như Ngọc đời sau còn mãi mãi lưu danh

(Dương tộc kỷ sử)

Những câu thơ trên làm em thật sự cảm thấy tự hào vì là thành viên của đại gia đình Họ Dương. Dù trai dù gái, dù trực tiếp hay gián tiếp thì đều chung mục đích vì sự phát triển của đất nước, của dòng tộc. Người ta thường nói phía sau người đàn ông thành công sẽ có bóng dáng của người phụ nữ, và Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc cũng chính là người phụ nữ như vậy. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền lên ngôi vua, lập ra triều Ngô – triều đại đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ, lập Dương Thị Như Ngọc làm Hoàng hậu – vị Hoàng hậu đầu tiên của nước Việt độc lập, tự chủ…

Dương Thị Như Ngọc hay Dương hậu là vương hậu của Ngô Quyền quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, đất Ái Châu (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thời chính quyền họ Khúc, Dương gia là một bộ tướng cũng là một thủ lĩnh lớn ở Ái Châu có công lao trong sự nghiệp đấu tranh chống lại ách thống trị của phương Bắc. Tương truyền khi mang thai, vợ của Dương Đình Nghệ mơ thấy có một tiên nữ từ trên trời giáng xuống, tay cầm viên ngọc trắng đến xin làm con. Sinh ra, cô bé có khuôn mặt trong ngọc trắng ngà, lúc đó trong phòng thoang thoảng mùi hương thơm dịu mát. Dương Đình Nghệ và những người trong nhà đều lấy làm lạ, dựa theo giấc mộng của vợ, ông đặt tên con là Dương Thị Như Ngọc với ý nghĩa dung nhan đẹp đẽ, thuần khiết như ngọc. Lớn lên, Như Ngọc càng xinh đẹp như thiên nga giáng thế, cử chỉ đoan trang, dáng điệu quý phái. Người đời nhìn vào lúc nào cũng đoán thiếu nữ ấy sau này sẽ ở hàng tôn quý. Không chỉ sở hữu một dung nhan tuyệt đẹp, người thiếu nữ ấy còn được rèn luyện trong lò võ Dương Xá ở quê hương nên có thể nói đây là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vừa giỏi nữ công gia chánh, vừa tinh thông côn quyền võ nghệ.

Lúc nàng Dương thị trưởng thành cũng là lúc đất nước chịu ách đô hộ của quân Nam Hán từ tháng 7/923 sau khi giặc bắt được Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ. Lúc đó, Dương Đình Nghệ đã nối dậy đánh giặc, lấy lại độc lập, tự do. Tuy là con gái nhưng chị em Dương Thị Như Ngọc rất tích cực giúp cha, đi nhiều nơi kết giao với các anh hùng hào kiệt và các lực lượng dân binh chờ thời cơ nổi dậy. Nhiều anh hùng từ khắp bốn phương có chí hướng cứu nước đã về đất Ái Châu để cùng gia nhập, trong đó có Ngô Quyền. Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, Ngô Quyền tuổi trẻ mà có tài, lại là con trai của hào trưởng Ngô Mân, một người bạn cũ từng làm quan với ông thời chính quyền họ Khúc. Ông rất quý Ngô Quyền và còn đem gả con gái của mình là Như Ngọc cho Ngô Quyền dù biết rằng chàng trai này là người đã có vợ. Như Ngọc vừa xinh đẹp tài giỏi, lại là con gái của vị hào trưởng danh tiếng vang dội nên tuy lấy Ngô Quyền trước nhưng người vợ đầu đã nhường lại ngôi vợ cả chính thất cho Dương thị. Em cũng đã xem rất nhiều phim lịch sử, về sự ganh ghét, đố kỵ nhau nơi chốn hậu cung để tranh giành sự sủng ái của vua. Nhưng lạ thay điều đó lại không xuất hiện ở đây, có phải chăng vì cách cư xử khôn khéo nên mối quan hệ giữa hai người vợ cũng trở nên thân thiết, tốt đẹp hơn.

(Nguồn: baotanglichsu.vn)

Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 mở ra một thời kỳ độc lập tự cường của dân tộc. Trong khi chống quân xâm lược Nam Hán, Dương hậu đã giúp chồng thành lập đội Nương tử quân và tận tụy huy động lực lượng phụ nữ dốc tâm lực cứu nước. Khi Ngô Quyền lên ngôi vua, Dương thị được phong làm Hoàng hậu – vị Hoàng hậu đầu tiên của nước Việt độc lập, tự chủ. Một người con gái tài sắc vẹn toàn như vậy thì xứng đáng được hưởng những điều đó. Là người con Họ Dương, đặc biệt là người con gái của dòng họ, bản thân em thật sự cảm thấy tự hào khi mình cũng là con cháu của vị Hoàng hậu đáng kính này. Để em có thể tự hào nói rằng người phụ nữ họ Dương là người Hoàng hậu đầu tiên của nước Việt độc lập, tự chủ.

Khi Ngô Quyền mất, tiếc thay người nối ngôi ông không phải một trong ba người con của bà là Xương Văn, Nam Hưng và Càn Hưng mà là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và cũng chính vì điều đó Dương hậu không được tấn phong làm Thái hậu, càng không thể can dự vào việc triều chính. Nhưng Ngô Quyền đã ủy thác cho Dương Tam Kha – em trai của Dương hậu nhấp chính có quyền tham gia vào việc chính sự. Sau đó không lâu, Dương Tam Kha cướp ngôi, tự mình làm vua vì căn bản Dương Tam Kha nghĩ rằng cơ đồ này do Họ Dương tạo ra, họ Ngô chỉ thừa nước đục thả câu. Đất nước vốn dĩ chưa ổn định nay còn thêm sự kiện này chắc chắn sẽ càng rối ren hơn, nhiều người cho rằng lúc này Dương hậu phải là người sáng dạ, đứng ra ngăn cản vì bà là người có mối quan hệ mật thiết giữa hai họ. Nhưng không, bà đã chọn cách im lặng, bà chọn đứng ngoài, làm ngơ như chưa có chuyện gì xảy ra. Cũng có một sự kiện đáng nói là Dương Tam Kha đã chọn Ngô Xương Văn, con trai thứ hai của Ngô Quyền làm con nuôi. Vào năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh loạn hai thôn Đường, Nguyễn. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Trong lúc này, Dương Thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua, là Thiên Sách Vương năm 951, lúc đó tồn tại hai vua là Nam Tấn Vương (Ngô Xương Văn) và Thiên Sách Vương (Ngô Xương Ngập). Sau đó, Ngô Xương Ngập chuyên quyền, không cho Ngô Xương Văn tham gia chính sự, mà nghĩ cũng đúng thôi ai đời một rừng lại có 2 hổ, một nước lại có 2 vua. Sau đó, Ngô Xương Ngập lâm bệnh chết, Ngô Xương Văn làm vua một mình. Qua những biến cố đó, Dương hậu hầu như không tham gia bất cứ việc hệ trọng nào trong triều nữa. Nhiều người cứ trách bà là người vô tâm, giá như lúc đó bà hành động theo hướng khác thì có lẽ mọi chuyện đã không tệ hại như vậy, đã không có loạn 12 sứ quân, không có Thăng Long, không có Lý phế hậu… Nhưng tại sao mọi người không nghĩ rằng, một gánh nặng lịch sử to lớn như vậy lại đặt trên vai của một người phụ nữ, một con người nhỏ bé như thế được. Tại sao mọi người không nghĩ rằng nếu không có loạn 12 sứ quân thì làm gì có Đinh Bộ Lĩnh, làm gì có kinh đô ở Hoa Lư… Tại sao không nghĩ đến công lao của bà khi đã giúp cha đi kết bạn với các anh hùng hào kiệt để đánh giặc, tại sao không nghĩ đến khi bà đã lập ra Nương tử quân và huy động lực lượng giúp chồng chống lại quân Nam Hán. Thế nên đừng đặt ra hay nói hai từ “giá như”, vì cái gì qua thì cũng qua rồi, nếu có thể hãy làm cho hiện tại tốt đẹp hơn chứ đừng chăm chăm vào quá khứ, nếu không có quá khứ thì có lẽ hiện tại của chúng ta bây giờ đã thay đổi rất nhiều.

Qua những việc mà Dương hậu đã làm, đã cống hiến dù ít dù nhiều thì em vẫn cảm thấy thật sự tự hào vì là con cháu của Họ Dương, là con cháu của Dương hậu, để có thể tự hào rằng Hoàng hậu đầu tiên của nước Việt độc lập, tự chủ là người con gái Họ Dương. Dương hậu luôn là tấm gương cho em học hỏi, một người vừa giỏi giang, đoan trang, vừa tinh thông côn quyền võ nghệ, đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp cha và chồng đánh thắng quân xâm lược. Để em có thể khẳng định rằng, ở thời hiện đại hay quá khứ thì con gái không chỉ an phận lo cho gia đình, không chỉ cứ mãi ở trong một gốc bếp mà còn có thể đương đầu với bất kỳ khó khăn nào, để trở thành những người phụ nữ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Cũng bởi lẽ đó mà trong Dòng tộc Họ Dương có rất nhiều người anh hùng, nhiều vị tướng tài ba đã có công lớn cho đất nước nhưng em vẫn cảm thấy ấn tượng nhất với bà – bà Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc.

Ngày hôm nay, khi đứng trên bục Tốt nghiệp Đại học, em luôn thầm cảm ơn vì là một phần của đại gia đình Họ Dương, thầm biết ơn dòng họ đã luôn luôn chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài, luôn quan tâm đến đời sống của người dân Họ Dương, đến những người cao tuổi trong dòng tộc… Cảm ơn vì tất cả, cảm ơn vì Họ Dương đã là một phần trong thanh xuân trong em!

Dương Thị Khánh Quỳnh 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com