Đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức trong lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại
- 10/01/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 1433
Với Dương Ngọc Đức và một số đạo diễn khác thuộc thế hệ Anh và các thế hệ tiếp sau, nghệ thuật đạo diễn của sân khấu Việt Nam đã hình thành những cá tính sáng tạo mang phong cách rõ nét.
Những đóng góp của Anh cho nghệ thuật đạo diễn nói riêng và cho sân khấu Việt Nam hiện đại nói chung là rất đáng kể, nếu không nói là rất lớn lao. Đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức đã ra đi, nhưng Anh để lại trong tâm trí của các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhiều thế hệ những ấn tượng không thể nào quên, những dấu vết không thể phai nhoà về một nhân cách nghệ sĩ, một tư thế lãnh đạo và một người bạn, người đồng chí nhân hậu. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến một phương diện khác: vai trò của Anh trong lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại, một vai trò sẽ ngày càng làm cho hình bóng Anh lớn cao hơn, tên tuổi Anh rạng rỡ hơn.
Lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại (thế kỷ 20) được đánh dấu bằng một sự kiện trung tâm: kịch nói ra đời và phát triển nhanh chóng, nhất là về mặt kịch (văn học). Nhưng nhìn chung sự phát triển của kịch nói nói riêng và của sân khấu Việt Nam hiện đại nói chung, cho đến giữa thế kỷ 20 vẫn là phát triển trong xu thế vươn tới một nền sân khấu chuyên nghiệp- thể hiện ở một nhân tố cực kỳ quan trọng : nghệ thuật đạo diễn. Mặc dù suốt gần một nửa thế kỷ ấy, sân khấu đã có một vài tên tuổi đạo diễn như Thế Lữ, Chu Ngọc, Trần Hoạt, nhất là Thế Lữ, người đặt nền móng cho nghệ thuật đạo diễn của sân khấu Việt Nam. Nhưng ngay cả Thế Lữ, vẫn chỉ là một đạo diễn hoạt động sáng tạo trong xu thế bán chuyên nghiệp vươn tới chuyên nghiệp hoá.
Phải đến những thập kỷ đầu của nửa cuối thế kỷ 20, khi Dương Ngọc Đức cùng một thế hệ đạo diễn được đào tạo một cách chính quy bài bản tại các nước có nền sân khấu chuyên nghiệp hiện đại, đặc biệt là tại Liên Xô, thì nghệ thuật đạo diễn trong sân khấu Việt Nam mới thực sự hình thành, lớn mạnh với một đội ngũ đông đảo hiện diện với tư cách là những tác giả của vở diễn, góp phần không nhỏ vào việc đưa sân khấu kịch nói, nói riêng, và sân khấu Việt Nam hiện đại nói chung, đến một bến bờ mới: bến bờ của nền sân khấu chuyên nghiệp.
Với tài năng và có thể nói là tài hoa của mình, đạo diễn Dương Ngọc Đức đã dàn dựng nhiều vở diễn cho nhiều đoàn kịch, nhà hát trên phạm vi toàn quốc, như ta đã biết. Song ở đây, tôi muốn nói đến cái phẩm chất chuyên nghiệp của những vở diễn ấy, những vở diễn có sứ mệnh làm đổi thay cả diện mạo và thể chất của một đoàn kịch, một nhà hát : Masa của Đoàn kịch nói Hải Phòng, Tấm vóc Đại Hồng của Đoàn chèo Hải Phòng, Tiền tuyến gọi, Đại uý Xôfronôp (Những người Nga), Hẹn ngày trở lại của Đoàn kịch nói Hà Nội, Mối tình Đuôn Naly, Ngọc Hân công chúa, Người đẹp xứ Tây Lăng của Đoàn chèo Hà Nội, Thiên diễm tình, Cây đàn huyền thoại của Đoàn Cải lương-nhà hát Cải lương Trung ương, Đôi mắt, Người cầm súng, Căn nhà mầu hồng ngọc, của Đoàn kịch nói Trung ương, Nhà hát kịch Việt Nam, Mười đoá phong lan của Đoàn kịch nói quân đội…Ấy là chưa kể các vở diễn mà Anh đã dàn dựng cho các đoàn khác, trên địa bàn sân khấu toàn quốc, nhất là sân khấu phía Bắc, trong đó có những vở diễn nổi tiếng, như trường hợp vở Nước mắt vua Đinh của Đoàn Chèo Ninh Bình….
Đó là những vở diễn hoặc là góp phần đấnh dấu sự đổi mới của cả một kịch chủng, như trường họp các vở chèo Tấm vóc Đại Hồng, Ngọc Hân công chúa, nó mang đến cho sân khấu Chèo một bộ mặt mới sáng sủa, đẹp đẽ, hoàng tráng, một thể chất mới, trữ tình, một xu thế mới, văn hoá hoá. Hoặc là làm tao nhã, sang trọng cho một nghệ thuật bằng sự sáng tạo một đời sống văn hoá, thẩm mỹ của vở diễn như trường hợp vở Cây đàn huyền thoại. Hoặc là làm đổi thay bộ mặt của cả một đoàn kịch như trường hợp các vở Tiền tuyến gọi của Đoàn kịch nói Hà Nội, Misa của Đoàn kịch nói Hải Phòng, vở Nước mắt vua Đinh của đoàn Chèo Ninh Bình…Hoặc góp phần đáng kể vào việc làm hình thành một xu thế mới cho cả một kịch chủng, xu thế sử thi hoá của kịch nói, cái xu thế có tác dụng mở rộng khả năng diễn tả hiện thực vĩ mô trong hình thức vĩ mô của sân khấu, mà vở Hẹn ngày trở lại cùng với vở Bài ca Điện Biên (tổng đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Nhà hát kịch Việt Nam) và một vài vở khác là những vở tiêu biểu.
Với Dương Ngọc Đức và một số đạo diễn khác thuộc thế hệ Anh và các thế hệ tiếp sau, nghệ thuật đạo diễn của sân khấu Việt Nam đã hình thành những cá tính sáng tạo mang phong cách rõ nét. Cái nét độc đáo và có thể nói là đặc sắc trong phong cách đạo diễn của Dương Ngọc Đức là xu thế huyền thoại hoá. Tôi dùng khái niệm huyền thoại hoá không trong ý nghĩa thể loại mà chỉ trong ý nghĩa loại hình. Có thể nói rằng, ngoài những phẩm chất mang tính phong cách sáng tạo, như chất trữ tình mà nhiều người đã nhận xét (tiến sĩ Trần Đình Ngôn từng cho rằng Dương Ngọc Đức là người làm thơ bằng sân khấu – trong cuốn Viết trước lúc rạng đông sắp xuất bản) thì phong cách nổi bật nhất và cũng có hiệu quả nghệ thuật nhất trong sáng tạo đạo diễn của Dương Ngọc Đức là xu thế huyền thoại hoá.
Có thể nói rằng không một vở diễn vào của Anh là sự mô phỏng hiện thực khách quan. Anh luôn luôn tạo nên trong vở diễn của mình một thế giới, một vũ trụ đầy tính huyền thoại, nó là sự sáng tạo của Anh, do Anh, cùng với tập thể nghệ sĩ diễn viên, nhạc sĩ, hoạ sĩ…tưởng tượng nên và thể hiện nên trên sàn diễn. Ta có thể lấy một ví dụ: trương hợp vở Người cầm súng, một vở kịch nổi tiếng của Pôgôđin, mà sân khấu Xô Viết đã dàn dựng rất công phu và thành công với hình tượng Vlađimia Ilich Lênin của nước Nga, của cách mạng Nga một thời kỳ. Vào tay Dương Ngọc Đức, với cá tính sáng tạo của mình, Anh đã xây dựng nên một Lênin vừa Nga, vừa Việt Nam, một Lênin trong thế giới huyền thoạim khi mà hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Nga, của giai cấp vô sản toàn thế giới hiện lên trong âm vang từ một thế giới, một vũ trụ nào đó những lời da diết của Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Những lời thần thánh của Hồ Chủ tịch và hình dáng vĩ đại của Lênin hoà quyện lấy nhau giữa giai điệu của một bản dân ca Việt Nam đã tạo nên một thế giới huyền thoại rất Dương Ngọc Đức trên sân khấu. Cái thế giới kỳ diệu chỉ hiện lên trong giờ phút ấy rồi tan biến vào không gian và thời gian, và chỉ để lại dấu vết trong ký ức, trái tim khán giả.
Và như vậy, rõ ràng là đạo diễn Dương Ngọc Đức cùng với một thế hệ đạo diễn mà sắc xảo nhất là Nguyễn Đình Nghi, đã góp phần rất lớn vào sự nghiệp chuyên nghiệp hoá sân khấu kịch nói, nói riêng, sân khấu Việt Nam hiện đại, nói chung.
Những tên tuổi ấy chắc chắn sẽ được viết bằng những dòng vàng trong lịch sử sân khấu Việt Nam hiện đại.
Dương Thủy sưu tầm http://toquoc.vn/