Bí quyết phòng tránh biến chứng bệnh tiểu đường
- 04/11/2015
- Ban Thông tin truyền thông
- 1059
Thời gian dài không đi khám chữa bệnh, họ bàng hoàng phát hiện ra mắc tiểu đường ở mức độ nặng, và có những trường hợp gặp phải biến chứng nguy hiểm như mù mắt, liệt chi…
Tiểu đường nguy hiểm bởi các biến chứng của bệnh gây ra. Vậy làm thế nào để hạn chế các biến chứng do tiểu đường, có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này?
Tập thể dục
Chọn môn thể thao mà bạn yêu thích – có thể là đi bộ, khiêu vũ, đi xe đạp, hay chỉ là tập những động tác vận động tại chỗ … Hãy làm bất cứ điều gì để cơ thể được vận động nửa giờ mỗi ngày.
Tập thể dục giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, giảm cholesterol, duy trì cân nặng, phòng tránh béo phì. Ngoài ra tập thể dục còn làm giảm căng thẳng và giúp hỗ trợ người bệnh tiểu đường.
Kiểm tra đường huyết hàng ngày
Kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày là cách hữu hiệu giúp người bệnh tránh được các biến chứng bệnh tiểu đường như đau dây thần kinh, tim mạch, bệnh về mắt, thận….
Kiểm tra đường huyết còn giúp người bệnh biết mức độ đường trong máu của mình để từ đó có chế độ ăn uống, vận động hợp lý và theo dõi liệu trình điều trị bệnh của mình có hiệu quả hay không. Bác sĩ có thể giúp bạn thiết lập một mức glucose mục tiêu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh của mỗi người.
Nói không với muối
Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống hàng ngày giúp cho con người hạ huyết áp và bảo vệ thận – cơ quan vốn đã chịu nhiều áp lực với căn bệnh tiểu đường. Những thực phẩm đã chế biến, hay thực phẩm đóng gói thường có hàm lượng muối rất cao, cần tránh ăn các loại này. Thay vào đó hãy ăn và sử dụng các nguyên liệu tươi, dùng các loại thảo mộc.
Người từ 51 tuổi trở lên, người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, hoặc mắc bệnh thận mạn tính nên nói chuyện với bác sĩ về lượng muối (natri) được ăn mỗi ngày. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, những người bị bệnh tiểu đường nên giảm xuống dưới 6g mỗi ngày- tầm 1 muỗng cà phê, tuy nhiên bác sĩ có thể khuyên bạn nên ăn lượng thấp hơn.
Nguy cơ biến chứng tim mạch với tiểu đường
Bệnh tim là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tiểu đường. Để phòng tránh mắc các biến chứng này bạn hãy kiểm tra định kỳ các chỉ số A1C, đây là biện pháp nhằm kiểm soát đường máu trung bình trong 2-3 tháng qua. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm tra hai hoặc nhiều lần trong một năm.
Kiểm tra trị số huyết áp, đảm bảo huyết áp mục tiêu dưới 140/80mm Hg. Kiểm tra mức độ cholesterol trong máu để tìm nguy cơ mắc bệnh tim mạch…
Lựa chọn những sản phẩm tốt cho sức khỏe
Người bệnh cần tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, theo bệnh trạng của mình. Một số những loại siêu thực phẩm rất tốt cho người tiểu đường như: dâu tây, khoai lang, cá có axit béo omega-3, rau màu xanh đậm. Dùng dầu oliu thay cho các loại dầu khác.