Chị Dương Thị Ngoãn: Thoát hộ cận nghèo từ mô hình nuôi gà đẻ trứng
- 05/06/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 213
Dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương trong đó có Cao Bằng. Nhiều hộ gia đình nhờ chương trình này đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế và từng bước khá giả. Gia đình chị Dương Thị Ngoãn ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng là một ví dụ.
Gia đình chị Ngoãn thuộc hộ cận nghèo của địa phương. Trước đây, gia đình chị chỉ trông vào trồng lúa, trồng ngô nên may mắn cũng chỉ đủ ăn, không có nguồn thu nhập. Gia đình chị cũng đã loay hoay tìm hướng đi nhưng “cái khó bó cái khôn”, cái nghèo vẫn cứ quanh quẩn đeo bám.
Giữa lúc chưa tìm được hướng đi để thoát nghèo thì huyện Bảo Lâm được hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Gia đình chị được chọn để tham gia dự án và được tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà hữu cơ. Không những thế, gia đình chị còn được hỗ trợ cả về con giống, thức ăn chăn nuôi và có cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn trong quá trình tham gia dự án.
Sau khi tham gia lớp tập huấn, gia đình chị Ngoãn nhận nuôi 50 con gà đẻ trứng vào cuối năm 2022. Dù mới qua hơn 5 tháng tham gia chương trình nhưng đàn gà phát triển rất tốt và cho thi hoạch lứa trứng đầu tiên. Tiền bán trứng chị Ngoãn thu về 5 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp của gia đình, chị Ngoãn đã có tiền cho các con ăn học và thoát khỏi hộ cận nghèo.
Chị Ngoãn cho biết, khi tham gia mô hình, gia đình chị được hỗ trợ 100% giống gà ri lai, cám, thuốc thú y và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nuôi theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả. Nhờ nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, lại có cán bộ đồng hành nên chị rất tự tin trong chăn nuôi, áp dụng các kiến thức đã được tập huấn vào sản xuất,tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng chăn nuôi sạch sẽ… do đó đàn gà phát triển tốt. Sau thời gian thực hiện mô hình cho thấy đây là giống gà có sức đề kháng cao, chống chịu với điều kiện tự nhiên tốt, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với phương thức nuôi chăn thả của đồng bào miền núi.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị Ngoãn và các hộ gia đình tham gia mô hình đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Không những thế, từ những thành quả thu được, chị cùng các hộ được lựa chọn tham gia dự án còn chia sẻ kinh nghiệm, cách chăn nuôi và chăm sóc gà cho bà con trong xóm.
Việc tham gia mô hình giảm nghèo cơ bản tạo điều kiện cho các hộ gia đình như chị Ngoãn cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, góp phần giúp cho các hộ thoát nghèo, phấn đấu vươn lên có điều kiện kinh tế khá giả, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất và quay lại hỗ trợ hộ nghèo khác cùng tham gia phát triển kinh tế. Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, gia đình cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, chắn chắn trong tương lai chị Ngoãn không chị thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương.
Dương Thùy Dịu