Danh nhân Dương Hiển Tiến
- 08/09/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 2751
Điện Phong – Gò Nổi là vùng đất được mệnh danh là Địa linh nhân kiệt. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao nhân tài xuất chúng. Đặc biệt ở đây dòng họ Dương có Cụ nghè Dương.
Tên đầy đủ của cụ là Dương Hiển Tiến, tục gọi là Nghè Dương, Giáo Dương. Cụ sinh năm 1874 trong một gia đình thuộc hậu thế đời thứ 10 dòng dõi Hoằng nông Dương tộc ở làng Cẩm Lậu (nay thuộc thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong). Tư chất thông minh, thưở nhỏ càng học càng sáng dạ, đặc biệt có chí cầu tiến vượt khó vươn lên trong học tập.
Vượt khó
Thời còn để chỏm, Dương Hiển Tiến được một thầy đồ trong làng nhận khai tâm mở trí. Nhưng gia cảnh quá nghèo, cha mẹ dẫu cố gắng một nắng hai sương, xoay xở cho con yên phần ăn học, nhưng đường học của Dương Hiển Tiến càng dài thì gia đình càng khánh kiệt. Hoàn cảnh khó khăn, lại cha đau mẹ yếu, nhưng chưa bao giờ cụ có ý định bỏ chuyện bút nghiên. Rồi cụ tìm cách tự giúp mình để gia đình đỡ nhẹ một phần lo. Chiều ý con, người cha dẫn cụ sang xin cụ Tú Thầy để được giúp việc (cụ Tú là thầy đồ dạy học, người tộc Đoàn ở làng Phú Bông). Phận nhà nghèo, không đủ cơm áo gạo tiền để theo học, hình ảnh các bạn cùng trang lứa ngồi trong lớp nghe cụ Tú giảng bài cứ ám ảnh ngay cả trong giấc ngủ của cụ. Ngày lại ngày qua, cụ vẫn cần mẫn với công việc được giao, nhưng tâm trí lại để về phía lớp học của cụ Tú. Một hôm, cụ Tú Thầy ra vế đối cho cả lớp: “Ngói đỏ lợp nhà Nghè”. Cả lớp lóng ngóng, không một cậu học trò nào đối chỉnh. Đang trong lúc bực mình, cụ Tú Thầy rời lớp, ra vườn thư giãn. Nhân cơ hội này, cụ Dương bèn lễ phép thưa:
– Dạ, thưa thầy, nếu thầy cho phép con xin được đối ạ!
Cụ Tú thầy rất ngạc nhiên, liền hỏi:
– Thế hồi nãy giờ, cậu lắng nghe cả ư? Được, cậu cứ đối!
– Dạ thưa, về thầy ra là: “Ngói đỏ lợp nhà Nghè”
Con xin đối lại: “Đá xanh xây cầu Cống”!
Quá bất ngờ về một đứa trẻ làm vườn lại có một vế đối hết sức chỉnh, khí khái phi phàm. Cụ lấy làm tâm đắc và ngạc nhiên hỏi:
– Thế cậu học ai vậy?
– Dạ thưa, xưa nay con vẫn học của Thầy đấy ạ!
Nghe đến đây, cụ Tú Thầy bàng hoàng. Ông lấy làm xúc động và tự trách mình đã vô tâm trước một tài năng trẻ ngay bên cạnh mình. Rồi cụ ôn tồn bảo:
– Bắt đầu từ ngày mai, con hãy vào lớp ngồi đàng hoàng mà học!
Sau đó, ông còn nhận cụ làm con nuôi để đỡ đầu mọi việc. Từ đó, con đường học của cụ bước sang một giai đoạn mới, không như trước đó, thiếu giấy mực, đèn dầu, cụ tập viết trên lá chuối, lượm gạch trên bãi cát làm son mực, đêm đêm đốt lá làm đèn. Từ ngày được cụ Tú Thầy nhận đỡ đầu, Dương vơi bớt nỗi nhọc nhằn trên bước đường học vấn.
Mộ cụ Dương Hiển Tiến
Thành tài
Sau năm tháng dùi mài đèn sách, nung kinh nấu sử, trau dồi ý chí, đến năm Nhâm Thìn 1892, cụ đem tài năng thi thố trong kỳ thi hương và đỗ tú tài hạng xuất sắc. Mãi 6 năm sau đó, vua Thành Thái niên đại thứ 10 mở hội khoa thi Mậu Tuất 1898. Tại kỳ thi hội này, những sĩ tử Quảng Nam đã làm nên một kỳ tích, không hổ thẹn lời nguyền:
“Bất đạt huỳnh kỳ bất quy Diên Phước địa
Bất đăng hổ bảng bất đáo Hải Vân Quan”
(Không đạt cờ vàng không về đất Diên Phước
Không đề danh bảng hổ không quay lại đèo Hải Vân).
Quả vậy, cùng một lúc Quảng Nam có 5 vị đỗ đại khoa. Trong đó cụ Dương Hiển Tiến đề danh bảng Ất vị thứ 3/9 Phó Bảng. Sự kiện vang danh rực rỡ này đã trở thành sự ngưỡng vọng của sĩ tử từ Nam chí Bắc, bởi trong tiền lệ thi cử của nước Nam chưa từng có.
Sống giản dị, chết thanh cao
Sau khi đỗ đạt, cụ nghè Dương được vua ban chức Huấn Đạo (dạy học cho con vua và các con quan trong triều nội). Thế nhưng, với đường công danh, cụ nghè Dương không còn mặn mà bởi cảnh đất nước nhiễu nhương, cường quyền loạn lạc. Ngày lại ngày, cụ phải chứng kiến những việc chướng tai gai mắt, trái ngược đạo lý ở đời. Đó đây vây cánh bè phái xu thời, nịnh bợ, đục khoét quốc khố. Triều đình mặc kệ thù trong giặc ngoài, dân tình lầm than, đói khổ…
Vốn là người có tầm học thức sâu rộng, lại thêm đức tính vị tha nhân hậu, càng nghĩ, cụ càng thấy đau xót. Chỉ vỏn vẹn hơn 1 năm hưởng lộc vua, cơm áo tuy đượm về vật chất nhưng rất nhạt tình người, cụ sớm cáo quan về quê mở trường dạy học.
Tiếp thu phong cách lễ nghĩa của cụ Tú Thầy, cộng với đức độ tài năng, môn sinh khắp nơi kéo đến tầm sư học đạo mỗi ngày thêm đông. Người đương thời hết mực trọng cụ giáo Dương, xem cụ là mẫu mực lễ nghi. Cụ cũng bao lần dùng lời lẽ khôn khéo, tài năng xuất chúng của mình để giao tiếp với quan trên, che chở, giúp đỡ dân lành. Tài cao đức rộng của cụ vang khắp huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn lúc bấy giờ.
Đang độ tuổi sung mãn, cụ đột ngột ra đi ở tuổi 34 (1874-1907) bởi một cơn bạo bệnh hiểm nghèo, để lại sự tiếc nuối khôn nguôi trong gia đình, dòng tộc, sự tiếc thương của bạn đồng môn và môn sinh, dân chúng.
Nghiên mực tàu cũ kỹ, ống bút lông cán trúc tự tạo, những pho sách ố màu thời gian… là tất cả sự nghiệp của cụ nghè Dương để lại. Nhìn gia cảnh quá đơn sơ, giản dị đến mức thanh bạch lạ thường, mọi người, đặc biệt là những đồng môn của cụ sửng sốt đến chạnh lòng. Chia sẻ, cảm thông và để tỏ rõ sự mến mộ với bạn hiền, cùng với các môn sinh, họ đã cùng nhau góp sức chung tay mai táng, dựng bia, xây mồ yên mả đẹp cho người ra đi yên giấc ngàn thu.
Nhưng rồi, quê hương Gò Nổi đắm chìm trong binh đao khói lửa. Mồ mả cha ông bị cày xới hoang tàn, mộ cụ nghè Dương cũng cùng chung số phận. Năm 1976, theo chủ trương quy hoạch chung của địa phương, mộ cụ được di dời cải táng theo phần mộ của tổ tiên dòng tộc. Đến năm 1989, Phòng VHTT huyện Điện Bàn phối hợp cùng chính quyền xã, các nhân sĩ trí thức, cùng con cháu dòng tộc đã trùng tu mộ cụ. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 27 năm trùng tu, trong khoảng diện tích hạn hẹp, công trình trên không còn đủ sức gánh vác trọng trách là mái ấm ngàn thu của một bậc hiền nho danh sĩ! Lăng mộ cụ nghè Dương sớm được nâng cấp, bảo tồn là điều mà bao người đang trăn trở và mong mỏi!
Hôm nay, 16 tháng 8 năm 2016 nhằm ngày 14 tháng 7 âm lịch năm Bính Thân con cháu thuộc dòng dõi Dương Hiển tộc đang thực hiện lễ cúng Vu Lan ( Rằm tháng bảy) hàng năm tại nhà thờ tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, cầu con cháu trên dưới một lòng đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau. Sau lễ cúng các ông, các bác, các chú và các anh trong tộc đã phổ biến việc chuẩn bị cho Lễ hội Mùa Xuân Họ Dương năm 2017.
Dương Thị Lý – Ủy viên HĐHD khu vực MT-TN, Phó Chủ tịch HĐHD tỉnh Quảng Nam