Cựu chiến binh Dương Thị Thế Thanh ngọt ngào hai tiếng sẻ chia

May mắn sống sót trở về sau những loạt mưa bom bão đạn trong chiến tranh, cựu chiến binh Dương Thị Thế Thanh hiểu được giá trị của cuộc sống, vì thế mà bà cố gắng làm việc thiện nghĩa để đền đáp cuộc đời.

Cũng không phải là người dư giả nhưng suốt hơn 10 năm qua chuyện về người cựu chiến binh Dương Thị Thế Thanh ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) miệt mài đi xin rồi cho lại những người có mảnh đời khó khăn bất hạnh, éo le hơn mình làm không biết bao nhiêu người phải khâm phục. Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy, đã và đang mang đến hơi ấm tình người, để cuộc đời ý nghĩa, tươi đẹp hơn.

Từ những việc làm từ thiện như nấu cơm, nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo, đến kêu gọi thiện nguyện ủng hộ thiện nguyện… việc gì mang lại những điều tốt đẹp cho những mảnh đời khó nhọc bà cũng đều sẵn sàng ra tay để làm. Cắt nghĩa vì sao đến với việc làm từ thiện, bà Thanh chia sẻ: “Có gì đâu! Năm 17 tuổi, tôi theo cách mạng, làm giao liên. Trong lần chống địch đi càn, bom xăng làm cháy cả tóc, mặt, tay co quắp… Còn sống là may mắn lắm rồi. Nghĩ thế mà tôi cố gắng làm việc nghĩa ở đời”.

Bà Dương Thị Thế Thanh hỗ trợ phụ nữ ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) giỏ xách nhựa để đi chợ.

Việc làm từ thiện xuất phát từ nhiều năm trước đây mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương còn sót lại của thời bom đạn lại lên cơn đau khiến bà phải nằm viện. Những ngày nằm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh, sau những cơn đau, bà tận mắt chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của những bệnh nhân nghèo. Có người bệnh tật đến bệnh viện nhưng không có tiền, đành ăn cơm với muối trắng. Biết bao giọt nước mắt của người nghèo lăn trên má vì thiếu tiền chữa bệnh cho cha mẹ, con cái. Riêng bản thân bà, trong những ngày ở bệnh viện có nhiều người già thấu hiểu hoàn cảnh đã mua giúp miếng cháo, dìu đỡ đi lại… Cảm động trước sự sẻ chia của mọi người, bà Thanh tự hứa với lòng khi bớt bệnh sẽ làm một việc gì đó để giúp đỡ những người nghèo khó, ốm đau. Bà chắt chiu đồng lương ít ỏi của chồng gửi cho bà về ăn uống, thuốc thang, đôi ba tuần lại mua nguyên liệu nấu cháo mang đến bệnh viện phát cho bệnh nhân nghèo.

Bà Thanh kể: “Trước đây, nhìn dáng người nhỏ thó, gầy nhom của tôi mỗi khi mang cháo đến bệnh viện, có người lắc đầu bảo: “Nghèo khó, bệnh tật mà làm chi cho khổ thân”. Còn bây giờ khi vận động được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ có cả trăm suất cháo cho bệnh nhân nghèo, thì người đời lại bảo: Nghèo mà cứ đi xin rồi… cho lại, làm chi cho mệt”. Bỏ ngoài tai những lời “nói ra” ấy, bà Thanh vẫn cứ làm việc mà lương tâm mình mách bảo.

Nồi cháo từ thiện phát cho những người khó khăn do bà Dương Thị Thế Thanh đảm nhiệm

Từ 3 giờ sáng bà Thanh phải thức giấc để nấu cháo. Khi trời vừa sáng thì bà đã có mặt ở bệnh viện. “Những bệnh nhân cao tuổi, không có người chăm sóc, khi trao cho họ bát cháo, ánh mắt họ vui, mình thấy ấm lòng”, bà Thanh chia sẻ.

Thấy việc làm của bà Thanh ý nghĩa, lâu dần nhiều người tin tưởng và góp tiền để cùng bà thực hiện công tác thiện nguyện. Người tình nguyện đóng góp 50.000 đồng, người thì 100.000 đồng… Có người ở tận Thành phố Hồ Chí Minh chưa hề biết mặt bà mà vẫn tình nguyện đóng góp đều đặn mỗi tháng 500 nghìn đồng để cùng bà nấu cháo. Thế là cũng từ đó, nồi cháo tình thương của cựu chiên binh Dương Thị Thế Thanh có điều kiện để duy trì và lớn dần, đến nay đã gần 10 năm.

Thấy vợ chồng bà Thanh làm việc nghĩa, những người hành nghề xe ôm, xe ba gác ở xóm cũng xắn tay vào việc nấu cháo, nấu cơm, chở đến bệnh viện phát cho người nghèo. Vì thế nồi cơm, nồi cháo tình thương ngày càng lớn. Có ngày nhóm nấu 400 – 500 suất cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo. Anh Ngô Tấn Sơn, ở cùng xóm với bà Thanh, làm nghề chạy xe ba gác chia sẻ: “Thấy chị Thanh bệnh tật, sức khỏe yếu mà còn giúp người bệnh nên tôi có chiếc xe ba gác làm thuê thu nhập chẳng nhiều gì nhưng mình cũng có nghĩa vụ giúp chị một tay”.

“Nay thì tôi giàu lắm!”, bà Thanh nói vui. Bây giờ, bà Thanh là địa chỉ tin cậy được nhiều người gửi gấm tấm lòng san sẻ với người nghèo. Lúc thì có người gọi điện thoại rồi chuyển khoản, lúc thì trao trực tiếp vài trăm nghìn đồng. Có người làm ăn khá giả còn gửi mấy triệu đồng. Số tiền ấy bà Thanh đều ghi chép cẩn thận, bởi “làm công tác từ thiện cần có sự rõ ràng, minh bạch”.

 Như Cương

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com