Chương trình “Hành trình kết nối Doanh nghiệp – Thanh niên” đến thăm HTX Măng Lục Trúc Lâm Sinh Ngọc Châu tỉnh Bắc Giang

 Tiếp nối thành công của “Hành trình kết nối Số 1”, CLB Thanh niên Họ Dương Việt Nam, CLB Thanh niên Họ Dương Tây Hồ và CLB Doanh nghiệp trẻ Họ Dương Tây Hồ tiếp tục tổ chức “Hành trình kết nối Số 2”  đến thăm  HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu  (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang)

Đồng hành cùng các thành viên có sự tham gia của ông Dương Quang Sơn  –  Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Doanh nhân – Chủ tịch Hội đồng Họ Dương quận Tây Hồ, TP.Hà Nội.

Đoàn tham quan mô hình trồng Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang) 

Đoàn đã khảo sát tìm hiểu hoạt động, kinh doanh của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, chuyên trồng và chế biết các sản phẩm măng tre lục trúc gồm;  Măng tươi; măng khô; măng ngâm ớt. Hiện tại, HTX đã có hơn 30 thành viên tham gia với diện tích gần 100 ha trồng tre lục trúc, trong đó có 50 ha đang cho thu hoạch măng năm thứ 3, sản lượng trung bình mỗi ngày 5 – 7 tạ măng tre chất lượng cao. Riêng năm 2022, HTX thu hoạch hơn 800 tấn măng tươi, trị giá 28 tỷ đồng; xuất tại vườn 50 nghìn gốc tre giống, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng. Đặc biệt sản phẩm của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh; được công nhận OCOP 4 sao và đang được tiêu thụ rất mạnh trên thị trường Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội … được người tiêu dùng đánh giá cao.

Chị Dương Thị Luyện (thứ 2 bên trái) Giám đốc HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cùng đoàn tham quan HTX.

Chị Dương Thị Luyện – Giám đốc HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã đón tiếp đoàn và chia sẻ về Măng lục trúc, chị  cho biết, năm 1995, Bộ NN&PTNT triển khai một dự án trồng thử nghiệm loại tre lục trúc giống Đài Loan lấy măng tại địa bàn xã nhằm xóa đói, giảm nghèo và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn thì dự án gần như bị “bỏ quên” do không đem lại hiệu quả kinh tế. Với khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tìm hướng đi mới cho người dân thoát nghèo, chị Luyện đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu để khôi phục và phát triển sản phẩm này.

Khi đó, từ những khâu liên kết sản xuất, chế biến thành phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với ý chí, nghị lực vươn lên trong gian khó, mỗi thành viên của HTX vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để thay đổi trong quá trình trồng và chăm sóc tre lục trúc.

Các sản phẩm của  HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu

Mặc dù tre lục trúc là loại cây dễ trồng và sinh trưởng tốt, tuy nhiên, nhưng vẫn cần có bàn tay chăm sóc và hiểu thuộc tính của cây trồng.

Theo chị Luyện, trồng tre lục trúc vào mùa mưa là tốt nhất. Sau một năm chăm sóc tốt thì tre lục trúc bắt đầu cho măng để thu hoạch. Thời gian thu măng từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch hàng năm. Thường mỗi gốc tre lục trúc 1 năm tuổi cho thu 30 – 50 kg măng. Măng trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ.

Mong muốn của Chị Luyện là bà con Họ Dương ở một số khu vực có đất có thể nghiên cứu và trồng giống Măng lục trúc này, còn các các doanh nghiệp doanh nhân, các HTX trong Họ Dương có thể xây dựng các mô hình liên kết để phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Việc được đón tiếp đoàn lên thăm HTX và tìm hiểu về sản phẩm cho thấy việc xây dựng mô hình liên kết trong các Doanh nghiệp, HTX của người Họ Dương sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế cũng như đóng góp vào xây dựng Dòng tộc ngày càng phát triển.

Dương Lãng

 

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com