CÂU CHUYỆN LIÊN KẾT VÀ HỘI NHẬP

             Ghi chép của Dương Hoàng

Bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay trong xanh vời vợi. Thi thoảng có những vạt mây trắng muốt mỏng tang như dải lụa bay từ Đông sang Tây. Sân Golf Tân Sơn Nhất thật trong mát dễ chịu. Thời tiết mấy hôm nay dường như cũng chiều lòng người đang tham dự Ngày hội Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương Việt Nam.

Trong khuôn khổ ngày hội lớn mang nhiều ý nghĩa thực tiễn của Dòng họ, tôi vinh dự được tham gia buổi tọa đàm Liên kết và hội nhập. Lúc đăng ký tham dự tọa đàm này, lúc đầu tôi nghĩ, mình như là kẻ “ngoại đạo” nên ghé vào nghe các nhà doanh nghiệp nổi tiếng bàn luận ra làm sao. Nhưng khi bước vào hội trường làm tôi rất ấn tượng vì thấy rất nhiều khách tham dự và sân khâu được trang trí rất đẹp mắt, hoành tráng. Đặc biệt, trên sân khấu xuất hiện các diễn giả là những doanh nhân thành đạt như ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank; ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank; ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty T&T 159 Hòa Bình. Nghe giới thiệu qua các kênh thông tin của Hội đồng Họ Dương Việt Nam và hôm nay được tận mắt trông thấy các ông Đặng Văn Thành và Hà Văn Thắm thì tôi thật sự bị thu hút về câu chuyện liên kết và hội nhập. Qua cuộc toà đàm này, tôi hy vọng sẽ thấy rõ hơn vị trí, vai trò của các doanh nhân thành đạt. Họ không những là người chỉ huy, điều hành tài ba trên thương trường từng được ví như chiến trường không tiếng súng mà còn mang tâm hồn nghệ thuật nữa. Đó là nghệ thuật kinh doanh, nghệ thuật làm giàu chính đáng nên rất được trân trọng và tôn vinh trong công cuộc dựng xây đất nước hôm nay.

Với dòng suy nghĩ có phần hơi miên man đó tôi chợt bị hút vào chia sẻ của ông Đặng Văn Thành: Doanh nhân có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, đây là cơ hội tốt để chuyển dịch kinh tế. Thế giới hiện thời có những thay đổi rất lớn, nhất là cuộc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu đang diễn ra quyết liệt. Cuộc chiến thương mại đó đang tạo ra cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng cho các thị trường màu mỡ, rộng lớn của thế giới. Với chia sẻ này thì tôi đã nghe đâu đó về tác động toàn cầu của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra hiện nay; nó không chỉ tạo ra thách thức lớn mà còn có cả những cơ hội không nhỏ trong trao đổi hàng hóa và liên kết kinh doanh.

Các doanh nhân chia sẻ câu chuyện Liên kết và Hội nhập tại Lễ khai mạc Ngày hội Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương Việt Nam năm 2019

Hội trường bỗng lắng xuống khi ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank đứng lên phát biểu. Tôi và có lẽ nhiều người nữa rất háo hức, hồi hộp chờ đợi lời chia sẻ của ông. Không phải để mọi người chờ lâu, ông Dương Công Minh nhìn xuống khán giả, gật đầu và nở nụ cười rất tươi chào tất cả mọi người. Tôi cảm nhận được sự đôn hậu, thân tình, gần gũi và giản di từ những cử chỉ và lời nói của ông: Con người ta làm gì cũng cần 3 cái thuận. Đó là thuận trời, thuận đất, thuận lòng người. Kinh nghiệm cho tôi thấy, nếu có đủ 3 cái thuận này thì mọi việc sẽ thành công. Trong đó thuận lòng người chính là sự liên kết về ý chí, là tấm lòng quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau để từ đó có sự liên kết và phát triển. Thuận người là giữa các bên cần nhau, đồng lòng và tất yếu phải liên kết với nhau để cùng phát triển. Bởi vì, lòng người là cái chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề. Nói đến đây, ông Dương Công Minh nhìn sang ông Đặng Văn Thành, sôi nổi: Để chứng minh cho quan điểm này, tôi nêu ví dụ. Khi được Chính phủ giao cho tôi nhiệm vụ tái cấu trúc Ngân hàng Sacombank, tôi phải đến gặp ông Đặng Văn Thành. Ông Đặng Văn Thành là doanh nhân thành đạt, đã từng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank. Cho nên việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ do Chính phủ giao là tôi đến gặp ông Dương Văn Thành để chia sẻ về ý tưởng tái cấu trúc Ngân hàng Sacombank. Khi nghe tôi trình bày, ông Đặng Văn Thành rất ủng hộ. Tôi coi đó là sự đồng thuận nên bắt tay vào tái cấu trúc Ngân hàng Sacombank và như mọi người biết đấy, đến bây giờ đã có bước phát triển đúng định hướng tái cấu trúc. Nghe ông Dương Công Minh nói vậy ông Đặng Văn Thành cười rất vui và hội trường vang lên tràng pháo tay hoan hô giòn giã.

Tiếp nối chương trình, ông Hà Văn Thắng hào hứng góp lời và tôi nghĩ, đây chính là những điều được rút ra từ trải nghiệm cuộc sống của ông: Nếu sống bằng tâm với khát vọng vươn lên và cống hiến của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp những phước lành. Mỗi con người sinh ra đều có một sứ mệnh của mình, do đó chúng ta phải nhận ra và cống hiến cho sứ mệnh ấy.

Đến đây, tôi cảm thấy bị thu hút khi nghe ông Đặng Văn Thành nêu 5 giá trị cốt lõi trong kinh doanh không thể bỏ qua hoặc xem nhẹ của các doanh nhân. Ông nói: Thứ nhất, đó là giá trị gia tăng cho xã hội, nghĩa là tạo ra những sản phẩm hàng hóa mà thị trường đang cần. Thứ hai là tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng, sản phẩm làm ra phải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá thành phù hợp. Thứ ba là giá trị gia tăng cho cán bộ, công nhân viên, đó là đảm bảo môi trường làm việc, thu nhập và chăm lo đời sống cho người lao động. Thứ tư là tạo ra giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư thông qua giá trị cổ tức, trái tức. Thứ năm là nộp ngân sách Nhà nước.

Phát biểu của ông Đặng Văn Thành được nhiều người gật đầu đồng tình. Ông Dương Công Minh tiếp lời khẳng định: Theo tôi, 5 giá trị cốt lõi mà ông Đặng Văn Thành vừa nêu rất quan trọng và chúng tôi coi đó là 5 tiêu chí để đánh giá chất lượng liên kết và hội nhập của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào thực hiện tốt 5 tiêu chí này – ông Đặng Văn Thành gọi là giá trị cốt lõi – thì doanh nghiệp đó sẽ vững vàng, tự tin bước vào hội nhập. Nếu không thực hiện 5 tiêu chí này kết quả sẽ ngược lại.

Ông Đặng Văn Thành như bắt được thêm mạch chuyện khác từ khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam, cười nói: “Chúng ta đã bước vào nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đó là tất yếu khách quan. Cho nên để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải liên kết với nhau. Liên kết là câu chuyện dường như nhiều người quan niệm là cũ nhưng đã bước vào thương trường thì doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển không thể thiếu sự liên kết, nhất là đối với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn.

Ông Dương Công Minh tiếp tục chia sẻ về liên kết chuỗi – kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Giọng ông thêm hào hứng: Theo hướng này, các phế phẩm, phụ phẩm của khâu này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của khâu sau. Ông giới thiệu chuỗi bò thịt – một hình thức kinh tế tuần hoàn được Hội đồng Họ Dương Việt Nam lựa chọn để giúp bà con Họ Dương thoát nghèo. Khi thực hiện chuỗi liên kết này, giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ được nâng lên bởi mọi thứ đều thu được lợi ích, không có gì bị bỏ phí. Nhưng điều lắng đọng trong tôi, qua chia sẻ của ông Dương Công Minh, lúc nào và ở đâu, từ lời nói, việc làm, ông luôn dành tình cảm của mình cho bà con đang gặp khó khăn. Càng nghe ông Dương Công Minh nói và làm, càng thấy trái tim ông thật nhân hậu, ấm áp, sẻ chia biết nhường nào.

Đến đây tôi mới vỡ lẽ, các nhà doanh nhân thành đạt phải có tầm nhìn xa, vừa xuất phát từ thực tiễn Việt Nam vừa biết tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Tôi đang suy nghĩ theo logic này thì được nghe ông Hà Văn Thắng bổ sung vào ý kiến của ông Dương Công Minh: Thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là thể hiện trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp. Đó chính là bài toán chia sẻ lợi ích và việc tìm được lời giải cho bài toán này chính là cơ sở để bước vào liên kết để cùng nhau phát triển. Khi doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chính là đã tìm ra lời giải cho bài toán chia sẻ lợi ích với bà con nông dân.

Đến lúc này tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi những ý kiến tuyệt vời của các diễn giả. Liên kết, như ông Đặng Văn Thành khẳng định, là con đường đi tắt đón đầu dẫn tới thành công. Doanh nghiệp đứng một mình sẽ mất rất nhiều thời gian, đi quãng đường rất xa để đạt được mục tiêu đề ra. Chỉ khi các doanh nghiệp bắt tay với nhau thì con đường đi đến thành công sẽ rút ngắn hơn rất nhiều bởi khi ấy mỗi doanh nghiệp phát huy tốt hơn vai trò của mình cũng như vai trò hỗ trợ nhau. Cũng như kết thúc buổi tọa đàm, ông Dương Công Minh khẳng định: Vấn đề quyết định sự thành công của doanh nghiệp là phải có chữ Thuận: Thuận trời, thuận đất và thuận người. Khi hai bên cần nhau sẽ tìm được đến nhau để cùng chia sẻ, cùng đồng lòng giải quyết mọi vấn đề. Vấn đề liên kết đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Đó chính là chìa khóa để thành công.

Đúng là:

Thuận trời đất, thuận lòng người

Cùng nhau liên kết, cùng thời thành công

Góp tay xây dựng non sông

Họ Dương gắn bó như trong một nhà

Càng hoà thuận, càng tiến xa

Bên nhau cùng hát bài ca Kết đoàn!

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com