Chân dung văn nghệ sĩ – Dương Phượng Toại
- 24/09/2015
- Ban Thông tin truyền thông
- 1307
Năm 2015 còn vài tháng nữa mới hết nhưng với tác giả Dương Phượng Toại có thể nói đây là một năm thành công. Tính ra từ đầu năm đến giờ ông đạt được cả thảy năm giải thưởng VHNT; đó là 2 giải A Giải thưởng Văn nghệ Bạch Đằng Giang lần thứ hai (2010-2015) cho tập bút ký “Thăm thẳm miền sông” và tập thơ “Ngấn phù sa”, giải A Giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ 27 với bài thơ “Đời lúa”, rồi giải nhì cuộc thi thơ Đất và Người do Hội VHNT Hải Phòng tổ chức với bài thơ “Viên ngọc của trời”, giải ba cuộc thi vận động sáng tác VHNT về đề tài Giao thông vận tải với bút ký “Ơi con thuyền! Ơi những cánh buồm nâu”… Như vậy có thể nói năm nay là năm “bội thu” với cây bút Dương Phượng Toại. Với một tác giả đã ngoài tuổi 70, quả thực “bút lực” của ông cũng đáng để mọi người kính nể. Với nỗ lực không ngừng đào sâu vào mảnh đất, con người, lịch sử trấn lỵ Quảng Yên xưa, thị xã Quảng Yên nay, tác giả Dương Phượng Toại đã làm bừng sáng lên một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và đấu tranh cách mạng. Có cho riêng mình một gia tài văn chương đáng kể. Với sáu tập thơ, bốn tập văn xuôi gồm truyện ngắn, bút ký tản văn. (Trong đó có tập truyện vừa “Cánh chim bay qua vòm trời” sẽ xuất bản trong năm 2015), cùng hàng chục những tác phẩm in chung trong các tuyển tập của các nhà xuất bản..
Những ấn phẩm, những giải thưởng trải dài liên tục từ năm 1997 đến nay chứng tỏ việc sáng tác của tác giả là một quá trình lao động nghề nghiệp thực sự nghiêm túc, chuyên nghiệp. Tính ra cứ trung bình chưa tới hai năm tác giả lại ra một tập sách, phong phú về thể loại. Nhớ có lần ông bảo: “Văn chương như cỏ cây hoa nụ, như hạt lúa, hạt ngọc làm tín ngãi tình yêu, như chuỗi sao trời đêm đêm lại mọc. Nếu vắng đi, cuộc đời sẽ thành pho tượng người đàn bà đầy đặn đánh mất vẻ thiếu nữ và bầu trời dù cao mấy cũng trở nên trống rỗng. Nó còn là ngọn lửa cháy hết mình để sưởi ấm cõi nhân gian, là dòng sông ta bơi suốt đời không tới bến, là con thuyền chở vầng trăng đi tìm bạn tri ân. Để rồi khi xa mặt đất này, ta hoá vào nắng gió, thành khúc vĩ thanh trong trời đất… Mặc cuộc đời ai kẻ nhớ người quên!”.
Tác phẩm văn học của Dương Phượng Toại đều mang những điểm chung của tác giả là sự nghiền ngẫm, chắt lọc trong cả một đời người. Hiểu được tác phẩm văn học tức là hiểu được con người văn chương Dương Phượng Toại. Bởi văn là người. Như ký báo chí, một thể loại tưởng chừng ít tính văn học nhất nhưng tác giả đã thổi được hồn mình vào, làm cho chúng thực sự sống và quyến rũ. Từ những sự kiện to lớn tác động đến nhiều người cho đến những vụ việc bình thường nhỏ bé đều được tác tác giả thổi vào suy nghĩ, tâm tư, các chiêm nghiệm lẽ sống đời mình. Lấy các sự kiện làm điểm tựa để vươn tới cái chân, thiện, mỹ…
Còn thơ ông là chất chứa nỗi niềm của những dòng sông mà tác giả đã gặp trong đời. Hình ảnh dòng sông xuyên suốt, ám ảnh, làm xương sống chủ đạo cho thi ca ông. Bởi dòng sông đã đi vào tiềm thức dân tộc, Chử Đồng Tử và Tiên Dung chẳng nên duyên chồng vợ cũng từ một dòng sông đó sao? Ông dùng sông để đẩy con thuyền ước mơ của mình đi xa mãi về phía cuối trời. Đồng thời, sông còn là không gian mở sang các không gian khác.
Truyện ngắn thì vẫn đó, cảnh trí, con người vùng đất Quảng Yên nơi ông đã sinh ra, lớn lên. Câu chuyện trong gia đình, làng xóm, cha ông. Nói không ngoa ông chính là người viết sử bằng văn chương cho một vùng đất. Và sau tất cả những thành công trên văn đàn là một Dương Phượng Toại hiền lành chân chất, đau đáu với cuộc sống đời thường và những gì bình dị nhất. Dùng văn chương làm vũ khí chống lại cái xấu và rồi lại thong dong xuôi dòng Bạch Đằng, dùng văn chương làm cây đàn ca ngợi cuộc sống muôn màu đang diễn ra khắp mọi nơi – Đó chính là Dương Phượng Toại…
Dương Tử Quỳnh
Theo Nguyễn Trọng Hưng-Báo Quảng Ninh Online