CÂU CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG – số 01: Tiến sĩ Dương Tuấn Hưng: Hành trình “Dám bỏ” đi theo đam mê nghiên cứu
- 07/09/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 411
Từng được biết tới anh trong chương trình “Cất cánh” do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, hồi tháng 5/2019, sau đó kết nối anh tham gia công tác Dòng tộc với những vai trò: Cố vấn cho Cuộc thi tài năng “Những ngôi sao nhỏ Họ Dương” 2020 – 2021 và là chuyên gia, diễn giả chia sẻ trong góc Khoa học – Công nghệ – Giáo dục tại Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam 2023 tại TP.Bắc Ninh. Khi lắng nghe những chia sẻ của anh thì càng khâm phục và tôn trọng anh hơn – một người nhiệt huyết, đam mê và yêu nghiên cứu khoa học, đặc biệt là STEM, một cách vô điều kiện. Được biết tháng 10 tới sẽ diễn ra Ngày hội STEM quốc gia 2023 và anh hiện đang là người đóng vai trò quan trọng – Phó Ban tổ chức. Anh chính là Tiến sĩ Dương Tuấn Hưng, nhà khoa học sinh năm 1982, sinh ra và lớn lên ở Đông Anh, Hà Nội.
Cùng khám phá Hành trình dám bỏ một công việc nhìn thấy với lương rất cao đi theo đam mê cùng mức lương chỉ bằng 1/5 của tiến sĩ Dương Tuấn Hưng qua những nội dung tổng hợp dưới đây để mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn thanh niên Họ Dương Việt Nam có thêm những góc nhìn để dấn thân trong những quyết định theo đuổi đam mê của mình.
…Năm 2004, khi đang theo học năm cuối Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, anh may mắn giành học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam để làm nghiên cứu sinh tại Đại học Illinois, Urbana, Champaign, bang Illinois, Mỹ. Năm năm sau, anh trở về Việt Nam với tấm bằng tiến sĩ khi mới 27 tuổi, chuyên môn chủ yếu là hóa học phân tích, vật lý chất rắn và công nghệ nano. Tiến sĩ trẻ được nhận vào công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Năm 2011, anh rời Viện để nhận vị trí trợ lý tổng giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị công nghệ xây dựng ở TPHCM.
Mặc dù có thu nhập cao nhưng anh luôn băn khoăn, tự thấy mình không hợp với công việc kinh doanh và nghĩ nhiều về chặng đường học tập trước đó. Năm 2012 anh quyết định quay về Viện Hóa làm nghiên cứu.
Tháng 6/2014, anh cùng với cộng sự của mình đã hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến một nửa thời gian với đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quy trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên”. Từ nguồn nguyên liệu bùn đỏ do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cung cấp, nhóm nghiên cứu đã cùng với Nhà máy thép Thái Hưng thuộc Công ty cổ phần BCH (Hải Dương) sản xuất thử nghiệm thành công trên quy mô công nghiệp một số sản phẩm. Đó là thép mác CT5 (hơn 60 tấn so với kế hoạch ban đầu 30 tấn), sắt xốp (20 tấn), tinh quặng sắt (hơn 100 tấn, đã sử dụng 90 tấn để sản xuất sắt xốp), gạch không nung (3.000 viên, cao hơn dự kiến là 1.000 viên).
Tháng 12/2014, nhóm nghiên cứu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp bằng Độc quyền sáng chế. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, nhóm đã chuyển giao cho Công ty BCH lập dự án khả thi để sản xuất trên quy mô lớn.
Tại chương trình “Cất Cánh” (tháng 5/2019), khi được khán giả đưa ý kiến “Anh Hưng ơi, sao anh mạo hiểm thế. Sao anh dám từ bỏ khoa học rồi làm kinh doanh, rồi lại về làm khoa học. Con đường gập ghềnh thế sao anh vẫn đi. Anh khiến tôi nể phục và dám dấn thân hơn!”. Một khán giả khác đặt câu hỏi “STEM là một con đường mới trong giáo dục. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học rất tốn tiền, trẻ con nông thôn, miền núi có học STEM được không?”.
Anh Hưng đã trả lời rất thuyết phục rằng, việc triển khai STEM ở Việt Nam hoàn toàn không tốn kém như mọi người nghĩ. Các anh chị cộng sự với TS.Hưng đã đưa ra một mô hình theo thế kiềng ba chân gồm: thứ nhất, STEM và các môn học trong sách giáo khoa tức là tận dụng nội lực và sức sáng tạo, kiến thức của nền giáo dục phổ thông; thứ hai, STEM và Tái chế tức là sử dụng các nguyên vật liệu tái chế để làm các mô hình nghiên cứu cho các em. Thực tế, chính các học sinh nông thôn miền núi lại có nhiều điều kiện gắn kết với thiên nhiên để học STEM hơn các em thành phố rất nhiều. Thứ ba, STEM gắn liền với chế tạo rô-bốt như các cá nhân tổ chức đang áp dụng với chi phí rất rẻ mặc dù vẫn sử dụng mã nguồn mở để tiếp cận công nghệ 4.0. STEM sẽ giúp các em học sinh có tư duy, tự tin và không cảm thấy sợ hãi khi đối đầu với những thử thách để tạo ra những công cụ, công trình phục vụ cho đời sống con người.
Hiện tại, TS.Dương Tuấn Hưng đang là Trưởng phòng Hóa môi trường, Viện Hóa học, đồng thời là giảng viên của Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Nghiên cứu của TS.Hưng tập trung vào các lĩnh vực hóa học phân tích, hóa học môi trường, năng lượng tái tạo, xúc tác điện hoá, xử lý nước và ô nhiễm không khí. Trong quá trình công tác và giảng dạy, anh đã giành được một số giải thưởng và được vinh danh trên nhiều bài báo, có nhiều công trình công bố, bằng độc quyền sáng chế trên các tạp chí khoa học uy tín. Đặc biệt, TS.Hưng được vinh danh là một trong những “Nhà khoa học trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2015” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức và gặp mặt Thủ tướng Chính phủ. TS.Hưng đã tham gia và chủ trì nhiều dự án khoa học cấp quốc gia, cấp Viện Hàn lâm trong các lĩnh vực xử lý môi trường, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ.
TS.Hưng là một huấn luyện viên không ngừng nỗ lực đưa đội tuyển quốc gia Việt Nam tham gia tranh tài tại Cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel (Intel ISEF), một cuộc thi STEM nổi tiếng dành cho học sinh dự phổ thông trên thế giới, giúp đội tuyển Việt Nam giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó đáng chú ý là giải nhất năm 2012. Anh cũng là thành viên tích cực của Liên minh STEM Việt Nam, tham gia đào tạo và tập huấn cho hàng ngàn giáo viên và học sinh phổ thông trên cả nước.
T.SHưng là thành viên ban giám khảo của cuộc thi khoa khọc ASEAN+3 Junior Science Odyssey với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống” tại Hà Nội vào tháng 7/2017. Anh cũng là cố vấn cho một đội thắng cuộc và giảng dạy chủ đề “Lãnh đạo STEM” tại Hội thảo giáo dục khu vực YSEALI STEM tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 3/2018. TS.Hưng là chủ nhiệm một dự án được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ để xây dựng mô hình giáo dục STEM cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại tỉnh Lào Cai. Anh hiện tại đang tham gia thành viên Ban điều hành “Dự án Giáo dục STEM cho trẻ em dễ bị tổn thương”.
Điều cảm động nhất mà anh Hưng chia sẻ đó là: “Trở về Việt Nam sau khi học xong với tôi là điều đúng đắn. Tôi được thử nghiệm nhiều điều mới và cảm thấy những đóng góp của mình có giá trị cho đất nước. Bên cạnh đó, tôi cũng có điều kiện để thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa khác”.
Đọc đến đây, chắc hẳn trong mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ thanh niên Họ Dương Việt Nam đã có đôi điều suy nghĩ về hai từ “đam mê” đúng không? “Đam mê tái tạo thế giới cho tuổi trẻ. Nó khiến mọi thứ trở nên sống động và đáng kể” – Nếu bạn đã tìm thấy, nhận ra được chính xác đam mê của mình là gì thì hãy kiên trì, kiến tạo đam mê đó từ những công việc nhỏ xung quanh đam mê đó mỗi ngày bằng niềm hăng say và tích cực, chắc chắn bạn sẽ có một câu chuyện riêng sống động để sau này nhìn lại, đáng tự hào về đam mê của mình.
Dương Tử Quỳnh – Dương Tuấn Hưng