“Cửa hàng 0 đồng” dành cho người nghèo ở An Giang
- 09/07/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 1518
Ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang gia đình ông Dương Ngọc Thạch (mọi người thường gọi là chú Út Cọp) ở bỏ tiền túi cả trăm triệu đồng xây cất “Cửa hàng 0 đồng” với diện tích hơn 50m2, trên phần đất nhà nằm cặp con lộ liên xã.
Nguyên nhân khiến chú Út Cọp bỏ công sức, tiền của để lập “Cửa hàng 0 đồng” này là do thời điểm dịch bệnh Cô vít -19, thấy bà con gặp nhiều khó khăn nên chú mong muốn làm được điều gì đó để giúp đỡ bà con khó khăn. Mong muốn này của chú được cả vợ con nhiệt tình ủng hộ nên cửa hàng 0 đồng ra đời phần nào giúp cho bà con nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
“Cửa hàng 0 đồng” hình thành với 4 gian nhà tiền chế, có đầy đủ đồ tiêu dùng thiết yếu, kể cả đồ may mặc mới dành cho người lao động nghèo. Chị Nguyễn Thị Chúc, ngụ ấp Mỹ Hội, nhà có 2 vợ chồng với 3 con, con lớn đã lập gia đình, còn 2 con nhỏ, đang chuẩn bị vào mẫu giáo và học lớp 1. Trước đây, chồng chị còn khỏe mạnh, hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn lo cho gia đình. Nhưng hơn một năm trở lại đây, anh bị bệnh gan, mình chị đi làm với đồng lương mỗi tháng hơn 3 triệu đồng từ công việc phụ việc nhà, trở thành nguồn thu duy nhất để lo cho cả nhà và thuốc men cho chồng. Từ ngày có cửa hàng này, chị cũng bớt được một phần chi phí sinh hoạt, dành tiền lo cho chồng, con. Chị Nguyễn Thị Chúc, ấp Mỹ Hội xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới cho biết: “Có cửa hàng này mở ra tôi cũng đỡ khổ, bởi nhờ cửa hàng mà những người nghèo như tôi có cơm ăn áo mặc, được cung cấp nhu yếu phẩm để chúng tôi vơi bớt khó khăn. Tôi rất cảm ơn người lập ra cửa hàng bán mà không tiền này!”.
Ông Đặng Phước Thọ, 57 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thuận, trước đây cũng có một cuộc sống bình thường với công việc khá ổn định, nhưng không may 2 năm trước bị tai nạn lao động, không còn khả năng làm việc. Hiện ngoài khoản tiền chu cấp của 2 người con đang làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi khi cần ông đều đến cửa hàng để lựa chọn thực phẩm về tiêu dùng.
Việc làm của chú Út Cọp được nhiều người biết đến, cảm kích trước tấm lòng của chú, nhiều người đã cùng chung tay để duy trì cửa hàng. Ở cái tuổi ngoài 70, bà Dương Thị Mỹ Lệ, thường xuyên dành một phần tiền con cháu phụng dưỡng tuổi già để đóng góp cho “Cửa hàng 0 đồng” của chú Út Cọp để lo cho người nghèo. Bà Lệ cho biết: “Tôi thấy việc làm của em Út Cọp rất ý nghĩa, nên tôi hùn chút phước với em Cọp để cho bà con người ta có bớt đi khó khăn trong cuộc sống. Vui lắm! Khả năng của tôi bao nhiêu thì góp bấy nhiêu nên tháng nào cũng có chuyện để làm. Bây giờ lão rồi, con nó cho thì mình tiết kiệm góp tiền để mua lương thực, thực phẩm giúp người nghèo”. Còn chủ “Cửa hàng 0 đồng” – ông Dương Ngọc Thạch thì cho biết thêm: “Cũng có nhiều bà con xóm giềng xúm lại chung hùn với nhau cùng góp mua đồ để cấp cho bà con trong xã Mỹ Hội Đông và các xã lân cận, những người khó khăn đến thì tôi cũng phát hết cho bà con. Có bao nhiêu thì phát bấy nhiêu, lúc nào tôi cũng mong muốn “Cửa hàng không đồng” phát triển bền lâu để giúp cho bà conm chứ tôi không có muốn làm vài ngày, vài bữa rồi nghỉ. Tôi cũng mong trong xã hội, bà con ngày càng giảm bớt khó khăn, từng bước thoát nghèo”.
Theo phân công của chú Út Cọp thì cửa hàng chỉ có 2 người phụ trách tiếp nhận phiếu, người hướng dẫn bà con chọn món đồ mình cần là con gái và vợ chú. Tuy nhiên, đến cửa hàng thì không lúc nào dưới 5 người. Bởi thấy việc làm ý nghĩa, nên không ai bảo ai mà mọi người cùng đến xúm tay vào giúp. Người phụ sắp xếp đồ, người lau chùi quét dọn, để cửa hàng lúc nào cũng được sạch sẽ, ngăn nắp. Em Trần Thị Anh Thư, người phụ giúp “Cửa hàng không đồng” cho biết thêm” “Buổi sáng, con phụ giúp cho bà Út sắp xếp hàng hóa, vô gạo, muối và dọn dẹp cửa hàng. Vì đây là việc từ thiện giúp được cho mọi người. Con thấy làm việc làm từ thiện này thì rất là vui nên con cũng dành thời gian giúp cho ông, bà Út”.
Ban đầu dự định phục vụ mỗi ngày, tuy nhiên nhận thấy để phục vụ lâu dài và điều quan trọng là cho đúng người, đúng đối tượng, nên chú Út Cọp đã nhờ địa phương hỗ trợ danh sách hộ nghèo, cận nghèo, theo đó chú làm phiếu để phát cho những ai thật sự khó khăn. Sau hơn 1 tháng hoạt động, từ nguồn đóng góp của gia đình, anh chị em… đến nay cửa hàng đã phục vụ cho hơn 700 lượt bà con nghèo với số tiền trên 20 triệu đồng, trong đó có nhiều người sống trong vùng sạt lở sông Vàm Nao.
Người cho muốn người nhận có thêm điều kiện hơn để bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống. Vì thế người nghèo sẽ được tiếp thêm động lực vì họ biết rằng ngoài kia còn nhiều người khó khăn hơn, và lấy đó làm động lực thoát khỏi cảnh khó nghèo.
Dương Bảo – Kiều Tiên