Chân dung một nhà văn Họ Dương: Dương Thiên Lý – Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước

     Nhà văn DƯƠNG THIÊN LÝ – Sinh năm 1960 tại Quảng Bình, Chị tốt nghiệp  Khoa Ngữ Văn, Đại học Huế, là giáo viên Văn song vốn là người đam mê sáng tác văn chương và mong muốn trở thành một người viết chuyên nghiệp. Chính vì vậy chị đã tích cực tham các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ của TT bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du  do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chị người sáng lập CLB Thơ ca đầu tiên của tỉnh Bình Phước.

Với lòng say mê sáng tác chị là chủ biên: 40 đầu sách cho hội viên trong và ngoài tỉnh; Riêng bản thân chị đã có Những tác phẩm đoạt giải:

Hương xuân Bình Phước (Thơ) Huy chương Bạc, năm 2007

– Người về phố núi (Thơ) Huy chương Đồng, năm 2008, Huy chương Bạc (ngâm  thơ), giáo dục tỉnh Bình Phước, năm 2008

– Giải đặc cách thơ tứ tuyệt do Hội thơ UNESCO tổ chức năm 2009.

– Giải khuyết khích truyện ngắn tỉnh Bình Phước năm 2010.

– Giải B, thể loại ký, Tập đoàn nghành Cao su Việt Nam tổ chức, 2013.

Tác phẩm đã in

Thơ in riêng:

1- Từ miền cây lá (Thơ) NXB Thanh niên, Tp. HCM, 2004

2- Tình đất tình người (Thơ) NXB TP.HCM, 2004

3- Những kỷ niệm không quên (Thơ), NXB Văn nghệ TP. HCM, 2002

4- Người phố núi (Thơ), NXB Văn nghệ TP. HCM, 2004

5- Bồng bế nỗi buồn (Thơ), NXB Hội nhà văn, 2007

6- Đất trời trở dạ (Thơ), NXB Hội nhà văn 2008

7- Cô giáo và nụ hoa (Truyện ký) 2009

8- Nước mắt đắng (Tiểu thuyết), NXB Hội nhà văn, 2011

9- Tình trong giọt mưa (Truyện ký), NXB Hội nhà văn 2012

10- Chiều Vụn (Tiểu thuyết), NXB Hội nhà văn 2013

11- Điếu Ông Huyền thoại một anh hùng (Tiểu thuyết) NXB TTTT, 2015

Sẽ in

1- Đất mạ anh hùng (Tiểu thuyết, tập 2)

2- Đắng đót một kiếp người (Tiểu thuyết).

 

Giảng viên khóa học –  nhà phê bình Bùi Việt Thắng có bài viết về cuốn tiểu thuyết như một lời chúc mừng đến chị Dương Thiên Lý.

“Nước mắt đắng” và câu chuyện về kiếp người.

        Đầu năm 2013, khoa Viết văn – Báo chí (ĐHVH) phối hợp cùng Công ty Truyền thông Hà Thế đã tổ chức thành công khóa học ngắn hạn “Sáng tác và thẩm bình văn chương – KII”. Lớp học có 30 học viên, đến từ nhiều vùng quê cũng như nghề nghiệp công việc khác nhau. Nhưng họ có chung đam mê là sáng tác văn chương và mong muốn trở thành một người viết, người đọc chuyên nghiệp. Trong số những học viên đó, đã có người có tác phẩm đăng rải rác trên báo/tạp chí hoặc in thành sách. Dương Thiên Lý là một học viên như vậy. Cuối năm 2012, chị đã xuất bản tiểu thuyết “Nước mắt đắng”.

      Đọc tiểu thuyết Nước mắt đắng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012) của Dương Thiên Lý tự nhiên tôi nhớ đến câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du “Đời là bể khổ tình là dây oan”. Người ta nói con người có “số” sướng, khổ – phải chăng đấy là số phận có tính chất tiền định, truyền kiếp?! Nhưng số phận lại phụ thuộc vào tính cách, còn tính cách lại do hoàn cảnh quy định. Nói cho cùng nó là một vòng luân hồi, giống như lời hát trong bài Cuộc đời là một vòng quay (Life is  a roller  coaster) mà ca sĩ lừng danh một thời Ronan Keating thường hát (chi tiết này được đưa vào truyện ngắn Ronan Keating của Lê Minh Khuê).

      Nước mắt đắng, theo cảm nhận của tôi và nhiều bạn đọc khác, là một tiểu thuyết có yếu tố tự truyện vốn gần đây xuất hiện khá nhiều trên văn đàn Việt Nam như Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu, Chuyện kể năm 2000 (2000) của Bùi Ngọc Tấn, Thượng Đế thì cười (2003) của Nguyễn Khải, Gia đình bé mọn (2005) của Dạ Ngân, Một mình một ngựa (2010) của Ma Văn Kháng…Dương Thiên Lý là một cây bút khá đặc biệt bởi chị chưa tự dám nhận mình là một nhà văn chuyên nghiệp nhưng là người đam mê văn chương, yêu văn chương đến quặn thắt lòng! Từ Bình Phước xa xôi, không quản gian khổ, chị đã khăn gói ra Hà Nội tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hội NVVN) cũng như Khoa Viết văn – Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) mở đến 7 khóa tất cả (chị nói chân thành: phải học để xóa dốt, để viết văn!). Nước mắt đắng là tiểu thuyết đầu tay của Dương Thiên Lý và theo chỗ tôi biết thì bản thảo hai cuốn tiểu thuyết khác cũng đã “ra tấm ra món”, sẽ ra mắt bạn đọc trong một ngày không xa. Cuộc đời Dương Thiên Lý, theo như tôi biết, đầy sóng gió nan nguy và có thể nói cũng đầy chất tiểu thuyết. Sinh ra, lớn lên và học hành đỗ đạt ở miền Trung nhưng cuộc đời chị lại gắn với miền đất Bình Phước xa xôi. Ở đó chị lập nghiệp, tự xoa dịu những vết thương lòng, khởi sự văn chương và đứng vững giữa cuộc đời không ít chông gai.

       Hải Thanh – nữ nhân vật chính của tiểu thuyết – vốn là một cô gái có nhan sắc, là cô giáo làng kết hôn với Phụ, một nam thanh niên ưu tú, từng là sĩ quan quân đội (sau chuyển sang An ninh). Họ có ba mặt con với nhau (mà toàn là con trai). Những tưởng Ông Trời cho họ một góc bình an hay một “hang ổ hạnh phúc” giản dị. Nhưng không, cuộc đời lại thường bị cái phi lí nó xoay vần, nó làm cho tan rã những mộng ước tương lai. Người chồng do sự cám dỗ của một người phụ nữ khác, đã trở về ruồng rẫy vợ con (thật ra thì anh trả nghĩa người chỉ huy cũ đã lấy mạng cứu sống mình bằng cách lấy con gái ông ta). Thế là “tan đàn sẻ nghé”. Thế là “anh đi đằng anh tôi đằng tôi”. Ngay chương mở đầu tiểu thuyết, cái khốc liệt và dữ dội của số phận Hải Thanh đã được phơi mở bằng bằng cuộc li hôn trước tòa án và một tai nạn giao thông thương tâm đã cướp đi một đứa con trai thương yêu của chị. Đáng lí chị có được cái quyền pháp lí (và cả tình cảm) nuôi dưỡng cả ba đứa con trai rứt ruột đẻ ra, nhưng nay chỉ còn người mẹ và hai đứa con trai bé bỏng rơi vào cảnh ngộ không chốn nương thân. Chị đã dũng cảm dứt áo ra đi, hay nói cách khác là chạy trốn khỏi cái nơi mà nhìn vào đâu cũng chỉ thấy những kỉ niệm u buồn. Sau khi vết thương lòng đã có phần nguôi ngoai, chị kết hôn lần thứ hai với  Tuấn, người đàn ông mà ban đầu chị những tưởng có thể bù đắp phần nào những nỗi đau tinh thần và thể xác của chị và con cái. Nhưng một lần nữa Tạo hóa không công bằng khi người chồng thứ hai rắp tâm làm hại con riêng của vợ và sau đó còn nhẫn tâm đốt nhà để cho mẹ con Hải Thanh rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Hết tai này đến nạn khác, cuộc sống của Hải Thanh luôn luôn bị những người đàn ông tệ bạc quấy rối và mẹ con chị lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Cuộc đời Hải Thanh tưởng chừng như đi vào ngõ cụt nếu không có sự rẽ lối của đứa con trai đầu là Vũ nhập cuộc vào đời với tinh thần lựa chọn và dấn thân dũng cảm. Nhân vật Vũ tạo nên một nhánh truyện khác của tiểu thuyết Nước mắt đắng. Lúc đầu trong vai một đứa ở, cọ xát với đời ở đất Sài Gòn hoa lệ nhưng cũng đầy cạm bẫy, dần dà Vũ trưởng thành. Rồi như là số phận, Vũ gặp lại bố đẻ (ông Phụ) nhưng không biết đấy là người sinh thành ra mình, mà chỉ biết là một người đàn ông tốt bụng hiếm thấy mà em coi như bố nuôi. Rồi như số phận sắp xếp, cả hai bố con cùng tham gia vào một chuyên án phá một tổ chức buôn bán ma túy lớn mà cầm đầu chính là ông bà chủ nơi Vũ làm thuê. Vào giờ phút chót của chuyên án, chính ông Phụ đã lấy thân mình che đạn thù cho đứa con trai yêu quý lâu nay bị bỏ rơi. Ông bị thương nặng, Vũ Thoát chết, chuyên án thành công. Một cái kết có vẻ như rất “có hậu” theo lối truyền thống (như là màn đoàn viên Kim – Kiều trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du). Cảnh cuối tiểu thuyết Nước mắt đắng thấm đượm tinh thần lạc quan, hay gọi nó là một “bi kịch lạc quan” cũng đúng “Cả ba chụm đầu vào nhau, niềm vui và đau thương lẫn lộn…Ngoài kia, tiếng đàn chim bay về tổ ở hàng me trên đường phố. Nó hót cao lanh lảnh, hòa quyện cùng với nắng hoàng hôn. Có vài ánh nắng muộn màng rọi chiếu qua kẽ lá, rơi vãi xuống con đường đầy nắng gió”. Nằm trên giường bệnh, ông Phụ đọc bài thơ Tôi đi tìm lại em, xúc động nghẹn ngào trong đoàn viên.

      Tuy là cuốn tiểu thuyết đầu tay nhưng khi viết Dương Thiên Lý đã có cái tố chất của một người viết chuyên nghiệp như lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến về các học viên lớp Sáng tác và thẩm bình văn chương khóa II (do Khoa Viết văn – Báo chí liên kết với Công ty Hà Thế tổ chức hồi tháng 1 năm 2013 tại Hà Nội). Tôi muốn nói đến chất giọng kể chuyện và một thứ ngôn từ văn chương rất “dân giã” trong tiểu thuyết Nước mắt đắng của Dương Thiên Lý. Câu chuyện đời của Hải Thanh về căn bản được kể lại trong 16 chương tiểu thuyết theo một cấu trúc tuyến tính, mọi sự kiện diễn biến theo trình tự thời gian (tuy nhiên đôi chỗ cũng sử dụng phép “đồng hiện”). Nói chính xác, về hình thức Nước mắt đắng là tiểu thuyết viết theo lối truyền thống nhưng có được sự hấp dẫn bởi sự chân thành và đắng đót của câu chuyện đời của một người phụ nữ vượt lên số phận. Tác giả có cách viết “ướm mình vào nhân vật”, nên gây cảm giác tác phẩm như một tự truyện. Dương Thiên Lý không màu mè, không cố làm dáng trong khi viết, chị như rứt từng khúc ruột mình mà kể lại với độc giả chuyện đời của một người phụ nữ tên Hải Thanh. Nếu nói “văn là người” thì trong trường hợp này rất sáng rõ – độc giả cảm nhận được một lối văn giản dị, chân thành và gây xúc động (tuy nhiên đôi chỗ thô ráp và vụng về, nhưng “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”). Lối “ăn sóng nói gió” ngoài đời khiến ai mới gặp lần đầu cũng nhận thấy niềm lạc quan yêu đời và rất hoạt náo của tác giả, người đã vượt qua cái ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”. Nhưng tiếp xúc nhiều sẽ thấy một nỗi buồn hoang hoải ẩn sâu cả sau nụ cười có vẻ vô tư hồn nhiên của một người yêu đời, ham sống và vui sống. Phủ khắp 250 trang tiểu thuyết Nước mắt đắng là cái giọng kể nhiều khi như nghẹn ngào về số kiếp con người trong sự trớ trêu của Tạo hóa. Riêng tôi vẫn băn khoăn và tìm cách tự giải thích khi đọc xong tiểu thuyết này “vì sao tác giả lại chọn một kết thúc có hậu khi để cho người đàn ông phụ bạc được sống và đoàn viên với vợ con?”. Rồi tự mình tìm câu trả lời: vì tác giả là một phụ nữ, vì tấm lòng khoan dung của người phụ nữ, vì không ai đánh người chạy lại,  và vì rất nhiều lí do khác mà chỉ có người phụ nữ mới hiểu hết được…

      Cái cảm giác ngột ngạt của câu chuyện được tháo gỡ chỉ đến phần kết thúc tiểu thuyết, khi Nàng thơ xuất hiện, khi vợ chồng con cái đoàn viên trong nước mắt, dẫu cho là “nước mắt đắng”. Tôi nghĩ vẫn cứ phải tin vào nước mắt, chí ít trong trường hợp này./.

 

Chị vừa cho ra mắt Tiểu thuyết “Người trên đảo vắng” được lưu chiểu Quý I/2017. Ban biên tập xin trích Lời của tác giả:

Trân trọng viết tặng một Người lính – Người thương binh, quê hương tôi.

Cám ơn nguyên mẫu đã khơi nguồn, dẫn tới Tiểu thuyết mang tên “Người trên đảo vắng” này.

     Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Việt Nam ta đã đi qua 42 năm. Trang sử vàng của đất nước đang bước sang trang mới, nhìn lại quá khứ, nhân dân Việt Nam không ít tự hào với những chiến công chói lọi đánh đổ những đế quốc to dặc biệt là Pháp, Mỹ. Để có được những chiến công đó, không ít những chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống. Trong cuộc chiến đấu đó, có những người chiến sĩ được cận kề bên đồng đội, cùng chiến đấu oanh liệt. Nhưng cũng có những chiến sĩ lẻ loi đơn độc chiến đấu và cũng lẻ loi đơn độc hy sinh. Nhiều người được vinh danh, nhiều người âm thầm lặng lẽ đóng góp phần mình cho đất nước.

     Không thể bỏ quên lịch sử. Các thế hệ sau được quyền phải biết những gì các thế hệ cha anh đổ máu xương như thế nào.

     Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, mặt trận nào cũng ác liệt. Kẻ thù to lớn mọi mặt, súng đạn giết người vô cùng hiện đại. Máy bay, xe tăng thiết giáp hạm đội tàu chiến đông như ong vỡ tổ, đông như cua rạm trên sông trên biển. Còn quân và dân Việt Nam ta tất cả đều nhỏ bé, kể cả vật chất súng đạn lẫn con người. Nhưng người Việt Nam ta có tấm lòng yêu nước thương dân vô cùng to lớn, hiện đại nhất mà cả thế giới không có được….

     Cuốn sách tuy chưa mô tả được hết hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam ta nhưng cũng góp phần nhỏ bé để độc giả có thể hình dung được điều gì đó đã làm nên những chiến công vĩ đại của người lính Cụ Hồ.

     Tác giả Dương Thiên Lý rất mong nhận được ý kiến đóng góp, phê bình của bạn đọc.

 

KÝ ỨC LƯƠNG THIỆN

                                                                            Nhà văn Bùi Việt Thắng 

       Tiếp theo Quảng Ninh đất mạ anh hùng(2016), gối vụ 2017, tác giả Dương Thiên Lý trình làng văn cuốn tiểu thuyết thứ năm của nghiệp viết: Người trên đảo vắng. Mới đọc nhan đề, ai đó có thể lầm tưởng đây là một cuốn tiểu thuyết viết về chuyện đường rừng, chuyện đảo hoang và biết đâu xuất hiện một Rôbinson thời hiện đại. Nhưng riêng tôi thì biết tác giả Dương Thiên Lý không ham viết chuyện trinh thám, chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Chị chỉ chuyên viết về lịch sử, nếu không thì cũng chỉ quan tâm đến chuyện đời tư – thế sự đương đại.
       Người trên đảo vắng là cuốn tiểu thuyết lịch sử – tư liệu. Khẳng định như thế là bởi chất liệu để tác giả tạo nên tác phẩm chính là lịch sử dân tộc, đất nước, quê hương anh hùng. Là những con người có thật đã làm nên lịch sử:

Nước chúng ta

Nước của những người chưa bao khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Đất nước – Nguyễn Đình Thi – 1955-1958

       Vì thế mà đề từ của tác phẩm rất rõ ràng. Trân trọng viết tặng một người lính – người thương binh, quê tôi. Cảm ơn nguyên mẫu đã khơi nguồn, dẫn tới tiểu thuyết mang tên “ Đắng đót một kiếp người”. Đó là nhan đề bản thảo tác phẩm. Một bản thảo kì khu, được sửa chữa tới mười hai lần. Riêng tôi, vì thế đã quen biết và hiểu rõ tác phẩm đến tay độc giả lại mang tên  Người trên đảo vắng. Ở đây không còn là vấn đề chữ, mà là nghĩa. Ở đây vấn đề không chỉ là viết mà là lao động nghệ thuật. Vì thế muôn đời văn chương được coi là nghệ thuật ngôn từ. Nhan đề sau gợi hơn vì chủ đề được ẩn trong hình tượng nhân vật chính.

       Khi tiếp cận một tác phẩm văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết – một thể loại vẫn được xem là “ cỗ máy cái ” trong hệ thống thể loại – độc giả (người đọc thưởng thức cũng như giới phê bình) thường chú ý trước tiên đến cảm hứng sáng tác. Cảm hứng nào thì thành quả ấy. Quan sát thực tiễn văn chương hiện đại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có nhiều kiểu cảm hứng. Những nhà hiện thực chủ nghĩa thì đề cao cảm hứng phơi bày sự thật. Những nhà lãng mạn chủ nghĩa thì thường “ bay lên” khỏi hiện thực. Có một kiểu cảm hứng, chúng tôi gọi là “ đại khí văn chương”. Nghĩa là ngòi bút của nhà văn hướng tới những sự tích kì vĩ, những con người phi thường, những sự kiện trọng đại có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của nhân dân. Nghĩa là những tác phẩm cuối cùng hướng tới những số phận bi hùng. Chúng tôi gọi đó là cảm hứng bi kịch. Kiểu cảm hứng này có tác dụng tích cực thanh lọc tâm hồn con người theo nguyên tắc đã được Aristothe đề ra trong tác phẩm Nghệ thuật thi ca.

       Chín chương và Vĩ thanh tạo nên nội dung của tiểu thuyết Người trên đảo vắng có ưu điểm nổi trội là lịch sử không trở nên khô khan bởi con số, sự kiện. Lịch sử không trở nên khô khan bởi con số, sự kiện. Lịch sử ở đây được nhìn qua lịch sử tâm hồn con người. Tư liệu chan hòa với cảnh và tình của đời sống hiện thực sinh sắc. Điều đó tạo nên sức cuốn hút của một tiểu thuyết ngắn, có độ dồn nén, có sức công phá, để lại nhiều ấn tượng. Riêng tôi thích nhất Người trên đảo vắng, một trong ba số cuốn tiểu thuyết lịch sử  – tư liệu của tác giả Dương Thiên Lý.

          Nhưng nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Bởi vì nhân vật chuyên chở chủ đề  – tư tưởng của tác phẩm. Bởi vì nhân vật thể hiện vốn sống của tác giả. Bởi vì nhân vật làm phát lộ cá tính và phong cách nghệ thuật của chủ thể sáng tác. Vì thế đừng nên so đo rằng trong số các nhân vật mà tác giả Dương Thiên Lý tạo nên trong tiểu thuyết  Người trên đảo vắng ai thật hơn ai? Không nên đặt vấn đề như thế, vì tiểu thuyết luôn luôn là “ một câu chuyện bịa y như thật”. Nghệ thuật viết tiểu thuyết có một yêu cầu hàng đầu là đặt các nhân vật vào những tình huống tiêu biểu, có ý nghĩa điển hình. Thì đây, mở đầu tiểu thuyết  Người trên đảo vắng, Ngao – nhân vật chính – đã rơi vào một tình huống “tréo ngoe”, cười ra nước mắt, rồi vì thế mà mang nỗi “oan thị Kính” cho đến gần hết tác phẩm, chỉ khi được thủ trưởng cũ tìm về quê minh oan. Tiểu thuyết hay phải mở đầu hấp dẫn như thế, vì trong khi đọc cũng như chạy maratong, độc giả phải được “ giữ chân” ngay từ trang đầu. Cuộc đời của Ngao, cũng tựa câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền:

“Trải một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

          Không có một cuộc đời nào bằng phẳng, trơn tru mà lại gợi được cho nhà văn cảm hứng sáng tác. Không có con đường chiến thắng nào chỉ toàn trải hoa hồng chiến thắng. Không có một thành quả nào dễ dàng nhận được như thò tay vào túi lấy ra. Không có chân lý nào được mặc nhiên công nhận. Nó phải đi trên con đường trông gai. Đôi khi trả giá bằng máu. Không có người nào sinh ra đã mang danh hiệu anh hùng. Theo sát nhân vật Ngao trong tiểu thuyết Người trên đảo vắng của tác giả Dương Thiên Lý, tôi chợt nhớ tới câu thơ của thi sĩ Nga tài danh thế kỷ XIX, Lermantov:

“Thuyền cầu bão táp mưa sa

Dương như giông bão mới là bình yên”.

          Cái biện chứng của cách viết chính là đặt nhân vật Ngao như một anh hùng trong quan hệ gắn bó, mật thiết với nhân dân. Nhân dân là số đông. Nhân dân là cội rễ. Có anh hùng cá nhân là vì có nhân dân anh hùng. Theo cách hiểu này thì cha mẹ của Ngao, người vợ của Ngao, đồng đội của Ngao…đều là những người anh hùng trong nghĩa rộng của từ này. Người anh hùng theo cách quan niệm của chúng ta không bao giờ là những “siêu nhân”, là những “thần thánh”. Đọc Người trên đảo vắng của tác giả Dương Thiên Lý tôi chợt nhớ tới hình tượng văn chương kì vĩ thời kháng chiến chống Mỹ cũng trên quê hương Quảng Bình anh hùng – Mẹ Suốt, người đã hiện lên bằng xương bằng thịt trong bài thơ nổi tiếng Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu:

“ Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai

Chẳng bằng con gái con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò”

          Lại nhớ tới nhạc phẩm Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân sống mãi với thời gian. Chính nghệ thuật đã tôn vinh Đất và Người Quảng Bình anh hùng.

          Liệu cái chết của chiến sĩ Vũ Xuân Ngao ở đoạn kết tiểu thuyết có gây nên sự bị lụy trong cảm nhận của độc giả? Liệu nó có làm giảm cảm hứng “ đại khí văn chương ” của sự viết như đã nói ở trên? Hoàn toàn không, có thể khẳng định như thế. Vì sao? Bì bi kịch thường gắn với sự mất mát, hi sinh. Vì bi kịch là sự tuẫn tiết của những người anh hùng. Cuối cùng thì chiến sĩ Vũ Xuân Ngao được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Lại nhớ những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về Anh hùng – Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi:

“ Có ai chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người như chân lý sinh ra”

(Hãy nhớ lấy lời tôi).

          Liệu tiểu thuyết Người trên đảo vắng đã là hoàn hảo? Chưa hoàn hảo! Tất nhiên! Đôi khi cái Đẹp, sự hấp dẫn lại ở chính nơi còn khuyết một điều gì đó. Cái Đẹp, trong con mắt của con người hiện đại, không phải là sự cân đối, hoàn chỉnh tuyệt đối. vì cái đang vận động, sinh thành mới nhiều hứa hẹn cảm xúc về cái Đẹp. Tôi nghĩ thế khi khép lại trang cuối tiểu thuyết Người trên đảo vắng của tác giả Dương Thiên Lý. Một ngòi bút sung sức như Dương Thiên Lý, tôi nghĩ, sẽ chưa ngưng nghỉ sự viết sau cuốn tiểu thuyết thứ năm này. Không gì có thể thay thế được việc đọc trực tiếp tác phẩm văn chương. Xin mời Quý vị độc giả sống cùng câu chuyện và nhân vật tiểu thuyết, tôi tin là hấp dẫn./.

Ban Biên Tập 

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com