Cử nhân 9x về quê làm trà mãng cầu xiêm, lãi 25-30 triệu/tháng
- 18/05/2018
- Ban Thông tin truyền thông
- 2009
Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Cần Thơ, nhưng Dương Minh Trung lại quyết định về quê lập nghiệp, thực hiện ước mơ làm trà mãng cầu xiêm phục vụ trong nước và xuất khẩu, mỗi tháng lãi 25-30 triệu đồng.
Bán trái tươi dễ được mùa, rớt giá
Dương Minh Trung (28 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Quê em có rất nhiều mãng cầu, nếu bán trái tươi dễ rơi vào tình trạng trúng mùa, rớt giá, mà giá bán thường không cao. Loại trái cây này đã chín là khó bảo quản, nhanh hỏng. Nếu làm trà từ mãng cầu xiêm thì giải quyết được những hạn chế đó”.
Lao động của cơ sở Cẩm Thiều đang xắt mãng cầu xiêm để làm trà.
Với ưu thế sạch 100%, trà mãng cầu xiêm Cẩm Thiều được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay Trung đã có nhiều đại lý phân phối sản phẩm tại Bình Dương, TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng… |
Với lợi thế là gia đình có sẵn 10 công (1.000m2/công) trồng mãng cầu xiêm đã cho thu hoạch, mỗi ngày Trung hái khoảng 100kg trái và thu mua thêm từ các hộ lân cận. Cứ 12kg mãng cầu xiêm tươi sau khi chế biến sẽ được 1kg trà mãng cầu. Mỗi tháng cơ sở sản xuất của Trung có được từ 250-270kg trà mãng cầu xiêm khô. Với giá bán 500.000 đồng/ký, trừ các chi phí đầu tư chăm sóc, thuê nhân công chế biến, Trung còn lãi khoảng 25-30 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm trà mãng cầu thương hiệu Cẩm Thiều do Dương Minh Trung sản xuất đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng, xác nhận không sử dụng hóa chất và phẩm màu. Không chỉ có mùi vị thơm ngon đặc trưng, trà mãng cầu xiêm còn có tác dụng tăng cường sức khỏe, giúp ăn ngon, ngủ tốt, điều hòa huyết áp… nên được nhiều người ưa dùng. Hiện nay Trung đã có nhiều đại lý phân phối sản phẩm tại Bình Dương, TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng…
Mở rộng thị trường
Dương Minh Trung giới thiệu về những vỉ phơi mãng cầu xiêm.
Dương Minh Trung cho biết, để chế biến trà, mãng cầu xiêm được xắt nhuyễn, phơi nắng trên các tấm vỉ sạch khoảng 2-3 ngày. Công đoạn tiếp theo là sao nguyên liệu trà trên ngọn lửa được giữ độ nóng thật đều. “Sao trà được xem là công đoạn khó nhất trong suốt quá trình chế biến. Cuối cùng là khâu đóng gói thành phẩm và xuất bán ra thị trường…” – Trung thổ lộ.
Không chỉ mang lại thu nhập khá ổn định cho gia đình mà cơ sở chế biến trà mãng cầu của Dương Minh Trung còn tạo việc làm quanh năm cho 12 lao động nữ tại địa phương với tiền công từ 100-120.000 đồng/người/ngày.
Dương Minh Trung bên vườn mãng cầu xiêm 10 công của gia đình.
Hiện nay Trung đã đầu tư máy sấy khô để chủ động việc sản xuất những lúc trời mưa không phơi được nguyên liệu. Anh cũng chuẩn bị sắm máy xắt mãng cầu để nâng cao tiến độ sản xuất. Cạnh đó, anh còn nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến mẫu mã, bao bì cho phù hợp và an toàn khi vận chuyển đi xa.
Dương Minh Trung phấn khởi báo tin vui, đã có nhiều doanh nghiệp từ Mỹ, Cannada, Úc… đặt hàng trà mãng cầu với số lượng lớn. Để đáp ứng các đơn hàng, Trung đang tất bật mở rộng diện tích nhà xưởng, thuê mướn thêm lao động, hợp đồng mới với các hộ trồng mãng cầu xiêm vùng nguyên liệu…
Theo danviet