Chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống tại Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019

Mấy ngày qua, đọc trên Facebook và Zalo, thấy Hội đồng Họ Dương các tỉnh, thành phố từ cực Nam đến cực Bắc của tổ quốc; từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ ; từ miền Nam Trung bộ, Trung Trung bộ đến miền Bắc Trung bộ và Tây Nguyên;  Từ các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc bộ đến các tỉnh, thành phố Tây Bắc bộ, Đông Bắc bộ và bà con Họ Dương ở nước ngoài háo hức về với Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam năm 2019 tổ chức tại Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Vì sao họ lại hồ hởi, phấn khởi về với Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam đến thế? vì họ về với Ngày hội là họ về với  cội nguồn; về với anh em cùng chung dòng máu Họ Dương.

Ảnh minh họa

Một số người ngoài Họ Dương nói: “Tôi biết “Lễ hội Họ Dương” rồi, tưng bừng lắm, nhiệt tình lắm, vui vẻ lắm, văn hóa lắm…”. Ngày hội văn hóa mùa xuân Họ Dương Việt Nam là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Hội đồng Họ Dương Việt Nam; là nơi tập trung mọi tinh hoa của người Họ Dương Việt Nam; là nơi thể hiện nét văn hóa độc đáo và riêng có của người Họ Dương Việt Nam. Năm nay, để làm phong phú hơn, cụ thể hơn văn hóa Họ Dương Việt Nam, Ban tổ chức Ngày hội đã đưa vào một chương trình văn nghệ đặc sắc, thắm đượm văn hóa dân gian và văn hóa Dòng tộc Họ Dương, đó là chương trình văn nghệ do người Họ Dương biểu diễn. Trong đó có những tiết mục thuộc thể loại truyền thống dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Dân ca Quan họ; Hát xoan; Ví giặm; Đờn ca tài tử; Cồng chiêng Tây Nguyên…

Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng, được hình thành và phát triển ở vùng Kinh Bắc xưa và chủ yếu ở khu vực ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Nơi ấy có dòng sông Cầu chảy qua và được gọi với cái tên trìu mến là “dòng sông quan họ”.

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Nhạc, hát, múa và thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân ở vùng đất tổ Hùng Vương – Phú Thọ.

Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật dân ca. Dân ca Ví giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc miền Bắc trung bộ.

Đờn ca tài tử Nam bộ là dòng nhạc dân tộc, có ảnh hưởng lớn ở 21 tỉnh, thành phía Nam bộ. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đờn ca tài tử là đàn và ca của những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ ca hát sau những giờ lao động vất vả.

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và tồn tại ở nhiều dân tộc khác nhau như: Ê đê, Jarai, Ba Na, Mạ, Lặc…. Cồng chiêng được sử dụng trong Lễ mừng lúa mới; Lễ cúng Bến nước… . Những địa điểm tổ chức lễ hội cồng chiêng  là: Nhà dài, Nhà rông, Nhà gươi, rẫy, bến nước, Nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng…

Chương trình văn nghệ được ban tổ chức chia làm 2 nội dung, gọi là “ CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU HOA ĐÀO” và “CHƯƠNG TRÌNH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU HOA MAI”. Hai chương trình này được biểu diễn liên tục từ 9h30’ đến 21h00’ ngày 22 tháng 02 năm 2019, tức ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Hợi tại nhà thi đấu thể dục, thể thao Thành phố Vĩnh Yên.

Thạc Sơn

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com