Cô giáo Dương Thị Mai: Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao
- 31/05/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 163
Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao Yên Minh, tỉnh Hà Giang, dù có nhiều vất vả, gian nan nhưng cô giáo Dương Thị Mai, sinh năm 1969, giáo viên điểm trường Là Lũng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang luôn cảm thấy vui và tự hào.
Mơ ước làm giáo viên từ nhỏ, năm 1990, cô Mai chính thức bước vào nghề và được phân công về giảng dạy tại huyện vùng cao Yên Minh. Dù sinh ra và lớn lên ở huyện Quản Bạ cùng tỉnh Hà Giang nhưng những ngày đầu bước chân lên Yên Minh cô Mai vẫn vô cùng bỡ ngỡ.
Cô Mai được phân công về giảng dạy tại điểm trường Khâu Nhang, xã Ngọc Long (nay là xã Mậu Long). Một mình đơn độc trong ngôi trường vẻn vẹn khoảng 50m2 lợp bằng cỏ gianh dột nát, không bạn bè, không người thân, chỉ có lác đác vài em học sinh cô Mai không khỏi chạnh lòng. Hơn nữa, phong tục tập quán lúc đó ở vùng đất này rất lạc hậu, con gái không được đến trường nên học sinh càng thưa thớt.
Đường đến với điểm trường nơi cô Mai dạy rất khó khăn, chỉ có thể đi bộ. Mỗi lần về nhà phải đi bộ rất xa ra đường đón xe. Những mùa đông vùng cao rét mướt, cô trò đều không đủ áo ấm, nhưng cô Mai vẫn kiên trì bám trụ. Bước sang năm thứ 33 đứng trên bục giảng, cô Mai đã trải qua nhiều điểm trường khác nhau. Có những điểm trường cheo leo, heo hút, không có người nào qua lại ngoài người dân bản địa. Nhiều giáo viên đã không bám trụ được với nghề nhưng cô Mai vẫn gắn bó chừng ấy năm.
Cuộc đời giáo viên vùng cao vất vả, khó khăn, thậm chí là nhiều lúc buồn tẻ nhưng bù lại có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Có năm, khi Tết đên, bà con mang gạo nếp, gạo tẻ đến biếu cô giáo về quê ăn Tết. Sức vóc nhỏ bé, cô Mai từ chối khéo thì bà con liền sai mấy thanh niên vác gạo ra trung tâm bán lấy tiền để biếu cô giáo về quê mua quà. Sáng sớm, khi gà vừa gáy, hai thanh niên mang tiền bán gạo do bà con góp đến tặng khiến trong sự ngỡ ngàng, xúc động của cô Mai. Chính sự chân chất, mộc mạc, những tình cảm yêu quý của bà con đã giúp cô Mai vượt qua những mùa đông cắt da cắt thịt, chừng ấy năm tháng băng đồi, vượt suối xa xôi để đến với những điểm trường không có điện, không có nước để mang cái chữ đến cho con em vùng cao.
Mấy chục năm gắn bó với giáo dục ở vùng cao, từ cô giáo trẻ trung tuổi đôi mươi bước chân thoăn thoắt leo dốc vượt đèo, băng suối, cô Mai giờ đây mái tóc đã bạc màu thời gian và đôi chân không còn nhanh nhẹn. Cô cũng không biết đi xe máy nên được Ban giám hiệu ưu tiên chuyển từ điểm trường Lao Xì Lủng về dạy ở điểm trường Là Lùng để cô đi bộ ngắn hơn. Khi còn dạy ở điểm trường Lao Xì Lủng, cô Mai phải mất gần 2 tiếng rưỡi để đi bộ đếm trường nên thường đi từ 4 giờ sáng. Trong chiếc túi đeo của cô Mai lúc nào cũng có chiếc đèn pin, để soi khi trời tối lúc đi đường, hễ đến đâu trời tối là có thể bỏ ra soi ngay. Có những đêm trăng sáng, cô ngỡ trời sắp sáng, cô Mai dậy đi đến điểm trường, đi mãi không thấy trời sáng mới biết là mình đi từ nửa đêm.
Dù điểm trường Là Lùng gần hơn Lao Xì Lủng, nhưng vẫn rất nhiều khó khăn. Thôn bản đã có điện nhưng điểm trường vẫn chưa có, giáo viên phải tự góp tiền kéo điện từ nhà dân và trả tiền diện mỗi tháng. Nước sinh hoạt các cô cũng phải xách từ dưới khe về. Mỗi ngày cô giáo Mai vẫn phải đi bộ đến trường 5 giờ sáng. Chiều về, cô Mai sẽ đi nhờ xe của các cô giáo cùng điểm trường nếu trời nắng ráo, còn trời mưa sẽ phải đi bộ, bởi con đường đất cực kỳ khó đi.
Ngoài dạy các em học sinh tiểu học, cô Mai còn phụ trách lớp xóa mù chữ cho những người lớn tuổi. Gắn bó với vùng cao chừng ấy năm, trải qua bao khó khăn vất vả nhưng cô luôn thấy vui vẻ vì được làm những việc có ích, đóng góp cho xã hội, cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Dương Diệp