Chị Dương Thị Thơm: Khởi nghiệp thành công từ trà dược liệu
- 14/11/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 227
Xuất phát từ mong muốn tạo nên thức uống lành mạnh nhưng không gây mất ngủ như các loại trà khô có hàm lượng caffeine, chị Dương Thị Thơm, sống tại phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã sản xuất, chế biến thành công trà từ nông sản và dược liệu.
Là cô giáo dạy môn Toán tại một trường THPT ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn nhưng chị Thơm lại bén duyên và khởi nghiệp với mô hình sản xuất trà dược liệu. Chị chia sẻ rằng, trong quá trình dạy học, chị thấy người dân địa phương thường trồng xen mãng cầu xiêm, bí đao, đu đủ đực, khổ qua rừng… trong rẫy cà phê. Đây đều là những loại cây dễ trồng, thậm chí mọc dại nhưng lại có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải độc, bình ổn huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, ung thư… Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch, người dân chưa tận dụng hết giá trị hay lãng phí nhiều bộ phận của cây, bên cạnh đó chủ yếu bán tươi hoặc phơi khô thủ công nên sản phẩm chỉ để được trong thời gian ngắn, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Vì vậy, chị Thơm luôn trăn trở, mong muốn sử dụng tối đa các cây có tính dược liệu thành những sản phẩm thảo mộc vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, vừa nâng cao sức khỏe cho người dùng.
Sau khi tìm hiểu về nhu cầu thị trường, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, chị Thơm bắt tay ngay vào thực hiện quy trình sản xuất. Năm 2018, chị bắt đầu thử nghiệm làm trà mãng cầu. Ban đầu, chị thu mua nguyên liệu từ người dân ở khắp các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột… Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên sản phẩm thu được không đạt hiệu quả như mong muốn, phải đem bỏ. Sau đó, chị Thơm dành thời gian vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách báo, internet… Hơn một năm sau, chị đã hoàn thiện được công thức làm trà mãng cầu đạt chất lượng.
Chị đã cho ra đời loại trà dược liệu đầu tiên và giới thiệu cho bạn bè, người thân dùng thử. Sau một thời gian, sản phẩm của chị được khách hàng yêu thì vì thơm ngon và chất lượng. Dần dần đơn hàng ngày một tăng. Nối tiếp thành công, chị Thơm tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và sản xuất thêm các loại trà khác: trà bí đao, trà hoa đu đủ đực, trà khổ qua rừng…
Bên cạnh đó, được khách hàng ghi nhận đã tiếp thêm thêm động lực để chị Oanh mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà xưởng rộng 50m2. Đồng thời, chị còn mua sắm thêm máy móc, thiết bị như máy cắt, máy sấy, máy sao… để phục vụ cho việc sản xuất và bảo đảm chất lượng tốt nhất cho sản phẩm.
Hiện tại, sản phẩm của chị Thơm đã và đang được bày bán rộng khắp thị trường trong cả nước, ngoài ra chị còn bỏ mối cho các cửa hàng dược liệu tại TP.Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Trung bình mỗi tháng chị bán được từ 250kg – 300kg trà các loại với giá bán từ 200.000 đồng – 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi các loại chi phí, mỗi tháng chị thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định, mô hình sản xuất của chị Thơm còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thời vụ tại đại phương, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Lựa chọn phát triển nguồn dược liệu trên quê hương làm con đường khởi nghiệp, chị Dương Thị Thơm đang từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình và gặt hái được những thành công nhất định. Với mong muốn mở rộng thị trường, chị dự định sản xuất sản phẩm dưới dạng túi lọc và liên kết với nông dân xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng đầu vào cho sản phẩm.
Dương Thủy