Cụ Đội Dương Thế Giá với khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917

 

Đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ ngày khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra. Lịch sử đã và vẫn đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện. Mặc dù cuối cùng đã thất bại, khởi nghĩa Thái Nguyên viết thêm một trang sử oanh liệt chống thực dân Pháp của nhân dân Thái Nguyên nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Nó là diễn tiến rất yếu của hào khí quật cường, chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa yêu nước và khát khao độc lập tự do của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên, của dân tộc Việt Nam.

 

Là hậu duệ của một trong những lãnh tụ cuộc khởi nghĩa với những cứ liệu tại gia, xin được thông tin đôi nét:

 

Cụ Đội Giá tên thạt là Dương Thế Giá, đội nhất trong lực lượng lính khố xanh đóng ở tỉnh lỵ Thái Nguyên năm 1917. Cụ là con thứ hai trong một gia đình nồng dân ở xóm Dinh, làng Giữa, xã Úc Sơn, tổng La Đình, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (nay là xóm Hòa Bình, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

 

 

Ảnh cụ Dương Thế Giá và 3 người con ở nước ngoài gửi về năm 1960 (Ảnh do HĐHD Thái Nguyên cung cấp)

 

Thân phụ cụ là Dương Thế Ước cùng thân mẫu Dương Thị Nhân là dân sở tại, hiền lành, chất phác, gia phong nền nếp, sinh hạ được 4 người con trai, đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Người anh cả của cụ Giá là Dương Thế Lâm, học hành chăm chỉ, sau làm thầy đồ. Thầy sinh được 2 người con trai, con lớn thầy đồ cũng học hành đến nơi đến chốn nên sau này là lãnh đạo Nhà máy in Tiến Bộ, rồi Liên hiệp xí nghiệp in Tiến Bộ. Hai em trai cụ Giá là Dương Thế Cao và Dương Thế Thượng đều làm ruộng và đông con. Các con cụ Cao và cụ Thượng đều là những gia đình tử tế, hầu hết con trai là cán bộ đã về hưu. Không ai trong gia đình nhớ rõ cụ Giá sinh năm nào trong khoảng 1883 – 1885. Trước khi đi lính, cụ lấy vợ là cụ Dương Thị Tố người làng bên cạnh. Cụ Tố là người con gái thôn quê làm ruộng chăm chỉ nhưng đặc biệt khéo tay trong nội trợ: Làm tương, làm bánh; cụ đã tham gia thi làm bánh ngon trong các dịp hội làng. Năm 1909, cụ sinh hạ được người con gái là Dương Thị Sắc.

 

Cụ Dương Thị Sắc năm nay đang ở tuổi 94 nhưng vẫn tỉnh táo, mắt tinh, tai thính, lưng thăng,… và đặc biệt phong độ rấ chuẩn mực. Khi người cha tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, thực dân Pháp đã về bắt toàn bộ gia đình cụ Giá lên giam ở nhà lao Thái Nguyên mấy tháng. Lúc đó cụ Sắc mới 9 tuổi, cụ nhớ rằng lúc đó chúng không đánh cụ nhưng chúng dọa nạt, dụ dỗ gia đình khai báo nơi ẩn náu của nghĩa quân và kêu gọi cụ ra hàng. Nhưng cả nhà chỉ nói là không biết, và thực tình cũng không biết gì. Sau thời gian giam giữ, khai thác không được gì, không làm nao núng được cụ Giá, nên chúng thả cho mọi người về.

 

Khoảng cuối năm đó (1917) thực dân Pháp đưa quân càn lên đất quê hương cụ Giá. Chúng bắt phu, đinh địa phương chặt tre thành cọc 2 mét, vót nhọn đầu, đóng ngược chiều thân tre lên tất cả mồ mả dòng tộc. Cũng từ đó, thực dân Pháp bắt chính quyền tay sai địa phương quản chế, dò xét, theo dõi nhất cử nhất động mọi thành viên gia đình để báo cáo chúng. Chúng bắt dân địa phương gọi cụ Giá là kẻ “Cầm đầu giặc cỏ”, gọi gia đình cụ là “Nhà giặc cỏ”. Chúng yêu cầu hễ thấy bất kỳ “Giặc cỏ” nào về làng hay ở đâu là báo cho nhà chức trách ngay.

 

Vào khoảng cuối tháng giêng năm Mậu Ngọ (1918), do nhớ vợ nhớ nhà, bếp A trong cánh quân khởi nghĩa trốn lẻn về nhà. Viên quản và Trương tuần báo lên phủ lúc đó đóng ở Núi Tòa – Phương Độ (Xuân Phương ngày nay). Bếp A bị bắt lên phủ tra xét. Thực dân Pháp bắt người “Giặc cỏ” nọ dẫn đường truy bắt nghĩa quân. Sau thời gian lùng sục, quân Pháp đã bao vây nghĩa quân trong một thung lũng ở cánh rừng Kim Lĩnh (xã Tân Kim – huyện Phú Bình ngày nay). Đối với nghĩa quân, đây là một cánh rừng hết sức “Quân sự” núi rừng trùng điệp, có suối bao bọc phía đông, một nhánh suối chảy giữa thung lũng, kề bên khe suối phía tây là quả đồi. Địa thế cho phép có thể quan sát xa, có thể lui binh về phía bắc để đi Đồng Hỷ hoặc vượt suối về phía đông vào dãy núi Cao để đi Yên Thế, Nhã Nam.

 

Trận huyết chiến ở đây quá không cân sức. Lực lượng nghĩa quân chỉ là một cánh quân của cuộc khởi nghĩa sau khi Thái Nguyên bị thất thủ, quân lính đã hao mòn quá nhiều sau nhiều trận đánh. Trước đó từ tỉnh lỵ đến trận Gia Sàng, trận Sơn Cốt, trận Xóm Đồi, trận Rừng Nứa,… Quân số ít, vũ khí quân lương đã vơi, nhưng nghĩa quân chiến đấu hết sức dũng cảm. Một số cụ kể lại là giặc bao vây quần nhau cả ngày, nghĩa quân thương vong phần lớn lực lượng nhưng còn thề với nhau: Nếu bị bắt, quyết không cho địch biết ai là ai, nói là Đội Giá trước khi khởi nghĩa đã chặt ngón tay thề cùng bác Cân và các lãnh tụ khác: “Cùng một lòng ra tay giành độc lập non sông” nên Pháp vẫn ngờ. Thế là cụ Giá cùng một số nghĩa quân bị bắt đi đày và cánh quân cuối cùng của nghĩa quân Thái Nguyên cũng bị tan rã. Cụ Giá là một trong những người cuối cùng của cuộc khởi nghĩa sa vào tay giặc. Đó là cuối mùa xuân năm 1918. Từ đấy cụ Giá trong tù đầy đã mang một cái tên khác. Tất cả số tù binh của Pháp này đều bị liệt vào diện cứng đầu bất trị.

 

Trong bản báo cáo của ông MOREL REVOIL (San Paul Marie), đại diện Chính phủ Pháp, phó văn phòng phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội gửi Chủ tịch và các thành viên Hội đồng tố tụng Đông Dương (trang 10,11) đã viết: “Cuộc nổi loạn nổ ra trong đêm 30 rạng ngày 31/8/1917 ở Thái Nguyên là sự nghiệp của ba viên đội khố xanh người An Nam là Trịnh Văn Cấn số lính 71 Dương Văn Giá số lính 697, Phạm Văn Trường số lính 788 và một số cai người An Nam là Dương Đình Xuyên số lính 789, chúng đã cố kết với hai tên lính tập trong doanh trại là tên Nông Văn Chân số lính 1935 và tên Ba số lính 1306, và tên đầu sỏ của một băng mang tên “Đề thám” trong nhà giam mang tên là Ba Chi, Lương Ngọc Quyến tức là Ba Quyến (con rể của cụ Can), Nguyễn Gia Cần và Ba Nho, những tên nổi loạn rõ ràng và 9 tên tù chính trị khác trong đó có 13 tên bị kết án đi đầy, 2 tên bị kết án khổ sai chung thân và 3 tên bị kết án 20 năm tù khổ sai”.

 

Như vậy, “Viên đội khố xanh” Dương Văn Giá là một trong ba “Viên đội” tạo “Sự nghiệp” khởi nghĩa. Thực tế và dân gian Thái Nguyên, Phú Bình đều vẫn dùng danh kép: Đội Cấn – Đội Giá. Cố nhiên, “Sự nghiệp” của “Ba viên đội khố xanh” không thể tách rời vai trò của một số tù chính trị Phạm trong đó có Ba Quyến (Lương Ngọc Quyến), càng không thể tách rời – mà trong chừng mực nhất định còn là kế thừa và phát triển hào khí và nhân tài của khởi nghĩa Yên Thế là “Sự nghiệp” do cụ Hoàng Hoa Thám khởi nghiệp. Cai lô gic của lịch sử ấy lại nằm ngay cả trong đời tư của Đội Giá: Viên đội khố xanh, sau là phó chỉ huy cuộc khởi nghĩa, đã lấy cô con gái người tù chính trị Phạm tại nhà lao Thái Nguyên làm vợ (vợ hai). Lai lịch bản quán của Bà được giữ kín đến nay chỉ với tích danh người con gái Kinh Bắc.

 

Cuối năm 1918, cụ Đội Giá bị đầy đi Đảo Côn Lôn (Côn Đảo). Để ở Côn Đảo giặc Pháp thấy không yên lại đày tiếp đi một số nơi qua đại dương mênh mông: Tân thế giới, Maddagatssca, cuối cùng là đất nước Vênêduyela xa lạ (Thư 1958). Ở đó cụ lấy một người con gái bản địa, sinh được 3 (ba) người con (thư 1960).

 

Sống nơi đất khách quê người, lòng cụ canh cánh nhớ về quê hương đất nước. Cả hai lá thư (1958,1960) cụ đều tỏ ra không biết được tin tức gì về quê hương đất nước; không biết được Đất mẹ Việt Nam đã có Đảng lãnh đạo, đã có cách mạng tháng tám chấn động địa cầu, đã là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sự thực đã thành một nước Việt Nam độc lập. Trong cả hai thư cụ đều hỏi dò về tình hình đất nước để tìm cơ hồi hương.

 

Than ôi! Con cháu của cụ luôn và mãi bái phục cụ tận đáy lòng, thương cảm cụ tận tâm can, nhưng chưa tìm được sợi dây liên hệ nào với cụ và thân quyến sau này của mình.

 

Vả lại! con cháu cụ cũng cứ tự nhủ lòng: Ông Đại Bàng chắc đã mỏi cánh lìa cành ở bên kia đại dương, vì ông đã hơn trăm năm đạp gió vờn mây.

 

Xin được rút thẻ hương trong rương thờ thắp trước đất trời (Không ai dám lập bàn thờ cụ vì “biết đâu người còn hiện sinh nơi nửa kia quả đất”, cầu mong danh cụ xưa chưa đặng nay mãi thơm; quê hương, tổ quốc cụ mãi sáng như ước muốn của cụ lúc cầm quân đánh giặc.

 

Trần Nhật Ký (Theo Thái Nguyên Đất và Người)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com