Đền thờ Dương Trí Trạch

Tiến sĩ Dương Trí Trạch (1586 – 1662), người làng Sơn Huy, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 34 tuổi, Ông thi đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 20 (1619) đời vua Lê Kính Tông, làm quan đến chức Tham tụng, Hộ bộ Thượng thư, hàm Thiếu Bảo. Khi về trí sĩ, được thăng Lại bộ Thượng thư, Quốc lão, Thái Bảo. Sau khi ông mất, được tặng hàm Thái Tể.

Sử sách ghi nhận, sau hơn 40 năm phụng sự đất nước (từ năm 1620, đến năm 1661), nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau trong triều đình nhà Lê, Dương Trí Trạch đã có đóng góp lớn trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và giáo dục.

Về tư tưởng chính trị, quân sự

Dương Trí Trạch đã có nhiều đề nghị nhằm ổn định tình hình đất nước: là người hai lần dâng sớ tâu Vua, lập mưu đánh giặc, tạo mối hòa hiếu giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong và dâng sớ đề nghị cần chấn chỉnh việc cai trị đất nước, thu phục nhân tâm trọng dụng nhân tài, đồng thời, kiên quyết trừng trị những kẻ nhũng nhiễu hạch sách dân.

Về quân sự, ông đã cùng với Tây Quận công Trịnh Tạc đi đánh dẹp ở Cao Bằng, góp phần bảo vệ biên cương phía Bắc và ổn định chính trị đất nước.

Về lĩnh vực ngoại giao

Mùa Đông năm Canh Ngọ (1630), Dương Trí Trạch được vua Lê Thần Tông cử làm Chánh sứ lãnh trách nhiệm đi sứ sang Yên Kinh. Chuyến đi sứ trong vòng 3 năm đã thu được kết quả tốt đẹp, hoàn thành trọng trách triều đình giao phó. Năm 1638, sứ thần Giang Văn Minh bị nhà Minh hành hình, ngay sau đó là đoàn sứ bộ do Dương Trí Trạch làm Chánh sứ tiếp tục đi sứ Yên Kinh để nối lại mối giao hảo. Có thể thấy rằng chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, Tiến sĩ Dương Trí Trạch đã 2 lần được triều đình tin tưởng giao làm Chánh sứ đi sứ phương Bắc chứng tỏ ông là một nhà ngoại giao tài giỏi và có nhiều đóng góp cho hoạt động đối ngoại của Đại Việt lúc bấy giờ.

Về lĩnh vực giáo dục khoa cử

Đến năm 1592, sau khi chiếm lại được Thăng Long, nhà Lê tổ chức các kỳ thi đều đặn hơn và khoa thi Quý Mùi (1643), Dương Trí Trạch được cử làm Giám Thí và đã tổ chức tốt cuộc thi này để tuyển chọn nhân tài cho triều đình.

Theo văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử giám hiện còn lưu giữ cho biết Dương Trí Trạch đã được triều đình giao trọng trách tham gia 3 kỳ thi đại khoa để tuyển chọn nhân tài gồm: Khoa thi năm Quý Mùi (1643), năm Bính Tuất (1646) và năm Nhâm Thìn (1652). Trong 3 kỳ thi ấy Dương Trí Trạch được một lần giữ nhiệm vụ là Giám Thí và hai lần được giao trọng trách làm Tri Cống cử. Tổng hợp cả ba khoa thi trên, Dương Trí Trạch đã phát huy tinh thần trách nhiệm của người cầm cân nảy mực, chọn lựa nhân tài trực tiếp giúp triều đình tuyển chọn được 35 Tiến sĩ, góp phần tạo dựng và bồi dưỡng tầng lớp trí thức Nho học nước ta thời Trung đại.

Đền thờ Dương Trí Trạch được xây dựng trong khu dân cư thuộc thôn Thạch Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên. Trải qua thời gian, đền thờ đã có 4 lần trùng tu, thượng điện được trùng tu năm 1924, hạ điện trùng tu năm 1942, hiện nay diện tích còn 955,1 m2. Đền thờ có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) quay mặt về hướng Nam bao gồm các hạng mục: cổng, tắc môn, hạ điện và thượng điện.

Tiến sĩ Dương Trí Trạch là người có nhiều công lao đóng góp về các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa giáo dục cho đất nước trong những năm giữa thế kỷ XVII. Đây là thời kỳ phức tạp của lịch sử nước nhà, các thế lực tranh giành nhau quyền lực, chiến tranh xảy ra liên miên giữa Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn làm cho nhân dân lầm than, đói khổ. Đứng trước tình hình xã hội lúc bấy giờ Dương Trí Trạch đã có nhiều đề nghị nhằm bình ổn đất nước được thực thi có hiệu quả như về đối nội kiến nghị chấn chỉnh việc cai trị đất nước, thu phục nhân tâm trọng dụng nhân tài đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ nhũng nhiễu hạch sách dân. Về đối ngoại, Ông chủ trương hòa hiếu với nhà Minh tránh họa ngoại xâm cho đất nước. Vì vậy, sau khi Ông mất nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ một vị công thần của đất nước và quê hương.

Đền thờ còn lưu giữ được các hiện vật gốc như: bia đá, bài vị, cờ lọng, nghi trượng, gươm đao, câu đối…chạm trỗ, điêu khắc mang phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Với những giá trị trên, Đền thờ Dương Trí Trạch, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3085/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020.

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Nguồn: Website Cục Di sản Văn hóa

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com