Cô gái dân tộc Sán Dìu chinh phục đường đến ước mơ
- 19/12/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 416
“Đường đến ước mơ” là chủ đề của Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên người dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào tối 11/12/2022. Buổi lễ đã tôn vinh 142 cá nhân thuộc 50 dân tộc, đến từ 47 tỉnh, thành phố, là những đại diện tiêu biểu xuất sắc đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học – kỹ thuật quốc gia và được huy chương Vàng, huy chương Bạc trong các cuộc thi thể thao, văn hóa, nghệ thuật quốc gia, khu vực, các em đỗ vào đại học với 3 môn đạt trên 27 điểm, trong đó có 17 em thuộc dân tộc khó khăn đặc thù và 4 em thuộc dân tộc dưới 1.000 người.
Với kết quả khá cao, Dương Thị Linh, tân sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế Trường Đại học Thương mại đã vinh dự là một trong những gương mặt xuất hiện trong buổi vinh danh.
Là người dân tộc Sán Dìu, sinh ra và lớn lên ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn – vùng miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Giang, Dương Thị Linh luôn cố gắng để có kết quả học tập cao nhất.
Sinh ra trong một gia đình dân tộc thiểu số có 4 chị em, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố làm nghề thợ xây, mẹ ở nhà chăm lo vườn tược, gia đình thuộc hộ cận nghèo nhưng Linh luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Bố mẹ Linh cũng luôn dành điều kiện tốt nhất cho các con học hành. Dù cuộc sống gia đình khó khăn nhưng đấy lại chính là động lực để Linh vươn lên trong học tập. Ngay từ nhỏ. Linh luôn cố gắng để học thật giỏi, Linh xác định, học tập là con đường để có tương lai tươi sáng hơn và đền đáp công an bố mẹ. Và sự nỗ lực của Linh đã được đền đáp bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia khá cao, Linh trở thành người đầu tiên trong dòng họ đi học đại học.
Linh cho biết, em chọn ngành Kinh doanh quốc tế của Trường Đại học Thương mại để theo học với mong muốn sau này có thể mang kiến thức của mình về góp phần xây dựng quê hương. Vùng quê Lục Ngạn của Linh nổi tiếng với quả vải thiểu nhưng giá bán chưa thực sự xứng tầm và còn nhiều biến động. Nếu như quả vải thiểu được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới thì người dân sẽ không còn cảnh “được mùa mất giá” như hiện nay. Linh hy vọng, khi hoàn thành chương trình học, Linh có thể mang những kiến thức của mình về quê hương, giúp cho trái vải thiều vươn xa hơn. Mong rằng ước mơ của Linh sẽ thành hiện thực, trái vải thiểu quê hương Lục Ngạn của Linh sẽ có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Dương Thùy Dịu