Chân dung Người “đạo diễn” chính trận địa cọc ngầm lừng danh trên sông Bạch Đằng

Với những ai đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc ta đều biết đến Ngô Quyền với chiến công hiển hách năm 938 tại sông Bạch Đằng. Nơi đây đánh dấu chiến thắng quan trọng của quân và dân ta trước quân Nam Hán.

Nhưng để có được chiến tích huy hoàng với trận địa cọc ngầm hiểm yếu đó, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết. Sau nhiều tìm tòi, nghiên cứu, thông qua loạt bài viết về Trận Bạch Đằng chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả những câu chuyện, những khía cạnh chưa được lịch sử đề cập tới. Trong phần đầu hai này, chúng ta sẽ đến với tác giả đạo diễn nên trận địa hiểm hóc này!

Ý tưởng đã có và rất tốt nhưng việc thực hiện ra sao cho đúng mong muốn ban đầu thì không hề đơn giản, nhất là với những nơi sông nước cuồn cuộn, địa hình hiểm trở như ở Bạch Đằng.

Tuy nhiên danh tính của những người chỉ huy việc đóng cọc ngầm, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại này thì không phải ai cũng được rõ.

Khi đó, Ngô Quyền cho đóng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng tạo thành trận địa để dụ thuyền giặc vào bãi cọc rồi khi nước triều rút, quân ta đổ ra đánh hiệp đồng trên bộ, trên sông.

Thuyền chiến lớn của giặc bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết, một phần bị quân ta dùng hỏa công đốt cháy, khói lửa ngút trời, tiếng xung sát vang động cả một vùng:

Bạch Đằng một cõi chiến tràng,

Xương bay trắng đất, máu màng đỏ sông.

Sự kết hợp kì diệu của nhiều yếu tố đã tạo nên một chiến công lừng lẫy. Việc đóng cọc được ghi chép trong nhiều cuốn sử nhưng rất ngắn gọn, như sách Đại Việt sử lược viết: “Ngô Quyền nghe tin Hoằng Thao đến, bèn đóng ngầm những cọc lớn đầu bịt sắt ở cửa biển”.

Nói đến việc đóng cọc, chính sử không nhắc đến người chỉ huy quân dân thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, nhưng các nguồn thư tịch như thần tích, ngọc phả… đã cho biết phần nào về chân dung, tiểu sử và công trạng của những người anh hùng ấy.

Bãi cọc trên sông Bạch Đằng (Hình minh họa – Nguồn: lichsuvn)

Thí dụ trong bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) có đoạn viết: “Dương Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống…”.

1. Người kết liễu tên tướng giặc Hoằng Tháo là Bình Vương Dương Tam Kha.

Hoằng Tháo (có sách chép là Hoằng Thao, Hoành Thao, Hồng Tháo…) là Thái tử, con Lưu Cung – vua sáng lập ra nhà Nam Hán, một trong những nước thời Ngũ đại thập quốc ở phương Bắc.

Khi Hoằng Tháo hùng hổ dẫn quân theo đường thủy tiến vào nước ta, Ngô Quyền đã bố trí sẵn trận địa cọc ngầm ở sông Bạch Đằng, “lúc nước thủy triều dâng lên mới sai quân dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến mà giả vờ thua. Hoằng Tháo đuổi theo.

Lúc ấy nước thủy triều rút xuống, cọc bày ra. Hoằng Tháo chống trả túi bụi, rồi thì nước chảy rất mạnh vào hết các thuyền đang vướng mắc nơi cọc. Ngô Quyền ra sức đánh phá dữ dội. Quân Nam Hán chết đuối đến quá nửa, giết được Hoằng Tháo” (Đại Việt sử lược),
Trong sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, để chứng minh Dương Tam Kha là người giết Hoằng Tháo, PGS-TS Nguyễn Minh Tường dẫn ra 3 căn cứ. Căn cứ thứ nhất là vào bài thơ Quá Bình Vương cựu trạch từ (Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương) của TS Lê Tung, trong có câu: “Thực thung giang khẩu thiết kỳ mưu/ Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu” (dịch nghĩa: Cắm cọc xuống sông, khéo bày mưu lạ/Chém đầu Hoằng Tháo nhà Hán rửa hận cho cha). Dựa vào 2 câu thơ này, ông Nguyễn Minh Tường kết luận: “Lê Tung khẳng định Dương Tam Kha là người chém chết Hoằng Tháo” (trang 26).

Căn cứ thứ hai của PGS-TS Nguyễn Minh Tường là dẫn đôi câu đối tại đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha ở thị trấn Cổ Lễ (Nam Định): “Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang, thiên thu hách trạc/Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong” (dịch nghĩa: Dốc phù Ngô chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách/Chém chết Hoằng Tháo, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong).

Căn cứ thứ ba mà ông Tường đưa ra là dựa vào Thần tích đền Cổ Lễ và gia phả họ Dương. Tuy nhiên PGS-TS Nguyễn Minh Tường không nêu cụ thể niên đại của gia phả họ Dương và nội dung bản Thần tích đền Cổ Lễ. “Tam Kha xuất bản bộ binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoàng Tháo” (Nghĩa là: Tam Kha dẫn quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Thao), chính từ công trạng đó mà tại đền thờ Dương Tam Kha tại Cổ Lễ có câu đối:

Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc,

Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong

Nghĩa là:

Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách,

Chém chết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.

Một số tài liệu khác cũng cho biết điều này, trong bài “Quá Bình Vương cựu trạch từ” (Qua đền trên nền nhà cũ của Bình Vương) của Thượng thư Lê Tung nhà Hậu Lê được chép trong bộ Thiên gia thi vựng tuyển cũng có câu: “Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu” (Nghĩa là: Chém Hoằng Tháo người Hán trả thù cho cha).

Có thể thấy những gì trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, viết Dương Tam Kha chém đầu Hoằng Tháo là hoàn toàn dựa vào những tư liệu từ dân gian, chứ không hề có trong chính sử. Trong bản thần tích đền Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) có đoạn viết: “Dương Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm, đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến dụ địch vượt qua bãi cọc khi nước xuống…”.

2. Dương Thục Phi quê ở Ái châu (nay thuộc Thanh Hóa) vốn là gia tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

Khi Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán và tự xưng là Tiết độ sứ nắm quyền điều hành chính sự trong cả nước và đóng trị sở ở thành Đại La (thuộc Hà Nội ngày nay) thì Dương Thục Phi vẫn ở lại Ái châu làm tướng cho con trai Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha.

Tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết chết để cướp quyền.

Con trai Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha, con rể ông là Ngô Quyền cùng Dương Thục Phi và các gia tướng khác tức tốc hợp binh kéo ra Bắc hạ thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn và tổ chức trận địa cọc ở sông Bạch Đằng để chờ giặc đến.

Chặt cây đóng cọc trên sông (Tranh minh họa – Nguồn: baomoi.vn)

Dương Thục Phi là một trong những vị tướng được giao nhiệm vụ chỉ huy quân dân chặt gỗ, vót nhọn rồi đóng cọc xuống sông.

Sau trận đại thắng, với công trạng của mình, Dương Thục Phi được Ngô Quyền phong làm Đại tướng quân sau khi triều Ngô được thành lập. Tuy nhiên những thông tin, dữ kiện về Dương Thục Phi sau đó không được nhắc đến nên chúng ta không biết thêm gì hơn về ông.

3. Dương Cát Lợi hiện không rõ về xuất thân, chỉ biết rằng ông là gia tướng của Dương Đình Nghệ. Năm Đinh Dậu (937) Kiều Công Tiễn giết chết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ rồi thần phục Nam Hán, vua Nam Hán là Lưu Cung sai con là Hoằng Thao, đem quân theo đường biển ào ạt qua xâm lăng nước ta. 

Dương Cát Lợi báo hung tin cho Ngô Quyền. Ngô Quyền được tin liền nói:

Thù trong ngỗ nghịch không tha,

Giặc ngoài đánh đuổi, nước nhà mới yên.

Sau đó Dương Cát Lợi theo Ngô Quyền đem quân diệt trừ Kiều Công Tiễn và được lệnh chỉ huy việc đóng cọc, phá giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Khi triều Ngô thành lập, Dương Cát Lợi được phong chức Chỉ huy sứ.

Năm Giáp Thìn (944), vua Ngô Quyền mất, em vợ vua là Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu xưng là Dương Bình Vương, Chỉ huy sứ Dương Cát Lợi tuy bất bình nhưng biết chưa thể hành động bèn chống đối âm thầm, chờ thời cơ.

Đến năm Canh Tuất (950) nhân cơ hội dẫn quân đi dẹp loạn, ông cùng Ngô Xương Văn và Đỗ Cảnh Thạc cất quân bất ngờ quay trở về lật đổ Dương Tam Kha, khôi phục nghiệp cũ cho họ Ngô. Sau không rõ số phận của ông thế nào khi nhà Ngô lâm vào cảnh suy vong.

Phục binh, bãi cọc sẵn sàng chờ giặc đến (Hình minh họa – Nguồn: khampha.vn)

4. Phạm Đức Dũng quê ở thôn Đạo Truyền (nay thuộc Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam), cha là thuộc tướng của Tiết độ sứ Khúc Hạo.

Năm Nhâm Thìn (932), Phạm Đức Dũng trở thành bộ tướng của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, lập được nhiều chiến công nên được Dương Đình Nghệ yêu mến gả con gái thứ tên là Thúy Hoa cho và cử giữ chức trấn quan xứ An Nhân (nay thuộc tỉnh Yên Bái).

Đầu năm Đinh Dậu (937), Phạm Đức Dũng được tin mật báo Kiều Công Tiễn có ý chuyên quyền, chứa đựng mưu thoán đoạt.

Nghe tin ấy, Phạm Đức Dũng sai người báo cho con trai và con rể của Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha và Ngô Quyền rồi tức tốc dẫn hơn 1000 quân về Đại La để phòng sự biến, chưa đến nơi thì chuyện đã rồi.

Sau đó trong cuộc diệt kẻ phản thần Kiều Công Tiễn có phần góp sức của Phạm Đức Dũng.

Theo thần phả đình Đạo Truyền, ông theo lệnh Ngô Quyền đem quân đến sông Bạch Đằng tiến hành chặt cây, làm cọc nhọn bịt sắt, cắm xuống sông để tạo thành trận địa cọc, chuẩn bị đối phó với đạo quân xâm lược do Thái tử Hoàng Tháo của Nam Hán đang theo đường thủy kéo vào nước ta.

Lúc quân giặc sa vào trận địa cọc trong khi nước thủy triều đang rút, nhận được lệnh tấn công, Phạm Đức Dũng cùng các tướng lĩnh như Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc… phục ở hai bên bờ sông đồng loạt nổi lên, dùng cung tên, câu liêm, thuyền nhỏ đánh mạnh vào đội hình quân Nam Hán…

Sau trận đại thắng Bạch Đằng lịch sử, đầu xuân năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền lên ngôi vua, cho khao thưởng tướng sĩ theo thứ bậc, Phạm Đức Dũng được phong làm Tả vệ đại tướng quân.

Đến năm Giáp Thìn (944), vua Ngô Quyền mất, Phạm Đức Dũng cáo quan trở về quê nhà sống đời bình yên và mất tại đây vào ngày 15 tháng 3 năm Bính Tuất (986), thọ 88 tuổi. Người dân thôn Đạo Truyền nhớ ơn của ông đã lập đền thờ phụng, tôn làm Thành hoàng phúc thần của làng.

5. Hoàng Công Thái là người phù giúp tướng Phạm Đức Dũng trong việc đóng cọc.

Theo thần phả đình Đạo Truyền thì sau khi Phạm Đức Dũng nhận lệnh của Ngô Quyền cấp tốc hành quân đến khu vực sông Bạch Đằng để chuẩn bị trận địa cọc, ông đã được Hoàng Công Thái là người địa phương giúp đỡ rất nhiều.

Hoàng Công Thái là người thông thạo luồng lạch, con nước; ông còn tập hợp những dân chài giỏi bơi lặn đến giúp xây dựng trận địa cọc.

Trước khi chiến thuyền của quân Nam Hán đến sông Bạch Đằng, Hoàng Công Thái được phong làm tướng chỉ huy một đạo dân binh cùng Phạm Đức Dũng phục binh ở bên bờ tả ngạn dưới quyền chỉ huy của Dương Tam Kha.

Đến khi thuyền giặc đã vào sâu, thủy triều rút nhanh bãi cọc hiện ra thì cũng là lúc Hoàng Công Thái cùng các cánh quân khác đồng thời nổi dậy kết hợp trên bờ, dưới sông tấn công mãnh liệt vào đội hình thuyền chiến của quân Nam Hán.

Không rõ số phận của Hoàng Công Thái sau này ra sao, ông được ban thưởng và nhận chức làm quan cho nhà Ngô hay trở về quê sống cuộc đời tự do, vui thú chốn dân gian; không có nguồn sử liệu nào cho biết rõ về điều đó.

Trên đây là một số nhân vật tiêu biểu được sử sách nhắc đến ít nhiều, họ chính là những người có vai trò lớn trong việc thiết lập hệ thống trận địa cọc ngầm, tạo dựng lên một “cái bẫy” hoàn hảo để quân xâm lược sa vào đó không có đường tẩu thoát.

Từ đó lịch sử ghi một dấu ấn chói lọi về một chiến thắng thể hiện trí thông minh tuyệt đỉnh, lòng dũng cảm vô song kết thúc “đêm dài Bắc thuộc”, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước.

Theo Lê Thái Dũng – Báo điện tử Soha

Tài liệu tham khảo:

1. Các vị thần thời Ngô Quyền đến Tiền Lê -NXB Quân đội nhân dân, 2011

2. Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn hóa thông tin, 2006

3. Đại Việt sử lược- NXB Thuận Hóa, 2005

4. Đại Việt sử ký tiền biên – NXB Văn hóa thông tin, 2011

5. Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn hóa thông tin, 2006

6. Kể chuyện lịch sử nước nhà thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý– NXB Trẻ, NXB Giáo dục, 2009

7. Lịch triều hiến chương loại chí – NXB Trẻ, 2014

8. Nhân vật lịch sử văn hóa Hà Nam – NXB Hội nhà văn, 2000

9. Thần tích Việt Nam – NXB Thanh niên, 2007

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com