Cô giáo Dương Thị Pàng và hành trình gieo chữ trên vùng cao

Cô giáo người dân tộc Mông Dương Thị Pàng đã và đang thực hiên được ước mơ, ngày đêm miệt mài đem chữ đến cho các em học sinh ở vùng cao xã Cổ Linh, huyện Pác Năm, tỉnh Bắc Kạn.

Hình ảnh cô giáo Dương Thị Pàng không kể nắng mưa vượt xe máy 7km đường đèo đến Trường THCS Bán trú Cổ Linh đã trở nên quen thuộc với từng học sinh và những người dân vùng cao nơi đây. Cũng từng là học sinh phải vượt dốc, leo đèo đi tìm cái chữ nên cô rất mong có thể góp sức mình đem cái chữ đến cho học sinh vùng cao, nơi có hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Cô giáo Dương Thị Pàng chia sẻ “Tôi muốn các em đi học để có kỹ năng sống tốt hơn, giảm dần khoảng cách giữa sự phát triển tư duy của học sinh miền núi và thành thị”

Cô giáo Dương Thị Pàng ngày ngày miệt mài bên trang giáo án

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm Dương Thị Pàng đã thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Suốt bao nhiêu năm nuôi con ăn học, gia đình bố mẹ cô luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn. Nhiều người trong bản còn lắc đầu: “Nếu cho các con đi học mà nghèo thế này chắc chịu thôi, không theo học được đâu”. Cô Pàng nhớ lại. Tuy nhiên, không vì thế mà cô nản lòng, năm 2013 cô tốt nghiệp Khoa Địa Lý – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và về dạy học tại Trường Cổ Linh. Thiện được những mong ước của mình trong việc gieo chữ cho các em học sinh trên mảnh đất còn nhiều khó khăn này.

Tuy vậy, hành trình mang cái chữ về với vùng cao cũng chẳng dễ dàng. Sự gian khổ ấy trở thành những kỷ niệm không thể quên trong 5 năm dạy học của cô giáo Dương Thị Pàng. Là người con của dân tộc Mông, cô Pàng thấu hiểu những khó khăn của các em trong việc đi học. Bố, mẹ, người thân không ủng hộ, đường sá đi lại khó khăn và cả những hủ tục lạc hậu ngăn cản… Cứ sau mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ lễ tết, nỗi lo các em học sinh không đến trường lại hiện hữu. Cô kể: “Có lần đến vận động các em học sinh quay trở lại trường học, nhiều em cương quyết đến mức dọa ăn lá ngón tự tử. Những lần như vậy, tôi vận dụng mọi lợi thế của mình khi đồng cảm về hoàn cảnh, cùng là người Mông để vận động gia đình, các em về những lợi ích của việc đi học. May mắn là nói được ngôn ngữ của đồng bào nên thuận lợi rất nhiều, kiên trì mãi rồi nhiều em lại theo đến lớp”

Không chỉ mang cái chữ đến cho học sinh, mà cô giáo Pàng còn chở thành người chị, người mẹ với những em học sinh phải đi học xa nhà, ở bán trú tại trường. Hằng ngày, cô thường đến từng phòng để kiểm tra vệ sinh, nơi ăn, ở và nói chuyện cùng học sinh để các em có thêm động lực để phấn đấu học tập. Em Sằm Văn Chung, học sinh lớp 7, Trường THCS Bán trú Cổ Linh cho biết: Em là người Mông, thấy cô Pàng cũng là người Mông mà đã vượt qua được nhiều khó khăn để trở thành cô giáo, nên em có thêm động lực học thật tốt…

Bằng tình yêu dành cho các em học sinh, sự tận tâm với công việc, cô đã đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy (năm 2017, 2018 cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện) và được Thầy Hiệu trưởng nhà trường nhận xét là một giáo viên tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn cao, yêu quý học sinh, là người điển hình cho tinh thần vượt khó để đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Như Cương

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com