Chân dung bất tử của những anh hùng liệt sĩ thiếu niên người Họ Dương
- 22/10/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 8358
Trong 2 cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, có rất nhiều thiếu niên là người Họ Dương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhờ những chiến công phi thường.
Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Mạnh
Anh hùng Dương Văn Mạnh (1930 – 1944) là người dân tộc Kinh, quê ở ấp Tây, xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đầu năm 1944, anh theo anh trai lên Sài Gòn học, được giác ngộ và tham gia hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên và làm liên lạc cho một tổ chức bí mật từ Sài Gòn về Bà Rịa.
Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào học sinh, sinh viên, Dương Văn Mạnh trở về quê tiếp tục hoạt động làm liên lạc cho đội đu kích xã Long Phước. Một lần sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển công văn trở về, Dương Văn Mạnh lọt vào ổ phục kích của hai trung đội lính lê dương. Chúng bắt Dương Văn Mạnh, dụ dỗ anh khai ra tổ chức bí mật.
Dương Văn Mạnh một mực không khai. Sau 5 ngày tra tấn đánh đập dã man, biết không thể khai thác gì hơn ở Dương Văn Mạnh, bọn địch đem anh đi trói anh vào gốc cây để bắn nhằm uy hiếp phong trào cách mạng.
Trước khi bị bắn, Dương Văn Mạnh đã hô vang ”Giặc Pháp là quân xâm lược, lũ cướp nước”. Anh hy sinh ở tuổi 16.
Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội
Anh hùng Dương Văn Nội (1932 – 1947) là người dân tộc Kinh, quê ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Anh được giác ngộ sau khi theo bố mẹ lên Hà Nội tìm và tham gia cách mạng, làm đội viên đội giao thông liên lạc khu – Thăng Long, Hà Nội.
Tháng 3/1947, đơn vị của anh được giao nhiệm vụ chốt tại khu vực chợ Giang Xá, cách Hà Nội 16km để ngăn chặn quân Pháp lấn chiếm ra vùng tự do. Sáng 2/4/1947, Dương Văn Nội cùng các chiến sĩ trong trung đội phục kích đoàn xe chở quân của địch trên đê sông Đáy thuộc địa phận xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
Cuộc chiến diễn ra quyết liệt. Đơn vị của Dương Văn Nội đã phá hủy một số xe vận tải quân sự, tiêu diệt 50 tên địch, giải thoát được gần 100 đồng bào bị địch bắt và lấy lại được một số tài sản cho nhân dân, riêng anh diệt được 3 tên địch. Song do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, quân Pháp tràn lên đánh trả dữ dội. Anh hùng Dương Văn Nội đã bị địch bao vây, nhưng không đầu hàng mà chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh khi mới 15 tuổi.
Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Dương Văn Nội tại Hà Nam
Xúc động trước tấm gương hy sinh quả cảm của người thiếu niên trẻ tuổi, nhạc sỹ Phong Nhã (tác giả của Đội ca Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh sau này), cũng là một người con của Hà Nam, lúc đó là một trong số những anh phụ trách đầu tiên góp công rèn luyện nên người thiếu niên anh hùng đã viết nên ca khúc từ tấm gương thiếu niên dũng cảm hy sinh: “Anh Dương Văn Nội/Mười lăm xuân xanh/Mà từng chiến đấu/Xông pha tung hoành…”. Bài hát đã làm xao xuyến bao trái tim tuổi thơ thời đó. Chuyện kể rằng chỉ ít lâu sau khi Dương Văn Nội hy sinh, vì cảm phục người bạn thiếu niên anh dũng khi nghe qua bài hát mà một em bé người Hà Nội đã tìm đến xin gia nhập vào Đại đội tự vệ Thăng Long, tình nguyện cầm súng chiến đấu bảo vệ thủ đô.
Năm 1997, sau 50 năm anh hy sinh, Dương Văn Nội đã được nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với các thiếu niên quả cảm khác như Kim Đồng, Phạm Ngọc Đa. Gương sáng Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội cũng có mặt trong tủ sách “Gương thiếu niên anh hùng” của Nhà xuất bản Kim Đồng dưới ngòi bút khắc hoạ sinh động của nhà văn Lê Vân (đã được tái bản lần thứ 6).
Dương Loan tổng hợp