Đề dẫn Hội thảo: Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam
- 09/11/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 3027
PGS.TS Trần Đức Cường
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Kể từ khi nhà nước đầu tiền ra đời trên đất nước ta – Nhà nước Văn Lang vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, dân tộc ta đã trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, luôn đối phó với bao thiên tai và địch họa, chống lại các cuộc xâm lược ngoại bang. Dân tộc ta từ thế hệ này sang thế hệ khác đã cần cù, sáng tạo trong dựng xây để chúng ta có được giang sơn, gấm vóc như ngày hôm nay, cùng để lại những giá trị tinh thần cao đẹp về ý thức tự chủ, tự cường, ý thức độc lập là những giá trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhằm đối phó với mọi thế lực xâm lược.
Trong dòng chảy của lịch sử, đã biết bao lần dân tộc ta phải đối phó với những thế lực hung bạo nhất, không chỉ với mưu đồ áp bức, nô dịch nhân dân ta mà còn thực hiện âm mưu thâm độc đồng hóa dân tộc ta, biến nước ta thành quận huyện. Lịch sử Việt Nam hơn 1.000 năm là những năm tháng khắc nghiệt ấy. Đó là thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của nhân dân ta, trải qua các triều đại phong kiến Trung Quốc từ Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương đến Tùy Đường… kéo dài từ năm 179 trước Công Nguyên khi Triệu Đà chiếm được Âu Lạc năm 905 là năm cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ hoàn toàn thắng lợi, chính quyền nhà Đường bị lật đổ và nước ta giành quyền tự chủ trên cơ sở xóa bỏ bộ máy hành chính đô hộ cũ của nhà Đường để thành lập một bộ máy quản lý đất nước riêng của mình.
Năm 618, ở Trung Quốc, nhà Tùy đổ, nhà Đường được thành lập, tiếp tục đô hộ nước ta. Sau đó không lâu, năm 622 nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam tổng quản phú. Đến năm 679 nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam tổng quản phủ. Đến năm 679 nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ cai quản 12 châu, trong đó có Giao Châu, Phong Châu, Trường Châu, Ái Châu, Phúc Lộc Châu, Diễn Châu, Hoan Châu. Nhà Đường tiếp tục thực hiện chính sách vơ vét, bóc lột thậm tệ nhân dân ta và duy trì một đội quân thường trực đông đảo và xây dựng một hệ thống thành lũy kiên cố để khống chế nhân dân ta, bảo vệ nền đô hộ của chúng.
Để chống lại ách cai trị hà khắc của nhà Đường, từ cuối thế kỷ VII, nhân dân ta đã nhiều lần vùng dậy khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược, giành quyền tự chủ. Như cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên, Đinh Kiến, Ký Tự Thận vào năm 678, cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo, nổ ra vào năm 713 được nhiều nghĩa sĩ và nhân tài khắp vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh tích cực tham gia, nhân dân 32 châu quận ở cả Giao Châu, Phong Châu, Trường Châu, hưởng ứng. Không những thế, cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan còn liên kết được quân Chămpa, Chân Lạp và Kim Lân trong việc chống lại sự xâm lược của nhà Đường. Với sức mạnh của nghĩa quân và và sự đóng góp sức người sức của dồi dào của nhân dân và ý thức độc lập, tự chủ của toàn dân, Mai Thúc Loan tự xưng là hoàng đế, gọi là Mai Hắc Đế xây thành trên núi và lấy vùng Nam Sa (nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An) hiểm yếu làm căn cứ chống giặc. Chính quyền của Mai Hắc Đế tồn tại trong gần 10 năm, đến năm 722 mới bị quan quân nhà Đường đánh dẹp.
Sau thất bại của khởi nghĩa Mai Thúc Loan, một cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường lại được phát động ở Đường Lâm (Ba Vì – nay thuộc Hà Nội), do hào trưởng Phùng Hưng lãnh đạo. Căm giận quân cướp nước ra sức bòn rút của cải và đàn áp nhân dân, Phùng Hưng và em là Phùng Hải đã hô hào nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Nhân dân hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi của Phùng Hưng, tôn ông làm Đô quan và tôn Phùng Hải làm Đô bảo. Nghĩa quân còn liên kết được với lực lượng của tù trưởng Đỗ Anh Hàn, Thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa khác trên vùng đất Giao Châu. Nghĩa quân đánh chiếm được một số phủ thành ở Phong Châu và Trường Châu. Phùng Hưng tổ chức lại việc cai trị. Ông được nhân dân phong là Bố Cái Đại Vương. Khi ông mất, được nhân dân lập đền thờ ở nhiều nơi… Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng lãnh đạo thắng lợi, nghĩa quân và nhân dân ta tuy chỉ làm chủ được đất nước mấy năm nhưng đã góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta vào cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ thứ IX.
Khởi nghĩa Dương Thanh khởi đầu vào năm 819 do Dương Thanh, một hào trưởng ở vùng Hoan Châu chỉ huy hơn 2.000 binh lính dưới quyền tấn công thành An Nam, giết chết viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Tượng Cổ “nổi tiếng tham bạo, hà khắc mất lòng dân chúng”. Sau cuộc nổi dậy thành công, Dương Thanh cắt đứt mối liên hệ với chính quyền đô hộ nhà Đường, tìm cách xây dựng một chính quyền độc lập tại An Nam. Thắng lợi mau chóng trong thời gian đầu của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh có nguyên do từ sự căm ghét của dân chúng An Nam đối với cách thống trị của nhà Đường đã trở thành cực điểm và “sự chán nản và u uất” của Dương Thanh, một quan lại yêu nước, có tinh thần dân tộc, sau khi bị Lý Tượng Cổ điều từ Hoan Châu về Tống Bình, cho làm “nha môn tướng” của mình, thực chất là nhằm khống chế, khiến ông càng quyết tâm chống lại cũng là một phần do vào thời điểm này, khi nhà Đường đã có phần suy yếu, các cuộc khởi nghĩa của người Tày, Nùng ở vùng Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay là các tộc người bị sử nhà Đường chép là người Man Hoàng Động buộc phải bị động đối phó nên chưa thể tập trung lực lượng đối phó với nghĩa quân của Dương Thanh.
Chính quyền độc lập của Dương Thanh chỉ kéo dài chưa được 1 năm thì bị quân nhà Đường dưới sự chỉ huy của Quế Trọng Võ – người thay Lý Tượng Cổ làm quan đô hộ An Nam thâm độc vừa dùng kế ly gián vừa dùng lực lượng quân sự đã tăng cường tấn công tiêu diệt.
Dù sớm thất bại do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đứng về phía nghĩa quân cũng có những sai sót về cách tổ chức lực lượng, về quan hệ giữa Dương Thanh và một số tướng sĩ chưa được thống nhất, nhưng cuộc khởi nghĩa Dương Thanh có thể được đánh giá là dấu mốc quan trọng báo hiệu sự suy sụp của chính quyền cai trị nhà Đường tại An Nam, “là điềm báo trước” cho những sự kiện trọng đại sẽ diễn ra trong thế kỷ IX và X chấm dứt ách cai trị của chính quyền phong kiến Trung Quốc ở An Nam, dẫn đến sự hình thành một quốc gia độc lập, tự chủ của người Việt trên đất nước Việt Nam.
Chính vì vậy, cuộc khởi nghĩa Dương Thanh đã được đề cập đến khá sớm trong một số công trình khảo cứu ở Việt Nam, Như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục…
Một số sử liệu Trung Quốc cũng có ghi chép về khởi nghĩa Dương Thanh như Đường Thư (cả cuốn Đường thư và Tân Đường thư), Tư Trị Thông giám, Sách phủ nguyên quy…
Nhiều bộ sách mới được biên soạn trong vài chục năm gần đây ở nước ta cũng dành nhiều trang viết về cuộc khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử chống Bắc thuộc của dân tộc như: Lịch sử Việt Nam tập I của các tác giả Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh xuất bản năm 1985, cuốn The birth of Vietnam của nhà sử học Mỹ Keith Weller Taylor, xuất bản tại Mỹ năm 1983, gần đây nhất là bộ Lịch sử Việt Nam 4 tập của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, xuất bản năm 2000 và bộ sách Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học xuất bản năm 2017…
Dù cuộc khởi nghĩa Dương Thanh đã được đề cập trong một số công trình sử học như đã nêu nhưng việc đi sâu nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa này và đặt cuộc khởi nghĩa ấy trong lịch sử đấu tranh chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam vẫn còn sơ sài. Nay, với sự phối hợp của UBND tỉnh Nghệ An, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng Họ Dương Việt Nam, chúng ta muốn có thêm nhưng tư liệu và kết quả nghiên cứu được trình bày và thảo luận nhằm đi sâu vào một số nội dung cụ thể sau đây:
1. Bối cảnh trong nước và quốc tế khi cuộc khởi nghĩa Dương Thanh nổ ra
2. Thân thế, bao gồm gia đình, quê hương và sự nghiệp của Dương Thanh, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
3. Tổ chức bộ máy chính quyền sau khi khởi nghĩa giành được thắng lợi, đánh đuổi được quân xâm lược nhà Đường.
4. Nguyên nhân cuộc khởi nghĩa mau chóng giành được thắng lợi và nguyên nhân thất bại.
5. Tác động của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh đói với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta cuối thế kỷ IX sang thế kỷ X. Vị trí của cuộc khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử chống Bắc thuộc của dân tộc Việt Nam.
Trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc khởi nghĩa Dương Thanh, một biểu hiện của tinh thần yêu nước Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các vị đại biểu tham dự hội thảo.
Xin trân trọng cảm ơn!